Cập nhật tin tức nóng hổi

Vụ cán bộ được cấp 24 nền nhà mặt tiền: Được miễn thuế gần 16 tỷ đồng

Liên quan vụ ông Nguyễn Văn Nhờ – nguyên Viện trưởng Viện KSND H.Bình Chánh (TP.HCM) được cấp đến 24 nền nhà mặt tiền vốn là đất của dân, Thanh tra Chính phủ phát hiện ông Nhờ được lãnh đạo địa phương cho miễn thuế trái pháp luật lên đến 16 tỷ đồng!

Nạn nhân uất ức, từng tự thiêu

Ngày 29/10/2018, bà Lê Thị Hồng Phượng, người bị cán bộ Nguyễn Văn Nhờ lấy đến 24 nền nhà mặt tiền và hàng ngàn m2 đất vốn thuộc sở hữu của gia đình bà, đã đến Ban Tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội để khiếu nại việc Thanh tra Chính phủ “ngâm” hồ sơ của bà, không thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ dù cơ quan này đã xác định bà khiếu nại đúng, đồng thời phát hiện hàng loạt sai phạm của địa phương.

Theo hồ sơ, Cục III Thanh tra Chính phủ (phụ trách phía Nam) đã kết thúc thanh tra và có báo cáo gửi lãnh đạo Thanh tra Chính phủ về những sai phạm tại địa phương. Đồng thời, do bà Phượng khiếu nại nhiều lần nên Ban Tiếp công dân Trung ương cũng đã có báo cáo gửi lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng như gửi Thủ tướng Chính phủ.

Trong các báo cáo, thông tin đáng chú ý là việc bà Phượng có hành động tự đâm mình và tự thiêu. Các sai phạm của TP.HCM không phải đến bây giờ Thanh tra Chính phủ mới phát hiện, mà thực tế đã có một báo cáo khá chi tiết, rõ ràng từ năm 2009 do Phó Tổng thanh tra ký. Tuy nhiên, đến nay TP.HCM chưa có bất kỳ động thái nào sửa sai mà lại còn tiếp diễn những sai phạm khác.

Như đã thông tin, bà Nguyễn Thị Đê (mẹ bà Lê Thị Hồng Phượng) có chồng là ông Hà Văn Tài, tham gia kháng chiến ở Cái Bè, Tiền Giang. Ông Tài bị mất tích trong kháng chiến. Do chồng mất sớm nên gia đình bà Đê bán hết gia sản về Sài Gòn sinh sống. Bà Đê mua 16.000m2 đất mặt tiền đường Kinh Dương Vương ở H.Bình Chánh (nay là Q.Bình Tân) để xây thương xá. Sau năm 1975, chính quyền địa phương không hề ra quyết định quản lý đất gia đình bà Đê mà tự ý chia cho ông Nguyễn Văn Nhờ (lãnh đạo Công an H.Bình Chánh -về sau làm Viện trưởng Viện KSND H.Bình Chánh) và Bến xe Miền Tây (Mitaco) sử dụng.

Theo hồ sơ, số đất mà ông Nhờ được cấp và tự chiếm tương đương 60 – 80 nền nhà. Riêng đất mặt tiền, theo cung cấp của UBND P.An Lạc A, ông Nhờ và các con được sở hữu toàn bộ nhà từ số 466 đến hết số 500 đường Kinh Dương Vương (18 căn); và từ số 6 đến số 16 đường Tên Lửa (6 căn). Toàn bộ nhà mặt tiền ông Nhờ và các con đem cho thuê thu về nhiều tỷ đồng/năm.
Vụ cán bộ được cấp 24 nền nhà mặt tiền: Được miễn thuế gần 16 tỷ đồng
Bà Phượng đi khiếu nại tại Trụ sở Tiếp Công dân Trung ương

Do gia đình bà Phượng khiếu nại quyết liệt suốt 40 năm qua, nên 15 hộ dân (không có bà con với ông Nhờ) vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Trong khi đó, năm 2014, UBND TP.HCM ban hành quyết định giao 2.056m2 đất cho đại gia đình ông Nhờ. Diện tích khủng này được chính quyền địa phương hợp thức hóa bằng cách chẻ ra làm 12 thửa, ông Nhờ và các con, dâu, rể thay phiên nhau đứng tên.

Vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ đã 5 lần chỉ đạo phải xử lý dứt điểm khiếu nại của công dân, nhưng trải qua 15 năm ròng, các chỉ đạo này vẫn chưa được TP.HCM và Thanh tra Chính phủ giải quyết xong. Lần gần đây nhất, Thanh tra Chính phủ được chỉ đạo phải báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/9/2017, nhưng hơn một năm trôi qua vẫn không ai thực hiện.

“Cho không” ông Nhờ gần 16 tỷ đồng

Theo kết quả xác minh, biên bản kiểm tra thực địa ngày 26/10/2017 và số liệu đo đạc của Trung tâm đo đạc bản đồ, hiện gia đình ông Nhờ đang sử dụng 3.425,23m2 đều thuộc Bằng khoán 1103 của bà Đê. Về cấp giấy CNQSDĐ, ông Nguyễn Văn Nhờ và các con được cấp 12 giấy với diện tích 2.573m², loại đất ở đô thị.

Trong số này, có đến 11 giấy không thu tiền sử dụng đất (trừ hồ sơ ông Nguyễn Văn Ngọc). Theo đó, ông Nhờ và vợ là Phạm Thị Nở đứng tên 3 giấy, các con của ông Nhờ là bà Nguyễn Thị Kim Loan đứng tên 2 giấy, ông Nguyễn Văn Phụng đứng tên 2 giấy. Đối với trường hợp ông Nguyễn Minh Phong (không phải con ông Nhờ) cũng được cấp giấy vì các cấp có thẩm quyền chỉ căn cứ vào tờ phân chia nhà ở, đất ở do ông Nhờ lập ngày 9/2/1980.

Cũng cần nói thêm, lý do ông Nhờ phân chia đất là vì “các con đã dựng vợ gả chồng”, nhưng thực tế thời điểm đó đều là trẻ em. Cụ thể, ông chia cho bé Nguyễn Thị Kim Nga (7 tuổi) 96,7m2; bé Nguyễn Văn Ngân (12 tuổi, hiện nay đang làm lãnh đạo phường) 164m2; bé Nguyễn Văn Hoàng (14 tuổi, hiện nay làm lãnh đạo Q.Bình Tân) 186m2; bé Nguyễn Văn Phụng (16 tuổi) 210m2; riêng bé Nguyễn Văn Ngọc (mới 4 tuổi) được ông Nhờ ghi trong giấy là sẽ bảo quản tài sản cho vợ chồng ông).

Thanh tra Chính phủ phát hiện, hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ của ông Nhờ có Giấy phân chia nhà ở, đất ở ghi ngày 9/2/1980, nhưng UBND P.An Lạc A xác nhận chữ ký vào ngày 23/12/2004(!?).Thanh tra Chính phủ xác định việc UBND P.An Lạc A xác nhận chữ ký vào ngày 23/12/2004 là vi phạm Nghị định số 75/2000/NĐ-CP năm 2000 của Chính phủ về chứng thực, công chứng.

Theo Báo cáo số 19975/CCTTB&TK ngày 1/11/2017 của Chi cục thuế Q.Bình Tân về việc xác định nghĩa vụ tài chính thì gia đình ông Nhờ chỉ phải nộp thuế trước bạ là 104 triệu đồng cho 12 giấy, và được miễn giảm 100% với số tiền là 15,684 tỷ đồng. Việc không thu tiền sử dụng đất căn cứ vào thông tin địa chính do Phòng Tài nguyên và Môi trường và Trung tâm phát triển quỹ đất Q.Bình Tân là không đúng quy định của pháp luật.

Việc xác định tính pháp lý để miễn giảm thuế nhà đất dựa trên giấy phân chia do ông Nhờ lập ngày 9/2/1980 không có chứng thực theo luật định là không đúng quy định của pháp luật. Phần vượt hạn mức diện tích 1.000m2 được chính quyền giao năm 1979, không thu tiền sử dụng đất và chuyển đổi từ đất sản xuất sang đất ở khi chưa xác định rõ nguồn gốc đất, đất có tranh chấp; Cấp 12 Giấy CNQSDĐ cho gia đình ông Nhờ là trái với qui định của Luật đất đai năm 2003 và năm 2013.

Việc làm này đã gây thất thoát tài sản của Nhà nước. Cũng theo hồ sơ, đối với phần đất mà 20 hộ dân tự lấn chiếm và đang sử dụng thuộc bằng khoán 1103, có 5 hộ đã được cấp giấy CNQSDĐ là chưa đúng bởi tại thời điểm này gia đình bà Phượng đang có đơn khiếu nại đòi lại.

Trao đổi với phóng viên, bà Phượng cho biết, việc thanh tra kết thúc đã lâu nhưng bà vẫn chưa được giải quyết nên bà tiếp tục khiếu nại.
,

No comments:

Post a Comment