Cập nhật tin tức nóng hổi

Quy định về xử lý tài sản không rõ nguồn gốc cần chờ thêm độ "chín"

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho hay: Nguyên tắc của chúng ta là cái gì chắc chắn rồi thì đưa vào Luật, còn vấn đề chưa chắc chắn, chưa " chín", ví dụ như: Biện pháp thu thuế, hay đưa ra tòa để xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc một cách hợp lý, ĐBQH còn rất băn khoăn thì chưa quy định vào Luật.

Sáng ngày 20/11, ngay sau khi bế mạc kỳ họp, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức Họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.

Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: Sau 22,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc; với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao; kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

Tại kỳ họp này, với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước. Đây là nội dung quan trọng, được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm, đánh giá cao. Công tác nhân sự tại kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

Đồng thời, Quốc hội đã xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

Công tác lập pháp là một trong những nội dung quan trọng của Kỳ họp. Trên cơ sở thảo luận, xem xét toàn diện, kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 9 luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Trong đó, có các Luật quan trọng được thông qua như: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Công an nhân dân…
Quy định về xử lý tài sản không rõ nguồn gốc cần chờ thêm độ "chín"
Họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: TH).

Việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP có ý nghĩa quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Quốc hội đã hoàn thành tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là cơ sở để người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó…

Trước băn khoăn của báo chí về việc Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua mà không có quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được nguồn gốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường thừa nhận, đây là vấn đề dư luận, các cơ quan chức năng, ĐBQH và cử tri quan tâm.

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Khi thảo luận tại Quốc hội, ĐBQH cho rằng đây là vấn đề mới, rất phức tạp. Việc xử lý lần đầu tiên đặt ra. Trên thực tế những tài sản thu nhập tăng thêm của cán bộ,công chức nói riêng và người dân nói chung ở nước có nhiều nguồn khác nhau và trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, nhiều tài sản thu nhập đến nay cũng không có tài liệu chứng minh được nguồn gốc. Và đến nay, Nhà nước ta cũng chưa có hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập  của người dân và cán bộ công chức, viên chức; hệ thống thu thuế, hệ thống đăng ký tài sản, đặc biệt việc thanh toán tiền mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Chúng ta cũng chưa đặt ra vấn đề thu thuế với tài sản… Trong bối cảnh như vậy, việc xác định một tài sản thu nhập tăng thêm có giải trình được hay không giải trình nguồn gốc là vấn đề khó. Chính vì vậy, ý kiến các ĐBQH còn khác nhau. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký QH lấy phiếu xin ý kiến ĐBQH về các phương án để giải quyết vấn đề này. Qua lấy ý kiến còn phân tán, do vậy chưa đủ căn cứ, cơ sở để quy định về vấn đề này.

“Trước mắt vẫn giữ quy định của pháp luật hiện hành là đối với tài sản, tăng thêm không giải trình được nguồn gốc thì tài sản nào chứng minh được là do tham nhũng, phạm tội thì tịch thu; đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà chưa đủ thuế thì chuyển cơ quan thuế để xử lý”, ông Cường nói.

Liên quan đến nội dung này, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay: Nguyên tắc của chúng ta là cái gì chắc chắn rồi thì đưa vào Luật. Còn vấn đề chưa chắc chắn, chưa " chín", ví dụ như: Biện pháp thu thuế, hay đưa ra toà để xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc một cách hợp lý, khi thăm dò ĐBQH đều không quá bán, cho thấy ĐBQH còn rất băn khoăn thì chưa quy định vào Luật./.

Nguồn http://cpv.org.vn/thoi-su/quy-dinh-ve-xu-ly-tai-san-khong-ro-nguon-goc-can-cho-them-do-chin-505520.html
, ,

No comments:

Post a Comment