The Epoch Times đã có trong tay một tài liệu nội bộ của chính phủ Trung Quốc, trong đó tiết lộ rằng ít nhất 813 sĩ quan cảnh sát và người thân của họ tại tâm dịch tỉnh Hồ Bắc đã bị nhiễm COVID-19. Con số này làm gia tăng thách thức kiểm soát virus lây lan của chính quyền Trung Quốc.
Cảnh sát Trung Quốc đeo khẩu trang bảo vệ khi họ đứng canh trên một con đường chính ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 31 tháng 1 năm 2020. (Kevin Frayer / Getty Images)
Các sĩ quan này đang ở tuyến đầu thực hiện chỉ đạo của chính quyền trước dịch bệnh bùng phát. Họ được giao nhiệm vụ đảm bảo dư luận được kiểm soát và phù hợp với các tuyên bố của chính quyền.
Tài liệu ngày 21/2 mô tả chi tiết biện pháp các quan chức ở Hồ Bắc đang nỗ lực thực hiện để đối phó với khủng hoảng.
Số liệu thống kê bao gồm 371 sĩ quan cảnh sát, 61 sĩ quan đã nghỉ hưu và thành viên gia đình của 381 sĩ quan. 277 cán bộ khác bị nghi nhiễm COVID-19. Ít nhất bốn sĩ quan đã chết.
Mặc dù còn hạn chế, nhưng dữ liệu này đã phản ánh bức tranh sơ bộ về triển vọng ảm đạm mà giới chức sẽ phải đối mặt.
Kiểm soát tuyên truyền
Cảnh sát Trung Quốc luôn ở tuyến đầu thực hiện nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm cố gắng kiểm soát việc đưa tin tuyên truyền về sự bùng phát của dịch bệnh. Chính quyền Trung Quốc thường sử dụng uyển ngữ “duy trì sự ổn định xã hội”.
Tính đến ngày 21/2, có tới 120.000 cảnh sát đã đóng quân tại tất cả các bệnh viện chuyên biệt điều trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19 – Bộ trưởng Bộ An ninh (Cảnh sát trưởng quốc gia) Lý Kinh Sinh (Li Jingsheng) phát biểu tại cuộc họp báo ngày 21/2. Cảnh sát sẽ đứng canh gác suốt ngày đêm để bảo vệ các bác sĩ tại các cơ sở y tế, ông Li nói, vì rằng một số bệnh nhân nhiễm COVID-19 và người nhà của họ có thể tấn công nhân viên y tế khi họ cảm thấy tuyệt vọng bức bối.
Tuy nhiên, tài liệu tiết lộ rằng các nhiệm vụ của các sĩ quan cảnh sát khác xa với những gì ông Li mô tả.
Chỉ riêng tỉnh Hồ Bắc đã huy động khoảng 40.000 cảnh sát trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Lực lượng cảnh sát được cử đến 244 bệnh viện được chỉ định, 678 phòng khám và 1.958 điểm kiểm dịch. Họ đã bắt giữ 84 người về các tội phạm hình sự liên quan đến dịch bệnh, giám sát tại nhà 39 người, giam giữ 1.344 mà không cần xét xử và đưa ra các hình thức trừng phạt khác cho 2.525 người khác.
Một nhà hoạt động dân chủ (giữa) từ Liên minh HK giữ một tấm bảng của nhà báo công dân mất tích Phương Bân (Fang Bin), khi cô biểu tình bên ngoài văn phòng liên lạc Trung Quốc tại Hồng Kông vào ngày 19 tháng 2 năm 2020. (Isaac Lawrence / AFP qua Getty Images)
Súng và nhà giam
Vũ Hán, thủ phủ của Hồ Bắc, đã tuyển mộ lực lượng cảnh sát từ các thành phố khác, theo video và báo cáo đăng tải trên truyền thông Trung Quốc. Qin Han, một nhà bình luận về các vấn đề chính trị có trụ sở tại New York, cho rằng động thái này cho thấy hai khả năng, một là số lượng cảnh sát Vũ Hán giảm nghiêm trọng do bị nhiễm COVID-19, hai là Vũ Hán có nhu cầu về cảnh sát ngày càng tăng nhằm duy trì quyền lực và “sự ổn định xã hội”.
Tỉnh Hồ Bắc cũng đã thuê hơn 1.600 người kiểm duyệt để xóa thông tin “nhạy cảm” về virus trên mạng.
Tài liệu nội bộ ngày 21/2 tiết lộ rằng các cơ quan kiểm duyệt đã xóa 3.248 đăng tải được cho là “nhạy cảm” hoặc “nguy hại”. Đồng thời, họ đã đăng 199.000 bài viết “tích cực” về hành động đối phó dịch bệnh của các cơ quan nhà nước. Trong khi đó, cảnh sát đã xác định được 610 trường hợp tung “tin đồn” và khiển trách 601 người liên quan.
Tài liệu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường giám sát an ninh xung quanh các cơ quan chính phủ và trung tâm điều trị virus, tăng cường kiểm duyệt Internet để loại bỏ tin đồn và tìm giải pháp cho các sự cố “liên quan đến ổn định xã hội”.
“Cảnh sát được trang bị súng, súng và nhà giam bổ trợ cho nhau”, Qin nói với The Epoch Times. “Khi nói dối không thành, cảnh sát sẽ phải dùng đến bạo lực. Khi ai đó cố gắng nói lên sự thật vượt quá giới hạn chính quyền cho phép, họ sẽ bị xử lý”.
Lý Văn Lượng, một bác sĩ ở Vũ Hán, người đã cố gắng cảnh báo các đồng nghiệp của mình về sự nguy hiểm của virus vào cuối tháng 12, đã bị cảnh sát theo dõi. Họ buộc tội anh ấy vì đã phát ngôn sai lệch và buộc vị bác sĩ này phải thú nhận hành vi phạm tội là “tung tin đồn”. Sau đó, bác sĩ Lý đã qua đời vì căn bệnh này do bị lây nhiễm từ một bệnh nhân do anh điều trị.
Hai nhà báo công dân thẳng thắn, Trần Thu Thực (Chen Qiushi) và Phương Bân (Fang Bin), cũng mất tích sau khi đăng video về dịch bùng phát ở Vũ Hán. Sau khi Fang quay cảnh một xe tải chở 8 xác bệnh nhân tại một bệnh viện địa phương, cảnh sát đột nhập vào căn hộ của anh và bắt anh đi. Không ai được biết thông tin gì về anh kể từ đó.
Qin cho biết rằng những vụ bắt giữ như vậy là phổ biến. “Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), như thường lệ, sẽ không xin lỗi vì những sai lầm của mình… nếu ai đó phản đối và có ý kiến khác, phản ứng đầu tiên của họ là bắt giữ người đó”.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng các biện pháp cưỡng bức như vậy có thể dẫn tới phản ứng dữ dội. Ông nói “càng ngày càng có nhiều vấn đề phát sinh, thế thì phản ứng tiêu cực của dư luận đối với ĐCSTQ cũng theo đó sẽ ngày càng tăng”.
Tuệ Minh/NTDVN Tin quốc tế , Y tế
No comments:
Post a Comment