Đây là câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi nhìn thấy gỗ “khủng” la liệt mắc lại ở bản Xa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa sau đợt lũ vừa qua.
Theo Hạt kiểm lâm huyện Quan Sơn, cây gỗ này thuộc gỗ nhóm 6 (gỗ tạp)
Theo kiểm tra sơ bộ của Hạt kiểm lâm huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), số gỗ mắc lại sau trận lũ lịch sử đầu tháng 8 vừa qua tại bản Xa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn có cả gỗ từ rừng tự nhiên trôi về và cả gỗ của người dân đã qua sử dụng.
Trao đổi với PV sáng 14-8, ông Nguyễn Đức Hiệp – hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Quan Sơn – cho biết: Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa và lãnh đạo huyện Quan Sơn đã có chỉ đạo đơn vị kiểm tra, kiểm đếm, giám sát chặt chẽ số gỗ trôi về sau lũ tại bản Xa Ná và số gỗ hiện có của người dân địa phương.
Trong số gỗ hiện thấy ở bản Xa Ná, một phần là từ nguồn gỗ rừng trồng tự nhiên. Trong đó, có vài gốc samu dầu có nguồn gốc từ rừng nơi thượng nguồn suối Son trôi về.
Bên cạnh đó, một số cây gỗ bật cả gốc, trong đó có cả cây gỗ dài 12m là gỗ tự nhiên.
Bộ đội kéo một khúc gỗ từ rừng tự nhiên trôi về ở bản Xa Ná
Ngoài số gỗ tự nhiên, ở đây còn có cả gỗ người dân từng sử dụng như cột nhà sàn, các thanh gỗ đã xẻ vuông vức vốn là cấu kiện trong ngôi nhà sàn của người dân tộc Thái. Thậm chí còn những tấm gỗ xẻ lớn, nằm ngổn ngang ở bản Xa Ná là các bộ phản (bộ ngựa) người dân địa phương thường dùng để nằm, hoặc ngồi uống nước.
Đây là số gỗ của người dân đã qua sử dụng, bị lũ cuốn trôi, chưa xác định được của gia đình nào.
Những tấm gỗ đã xẻ này là bộ phản đã qua sử dụng của người dân bản Xa Ná bị lũ cuốn ra khỏi nhà, hiện chưa xác định được chủ nhân
“Đối với gỗ đã qua sử dụng hiện còn lại ở bản Xa Ná, cán bộ kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn người dân tự thống kê, tự chứng minh nguồn gốc gỗ của gia đình mình, dưới sự giám sát của hàng xóm…
Trên cơ sở xem xét thực tế, xác định đúng chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng hợp pháp, thì trả lại cho người dân để sử dụng tại chỗ.
Còn đối với gỗ tự nhiên, sau khi kiểm tra, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ, đơn vị sẽ tham mưu cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa và UBND huyện Quan Sơn theo hướng để người dân sử dụng số gỗ trục vớt được sau lũ dựng lại nhà mới tại khu tái định cư” – ông Nguyễn Đức Hiệp cho biết thêm.
Hiện nay, Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn cùng chính quyền địa phương đang giám sát chặt chẽ số gỗ trôi dạt sau lũ đến từng hộ gia đình và sẽ xử lý nghiêm đối với các đối tượng lợi dụng để khai thác, mua bán trái phép số gỗ trục vớt được sau mưa lũ.
Các thanh gỗ nằm ngổn ngang này từ ngôi nhà sàn của người dân bản Xa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn bị mưa lũ cuốn sập sáng 3-8
(HÀ ĐỒNG/ Tuổi Trẻ) Môi trường , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment