Cập nhật tin tức nóng hổi

Doanh nghiệp nhà nước từ chủ đạo thành gánh nặng: Vì đâu nên nỗi?

Doanh nghiệp nhà nước được xem là đóng vai trò nòng cốt, đầu tàu của nền kinh tế. Nhưng những số liệu Kiểm toán Nhà nước công bố về con số thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước thời gian gần đây, cùng với sự phát triển vượt bậc của các doanh nghiệp tư nhân lại cho thấy rõ sự nghịch lý…

Ngày 14-6-2019, tại Khu công nghiệp Đình Vũ – Cát Hải, Hải Phòng, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast – Tập đoàn Vingroup đã khánh thành nhà máy sản xuất ô tô, chính thức bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt. Với 21 tháng xây dựng và hoàn thiện – Nhà máy ô tô VinFast đã đạt kỷ lục thế giới về tiến độ; đồng thời đưa công nghiệp ô tô Việt tiến lên nấc thang mới: tự chủ sản xuất và làm chủ chuỗi giá trị toàn cầu dưới thương hiệu Việt – VinFast. Phát biểu tại buổi khánh thành, Thủ tướng cho rằng: “Những kết quả hôm nay của VinFast đáng ngạc nhiên, nhưng không ngẫu nhiên. Kết quả này không chỉ minh chứng rằng, người Việt Nam chúng ta có thể làm được những điều mà thế giới làm được”.
Doanh nghiệp nhà nước từ chủ đạo thành gánh nặng: Vì đâu nên nỗi?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen cho lãnh đạo Tập đoàn Vingroup và Vinfast – Thương hiệu của tập đoàn doanh nghiệp tư nhân “ăn nên làm ra”, đóng góp nhiều giá trị kinh tế, thương hiệu cho đất nước VN
Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể tạo ra những sản phẩm tốt, đóng góp cho sự phát triển của đất nước đó là điều rất vui mừng. Tuy nhiên, với thực tế khối doanh nghiệp tư nhân đóng góp chưa đến 50% GDP, thì chưa thể nào gánh nền kinh tế của đất nước. Trong điều kiện hiện tại, doanh nghiệp nhà nước mới chính là đầu tàu gánh trọng trách đó. Nhưng một thực tế lại đáng buồn khi hàng loạt doanh nghiệp nhà nước lỗ từ trăm tỷ đồng.

Sau 12 doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nghìn tỷ được công bố vào năm 2016, làm chấn động dư luận như: Đạm Ninh Bình lỗ 926 tỷ đồng; Đạm Hà Bắc lỗ 340 tỷ đồng; DAP số 2-Vinachem lỗ 246 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) mất hơn 700 triệu USD vì đầu tư không hiệu quả… Thì thông tin Kiểm toán Nhà nước vừa công bố về một số doanh nghiệp nhà nước khiến người dân càng ngao ngán: Lỗ lũy kế đến hết năm 2017 của Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí (PVX) là 3.377 tỉ đồng. Rồi từ thua lỗ, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã âm vốn chủ sở hữu, như: Công ty CP Hóa dầu và xơ sợi dầu khí âm 1.780 tỉ đồng, Công ty CP Đầu tư tài chính Công đoàn dầu khí VN (PFI) âm 172 tỉ đồng và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất âm 1.159 tỉ đồng. Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) đầu tư vào 7 công ty, lỗ lũy kế 105 tỉ đồng. Công ty TNHH MTV Quản lý, kinh doanh nhà TP.HCM đầu tư vào 1 đơn vị, lỗ lũy kế tới 286 tỉ đồng. Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) đầu tư vào 8 công ty liên doanh, liên kết và đầu tư dài hạn khác, lỗ lũy kế 315 tỉ đồng. Đó là những con số nghìn tỷ trở lên? Tại sao có quá nhiều ưu ái, cái gì cũng có sẵn từ vốn, cơ ở hạ tầng, đến nguồn nhân lực nhưng các doanh nghiệp nhà nước lỗ triền miên?

Những doanh nghiệp nhà nước như trên không khác gì những con đĩa hút máu. Thực trạng nguy hiểm đó, trước Quốc hội, ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã nói thẳng: “Lẽ ra doanh nghiệp nhà nước phải đóng vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế, nhưng các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động khu vực này đang ở vị trí khóa đuôi”.

Không chỉ làm ăn thua lỗ, thâm hụt ngân sách, trở thành gánh nặng cho nhân dân mà khá nhiều doanh nghiệp nhà nước đang chiếm hữu gây lãng phí tài nguyên đất – ôm đất rộng, đất “vàng” ngồi đó giữ cho riêng mình. Trong khi nhiều doanh nghiệp tư nhân kêu trời vì không có đất kinh doanh, không đủ tiền mua đất làm mặt bằng kho xưởng sản xuất, thì trớ trêu thay, Tổng công ty Khánh Việt đang nắm giữ 286ha đất chưa sử dụng, Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) nắm 18,92ha, Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN (VNPT) 7,01ha… Đó là chưa kể đến hàng nghìn hecta đất công được sử dụng không hiệu quả. Cụ thể, công ty mẹ – Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra) có 2 khu đất đã được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ nhiều năm trước nhưng đến thời điểm này vẫn đang “đấp chiếu” phơi nắng.
Doanh nghiệp nhà nước từ chủ đạo thành gánh nặng: Vì đâu nên nỗi?
Cần phải có cơ chế để doanh nghiệp nhà nước phá sản khi thua lỗ. Không thể để tình trạng này kéo dài thêm mãi
Doanh nghiệp tư nhân có nguồn lực con người, tài chính, nhiệt huyết nhưng cơ hội thì quá ít, cánh cửa quá hẹp, thậm chí bị đối xử khác biệt, chèn ép. Phản ứng đầy bức xúc của CEO VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 đó là biểu hiện của giọt nước tràn ly: “Cùng một sự cố hạ cánh nhầm nhưng chúng ta thấy giữa doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước bị phản ứng khác nhau”.

Trong khi VietJet có gần một nửa thị phần hàng không Việt Nam, nhưng toàn bộ cơ sở hạ tầng tại sân bay như khu bảo dưỡng máy bay, nhà ga, suất ăn, cơ sở mặt đất… vẫn phụ thuộc vào một doanh nghiệp độc quyền của Nhà nước. CEO VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo nói rằng: “Chúng tôi cứ nói vui là doanh nghiệp mình không có đến một tấc đất cắm dùi tại các sân bay lớn, mặc dù chúng tôi hoàn toàn có năng lực. Chúng tôi có thể đầu tư khẩn trương, chất lượng, không dùng nguồn vốn ngân sách”. Nhưng với góc độ một nhà kinh tế, thì đó không phải là “nói vui” mà là sự chua chát. Nếu như được hỗ trợ nhiều hơn, được tăng thêm sự ưu đãi thì chắc chắn VietJet sẽ phát triển hơn bây giờ, đóng góp nhiều giá trị hơn bây giờ cho kinh tế, ngân sách nhà nước.

“Buộc các doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường để phát triển”; “có cơ chế để doanh nghiệp phá sản khi thua lỗ”; “Phải bình đẳng giữa các khu vực kinh tế” – đó là những đề xuất mà rất nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp cùng chung quan điểm. Nhưng từ kiến nghị đến hiện thực, đó là khoảng cách khá xa. Bởi, để chuyển dịch cơ cấu, thay đổi được cơ chế cần có nhiều thời gian, và chắc chắn nó phải đi qua ít nhất hàng chục quy trình…

Dạ Thảo
,

No comments:

Post a Comment