Cập nhật tin tức nóng hổi

Việt Nam phản đối mạnh mẽ nhóm tàu HD-8 của Trung Quốc tại hội nghị ASEAN

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc ngày 31/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa ở biển Đông, trong đó có hoạt động của tàu khảo sát HD-08 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, các hành động như vậy đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực. Phó Thủ tướng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình; tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Việt Nam phản đối mạnh mẽ nhóm tàu HD-8 của Trung Quốc tại hội nghị ASEAN
Các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc trong hội nghị ngày 31/7 tại Bangkok.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, tại phiên họp toàn thể và phiên họp hẹp của ASEAN, các bộ trưởng ngoại giao thảo luận sâu rộng về tình hình biển Đông và ghi nhận một số quan ngại về một số sự cố nghiêm trọng gần đây, khẳng định các bên cần tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm đạt được COC thực chất, hiệu quả và bảo đảm lợi ích của cộng đồng quốc tế.

Tại hội nghị ASEAN – Trung Quốc, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Trung Quốc ghi nhận tiến triển trong đàm phán COC.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung; tái khẳng định các nguyên tắc và cam kết đối với hoà bình và ổn định; lên tiếng kêu gọi kiềm chế; không có các hành động đơn phương làm phương hại tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực, cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển và nỗ lực xây dựng một COC hiệu lực, thực chất.

Chuỗi các hội nghị ASEAN tại Thái Lan, nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN năm nay, được tổ chức ngày 29/7 – 3/8 với sự tham dự của đại diện hơn 30 nước, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngọai trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 (HD-8) trong những ngày qua có các hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp phù hợp như trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L. Engel ngày 26/7 kêu gọi Trung Quốc rút tàu và chấm dứt hành vi bắt nạt, vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ hôm 29/7 gửi thư cho Ngoại trưởng Pompeo, chỉ trích các hành vi của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế các nước khác cũng như hoạt động cải tạo, quân sự hóa các thực thể nhân tạo trên Biển Đông. Họ thúc giục Pompeo đảm bảo những hành vi gây hấn và bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông là ưu tiên hàng đầu trong các cuộc thảo luận tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Bangkok.

Hợp tác kinh tế

Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN ngày 31/7, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha nhấn mạnh ASEAN cần thúc đẩy xây dựng cộng đồng trên cả 3 trụ cột hướng tới người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau; đẩy mạnh các cơ chế do ASEAN đóng vai trò chủ đạo và dẫn dắt; đẩy mạnh các sáng kiến kết nối cũng như nâng cao vị thế quốc tế. ASEAN cần tiếp tục nỗ lực để bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định khu vực dựa trên tin cậy lẫn nhau, hiểu biết chung và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi. Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN.

Trong hội nghị với Trung Quốc, bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodore Locsin, nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, khẳng định Trung Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN và quan hệ ASEAN – Trung Quốc là một trong những quan hệ đối tác thực chất, hiệu quả nhất của ASEAN, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên và đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

Chia sẻ quan điểm này, các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đánh giá cao những tiến triển tích cực trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất, nhà đầu tư hàng đầu của ASEAN. Hai bên nhất trí tiếp tục các nỗ lực hướng đến mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1.000 tỷ USD và đầu tư đạt 150 tỷ USD vào năm 2020; đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, trong đó có phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, đổi mới sáng tạo và thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0, kết nối và phát triển bền vững.

Các bộ trưởng hoan nghênh các đề xuất thông qua các tuyên bố của lãnh đạo hai bên tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 22 cuối năm 2019 về phát triển thành phố thông minh, đẩy mạnh giao lưu truyền thông và gắn kết kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN với Sáng kiến -Vành đai và Con đường – (BRI); nhất trí xác định năm 2020 là năm hợp tác ASEAN-Trung Quốc về kinh tế số.

Hai bên cũng khẳng định lại cam kết sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP); ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở và dựa trên luật lệ.

Hai bên cũng nhất trí thảo luận và xây dựng Kế hoạch Hành động ASEAN-Trung Quốc giai đoạn 2021-2025 tiếp nối Kế hoạch Hành động giai đoạn 2016-2020.

(Theo Tiền Phong) , ,

No comments:

Post a Comment