Ngày 20-8, liên quan vụ ‘thiếu gia’ Tô Công Lý bị bắt, một lãnh đạo cấp sở tỉnh Cà Mau cho biết đã bàn giao ‘toàn bộ hồ sơ’ Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau cho Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an.
Theo vị lãnh đạo này, trước khi bắt “thiếu gia” Tô Công Lý, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã làm việc với nhiều sở chuyên ngành liên quan đến dự án Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau.
“Các hồ sơ liên quan đến thiết kế, công nghệ, tỉ lệ chôn lấp, quyết toán… chúng tôi đã bàn giao cho Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an nên không còn cái gì để cung cấp”, lãnh đạo này nói khi PV Tuổi Trẻ Online hỏi liên quan đến dự án Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau.
Các công nhân phân loại rác trong Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau – Ảnh: N.HÙNG
Trong một diễn biến khác liên quan, trước đó vào ngày 25-6, ông Nguyễn Tiến Hải – chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – đã ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình hoạt động của Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu kiểm tra toàn diện Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau xung quanh tiền hỗ trợ xử lý rác, đầu tư, công nghệ xử lý rác có đảm bảo môi trường… Tuy nhiên, trong văn bản trả lời báo chí mới đây, Sở Xây dựng Cà Mau cho biết “vẫn còn dự thảo”.
Trước đó, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công đã bắt “thiếu gia” Tô Công Lý vì có hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, phạm vào điều 179 Bộ luật hình sự.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an bắt ông Tô Công Lý vì có liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền nhiều tỉ đồng tại dự án Nhà máy xử lý rác thải Cà Mau.
Nhà máy xử lý thải TP Cà Mau xây dựng theo chính sách ưu đãi đầu tư, vốn trên 300 tỉ đồng, Nhà nước hỗ trợ 50% vốn đầu tư. Trong đó 40% vốn ưu đãi do Nhà nước hỗ trợ là do ngân sách trung ương (trên 120 tỉ đồng), ngân sách tỉnh Cà Mau hỗ trợ 10%, 50% vốn còn lại là của nhà đầu tư (chủ yếu là vay vốn ưu đãi của ngân hàng). Dự án đưa vào sử dụng năm 2012.
Qua 7 năm hoạt động, Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau công suất 200 tấn/ngày này có đến hai lần tạm ngưng để bảo trì, sửa chữa. Theo lý giải của Công ty Công Lý, do đặc thù của ngành xử lý rác, các thiết bị, máy móc luôn bị oxy hóa, gỉ sét rất nhanh, thường xuyên hư hỏng.
Công ty Công Lý cũng từng “xin” giao lại nhà máy cho tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh Cà Mau chưa tiếp nhận do lo ngại có gian dối về công nghệ, thiết bị của nhà máy không đúng với hồ sơ thiết kế như ban đầu khi thực hiện dự án, nhằm hưởng chính sách ưu đãi.
M.QUÂN/Tuổi Trẻ Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment