Những kẻ "hại nước, hại dân" ngày nay không nằm riêng trong phạm vi một “nhóm lợi ích”, họ là một tập hợp “thượng vàng, hạ cám”…
Gần hai năm trước, khi bài viết “Nhận diện nhóm lợi ích bán nước, hại dân” [1] được đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, người viết chưa có nhiều tư liệu để có thể minh họa chính xác bộ mặt thật của “nhóm lợi ích” này.
Vì lẽ đó – như bình luận của một số bạn đọc – bài viết mới chỉ giới hạn “gãi từ vai trở xuống”.
Ngày nay, khi chiến dịch “Lò nóng – củi tươi” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động đang rực lửa khắp từ Bắc vào Nam, từ tỉnh đến trung ương, ngẫm lại mới thấy cần phải trở lại chủ đề này một cách cụ thể, chính xác theo tinh thần “ngứa chỗ nào gãi chỗ ấy”.
Hai năm nay, rộ lên nhiều chuyện “mất”.
Tại Hà Nội, Bộ Nội vụ mất hồ sơ liên quan đến Trịnh Xuân Thanh; tại Thanh Hóa, mất hồ sơ vụ hot girl Quỳnh Anh;
Tại Thành phố Hồ Chí Minh mất bản đồ quy hoạch 1:5.000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm;
Lực lượng vũ trang “mất” một loạt tướng tá; Nhiều địa phương “mất” cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh;
Dân tự nhiên mất tiền gửi ngân hàng; Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước mất uy tín (khi để lọt mấy chục người không đủ tiêu chuẩn);
Ngành Văn hóa mất “bản quyền” vì không được “cấp phép” hát Quốc ca;…
Trước đây ít mất, bây giờ mất nhiều thế có phải do trước “trong sạch” hơn hay tại “cái kim trong bọc” bây giờ mới lòi ra?
Có điều thú vị là chính những thứ bị “mất” ấy không làm giảm mà lại tăng niềm tin của dân vào quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Khi nói về “nhóm lợi ích”, người ta hình dung về một nhóm người, chủ yếu bao gồm cán bộ, công chức và doanh nhân, tuy nhiên liên quan đến “đất”, đến “nước” thì không chỉ là “người” mà còn không ít cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị.
Những ke' “hại nước, hại dân” ngày nay không nằm riêng trong phạm vi một “nhóm lợi ích”, họ là một tập hợp “thượng vàng, hạ cám”, từ kẻ “trọc đầu dùng bằng rởm” như “Út trọc” tới không ít tướng tá, từ một bộ phận cán bộ phường, xã tới những người từng là Ủy viên Trung ương, từ cá nhân đến không ít tập thể cấp tỉnh, thành phố.
Nói thế mới là tổng quát, vậy xin nêu một số sự kiện:
Năm cán bộ thành phố Đà Nẵng bị khởi tố trong đó có hai vị nguyên Chủ tịch (Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến) liên quan đến việc bán tài sản công (nhà, đất) cho tư nhân với giá bèo có cho thấy họ “hại nước, hại dân” ra sao?
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (100% vốn của Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) chuyển nhượng 32,4 ha đất tại xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2.
Sau khi thanh tra, mức giá được nâng thành 1,768 triệu đồng/m2, nghĩa là tăng thêm 155,3 tỷ đồng.
Chủ tịch công ty này cho rằng khu đất này được mua với giá hơn 600 tỷ đồng chứ không phải 419 tỷ đồng như thông tin ban đầu.
Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam viết: “Mức giá này được cho là rẻ bất thường, bởi theo giá trị thị trường lúc bấy giờ, một m2 đất nông nghiệp có thể được giao dịch với mức giá 8 triệu đồng.
Như vậy khu đất 32 ha mà Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai đánh ra có thể thu về cho ngân sách khoảng 2.400 tỷ đồng”. [2]
Cần phải khẳng định tài sản do các cơ quan Đảng, Nhà nước quản lý là tài sản công bất kể nguồn gốc như thế nào.
So sánh hai con số nêu trên có thể thấy nếu hợp đồng hoàn tất, Thảnh ủy Thành phố Hồ Chí Minh bị thiệt hại khoảng 1.800 tỷ đồng, đó là tài sản công bị mất chứ không phải của riêng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Nếu kể thêm thì còn chuyện chia lô bán đất nền ở Phú Quốc, chuyện “12 dự án “đắp chiếu” ngành Công thương: Ai sẽ trả khoản nợ 55.000 tỷ đồng?”,… [3]
Câu chuyện thất lạc bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Bản đồ Thủ Thiêm) cho thấy một góc nhìn khác về đội ngũ công bộc của dân thuộc nhiều cấp bậc.
Quan chức Thành phố Hồ Chí Minh nói thất lạc chưa tìm thấy, trong khi đó ông Nguyễn Hồng Điệp – Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) cho rằng:
“Cần sớm trả lời sòng phẳng, thẳng thắn với người dân là không có bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, vì Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cũng không có”.
Vậy ông Điệp sẽ trả lời thế nào khi báo chí nước ngoài đăng ảnh chụp một bức bản đồ được cho là bản sao Bản đồ Thủ Thiêm có dấu xác nhận của Chi cục Văn thư Lưu trữ Thành phố Hồ Chí Minh ngày 06/10/2014?
Nếu ảnh chụp này là chính xác thì việc “không có bản đồ” chỉ xảy ra sau năm 2014, tức là cách đây chưa đầy 4 năm?
Ảnh báo chí nước ngoài đăng tải
Cũng xin nhắc ông Nguyễn Hồng Điệp, điều 9 “Lưu trữ, lưu giữ hồ sơ đồ án quy hoạch đô thị” trong Luật Quy hoạch đô thị (số 30/2009/QH12) ghi:
1. Hồ sơ đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
2. Cơ quan quản lý về quy hoạch đô thị, cơ quan quản lý đất đai các cấp có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ đồ án quy hoạch đô thị và cung cấp tài liệu về đồ án quy hoạch đô thị cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Làm mất hồ sơ là phạm pháp nên không thể nói mất một cách dửng dưng như vậy.
Hầu hết các báo đăng ảnh tấm bản đồ do ông Lê Văn Lung (nhà số 9, Trần Não, khu phố 1, quận 2 Thành phố Hồ Chí Minh) đã cung cấp.
Điều bất ngờ đây là tấm bản đồ màu chứ không phải đen trắng và có dấu đỏ xác nhận của Văn phòng kiến trúc sư trưởng, Sở Xây dựng và Công ty Dịch vụ phát triển đô thị…
với ký hiệu bản vẽ KT-06, ngày 12/6/1995, tỷ lệ 1:5.000. [4]
Việc xác minh tấm bản đồ này là thật hay giả là nhiệm vụ của cơ quan chức năng.
Nếu tấm bản đồ ông Lung giữ là thật thì điều gì sẽ xảy ra khi câu chuyện gần hai mươi năm trước liên quan đến dự án khủng này bị phơi bày?
Khoản 7, điều 157 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 “Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự” quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác”.
Phải chăng, sự “biến mất” của Bản đồ Thủ Thiêm tạo nên một “căn cứ” để không lục lại những chuyện xảy ra trong quá khứ tại dự án này?
Từ năm 2007, báo chí từng nêu câu hỏi: “Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Ai phá nát quy hoạch?”. [5]
Trả lời câu hỏi này phải tìm trong Quyết định số 6565 do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua ký ngày 27/12/2005, trong đó ghi: “Quyết định này thay thế Quyết định số 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ”?
Thật kỳ lạ khi Phó Chủ tịch Thành phố tự cho mình quyền bãi bỏ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhưng không thấy cơ quan có trách nhiệm lên tiếng về tính hợp pháp của văn bản do chính quyền thành phố này công bố?
Thêm nữa, năm 2015, Thanh tra Chính phủ ra quyết định thanh tra Dự án Thủ Thiêm nhưng rồi “đột ngột dừng thanh tra một dự án khuất tất liên quan hàng chục ngàn hộ dân, đến giờ này không còn là chuyện “nội bộ” của Thành phố Hồ Chí Minh và Thanh tra Chính phủ với những văn bản lẽ ra phải công khai lại được che giấu bằng dấu “mật””. [6]
Bộ Tư pháp có nên xem lại tính pháp lý của Quyết định số 6565 của Thành phố Hồ Chí Minh bởi không ít người đang cố gắng lấy bản đồ quy hoạch năm 2005 làm cơ sở cho những biện minh của mình.
Thanh tra Chính phủ có nên công khai vì sao lại dừng thanh tra Dự án Thủ Thiêm?
Coi thường kỷ cương phép nước, xem mình như “vua con” cai quản một cõi, bỏ qua (hay dung túng?) cho hành vi vượt quyền của lãnh đạo thành phố, “dừng thanh tra một dự án khuất tất liên quan hàng chục ngàn hộ dân” như báo Danviet.vn đề cập có phải chỉ là biểu hiện "hại dân” hay cũng là "hại nước”?
Theo Giaoduc