Cập nhật tin tức nóng hổi

Vẽ đất bán nền, dự án ‘ma’ của công ty địa ốc Alibaba tỏa khắp miền Nam

Tự nhận là chủ đầu tư, vẽ sơ đồ khu dân cư, phân lô bán nền không đúng thực tế, vi phạm về sử dụng đất đai, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng… là những dấu hiệu sai phạm của công ty CP Địa ốc Alibaba.

Lực lượng phối hợp gồm cơ quan CSĐT Bộ Công an và Công an TP.HCM đã phong toả, thực hiện lệnh khám xét trụ sở công ty CP Địa ốc Alibaba (Địa ốc Alibaba) chiều qua.
Vẽ đất bán nền, dự án ‘ma’ của công ty địa ốc Alibaba tỏa khắp miền Nam
Tổ công tác Bộ Công an và các lực lượng liên quan làm việc với dàn lãnh đạo công ty CP địa ốc Alibaba, bắt tạm giam Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thái Luyện và Giám đốc Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện)

Cơ quan điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Địa ốc Alibaba để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cũng với hành vi này, em trai của Luyện là Nguyễn Thái Lĩnh, Giám đốc công ty cũng bị khởi tố, bắt tạm giam phục vụ điều tra.

Tự “vẽ” dự án

Thời gian gần đây, cơ quan CSĐT Bộ Công an phối hợp cùng công an các tỉnh thành như TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận điều tra về hoạt động kinh doanh bất động sản của Địa ốc Alibaba.
Vẽ đất bán nền, dự án ‘ma’ của công ty địa ốc Alibaba tỏa khắp miền Nam

Vẽ đất bán nền, dự án ‘ma’ của công ty địa ốc Alibaba tỏa khắp miền Nam
Trụ sở chính của địa ốc Alibaba ở Q.Thủ Đức, TP.HCM bị Bộ Công an phong toả chiều quaCụ thể, doanh nghiệp này bị nhiều khách hàng tố cáo nhận tiền nhưng không giao đất, không chi trả lãi suất như cam kết đầu tư ban đầu.

Địa chỉ đăng ký kinh doanh tại 353 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, nhưng chủ yếu hoạt động tại chi nhánh trên đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.

Công ty được thành lập vào tháng 5/2016, vốn điều lệ là 1 tỷ đồng, người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Thái Lĩnh.

Đến tháng 12/2016, Địa ốc Alibaba tăng vốn điều lệ lên 20 tỷ đồng và tháng 9/2017 doanh nghiệp này tăng vốn “thần tốc” lên thành 1.600 tỷ đồng, tăng gấp 80 lần.

Tuy thời gian hoạt động chỉ hơn 3 năm nhưng Địa ốc Alibaba đã lính líu đến nhiều vụ lùm xùm với khách hàng ở TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu và Bình Thuận.

Cuối năm 2017, dù chưa được chấp thuận đầu tư nhưng công ty CP Alibaba Tây Bắc TP.HCM và Địa ốc Alibaba đã tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền, thu tiền đặt chỗ của khách hàng tại dự án “Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khu vực III 3”. Đây là dự án “bánh vẽ” của 2 công ty này tại khu đô thị Tây Bắc, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Dự án này đang được TP mời gọi đầu tư, chưa giải phóng mặt bằng và chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 nên chưa thể có bản đồ phân lô bán nền.

Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP.HCM và Địa ốc Alibaba chưa thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư nên không có tư cách xưng là chủ đầu tư. Để giải quyết cho những khách hàng đã đặt cọc, Địa ốc Alibaba sau đó đã trả lại tiền.

Liên tục bị xử phạt hành chính, cưỡng chế

Đồng Nai là địa phương Địa ốc Alibaba hoạt động rầm rộ nhất trong thời gian qua.

Theo báo cáo của Công an tỉnh Đồng Nai, từ năm 2016 đến tháng 7/2019, doanh nghiệp này đã quảng cáo 29 “dự án” khu dân cư tại các huyện như Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc.

Trong đó, nhiều nhất là huyện Long Thành với 27 “dự án”. UBND huyện từng ra hàng loạt quyết định xử phạt hành chính với Địa ốc Alibaba về các hành vi như chuyển mục đích sử dụng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, không thông báo khởi công công trình và buộc tháo dỡ bảng quảng cáo, đình chỉ hoạt động xây dựng trái phép.

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, việc Địa ốc Alibaba tự nhận là chủ đầu tư, tự vẽ sơ đồ khu dân cư để phân lô bán nền không đúng hiện trạng thực tế, cam kết ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thổ cư 100% là sai quy định, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng.
Vẽ đất bán nền, dự án ‘ma’ của công ty địa ốc Alibaba tỏa khắp miền Nam
Lực lượng cảnh sát cơ động phong tỏa trụ sở công ty ở Thủ Đức chiều 18/9

Tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, cuối tháng 7 vừa qua, UBND thị xã Phú Mỹ phối hợp cùng UBND xã Châu Pha cưỡng chế công trình vi phạm của ông Nguyễn Ngọc Sự (ngụ Hà Nội).

Đây là khu đất được Địa ốc Alibaba phân phối với tên gọi dự án “Alibaba Tân Thành Center City 1”.

Trước đó, ngày 13/6/2019, UBND xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ cũng cưỡng chế hành chính, buộc khắc phục hậu quả đối với hành vi làm thay đổi hiện trạng mục đích sử dụng đất trên đất nông nghiệp tại ấp 3, xã Tóc Tiên do ông Nguyễn Thái Lực (ngụ TP.HCM) đứng tên sử dụng.

Trong khi đoàn công tác đang thực thi công vụ thì bị nhiều nhân viên Địa ốc Alibaba cản trở, đập phá máy móc. Cơ quan công an địa phương sau đó bắt giữ 2 nhân viên của Địa ốc Alibaba là Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (24 tuổi, quê Tiền Giang) và Trần Quốc Tĩnh (24 tuổi, quê Đà Nẵng) để điều tra về hành vi “gây rối trật tự công cộng” và “cố ý làm hư hỏng tài sản”.

Bị chính quyền các tỉnh cảnh báo về dự án “ma”, Địa ốc Alibaba dạt về tỉnh Bình Thuận.

Đầu tháng 8/2019, Công an tỉnh Bình Thuận đưa ra cảnh báo về dự án “Alibaba Thắng Hải Newtimes City” tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân.

Theo đó, cơ quan chức năng chưa nhận được văn bản nào liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư, xây dựng dự án của Địa ốc Alibaba, do đó việc công ty này rao bán đất nền phân lô trên mạng về dự án là không đúng thực tế, không đúng quy định.

Qua kiểm tra, khu đất Địa ốc Alibaba “vẽ” dự án “Alibaba Thắng Hải Newtimes City” hiện là đất trồng cây keo lá tràm, chưa giải phóng mặt bằng do ông Nguyễn Thái Lĩnh nhận chuyển nhượng lại của các hộ dân.

Ngoài dự án nói trên, Địa ốc Alibaba còn mở bán dự án “Ali Venice City” ở xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân. Tuy nhiên, chính quyền xã cho hay, không hề có dự án nào có tên gọi “Ali Venice City” và xã đã dựng bảng cảnh báo cho người dân biết.

Phương Anh/ Vietnamnet , ,

No comments:

Post a Comment