Ban thường vụ Tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa đã vi phạm, thiếu trách nhiệm gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn tài sản và ngân sách nhà nước, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật.
Ông Lê Thanh Quang – bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa – xác nhận chiều nay 4-9, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) trung ương đã vào làm việc tại Khánh Hòa, công bố kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa.
62 ha sân bay Nha Trang được tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn để hoàn vốn cho các dự án hạ tầng được ký hợp đồng BT – Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
Một nguồn tin khác cho hay UBKT Trung ương cũng đã hướng dẫn việc tổ chức kiểm điểm các tập thể, cá nhân có vi phạm ở Khánh Hòa ngay trong tháng 9-2019 để cấp có thẩm quyền quyết định hình thức kỷ luật.
Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng
Theo UBKT trung ương, vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa và nhiều lãnh đạo tỉnh đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Qua kết quả kiểm tra, UBKT trung ương kết luận Ban thường vụ Tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác quản lý, sử dụng đất và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng, đấu thầu, đầu tư, quy hoạch kiến trúc, xây dựng, tài chính, thuế…
Các vi phạm của Ban thường vụ Tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa, theo UBKT trung ương, đã “gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn tài sản và ngân sách nhà nước”.
Về trách nhiệm các cá nhân lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, theo UBKT Trung ương, ông Lê Thanh Quang – ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa – chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Tỉnh ủy.
Ông Lê Đức Vinh – phó bí thư Tỉnh ủy, bí thư Ban cán sự Đảng, chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Chiến Thắng – nguyên phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Tỉnh ủy và chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh.
Ông Trần Sơn Hải – nguyên ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, nguyên phó bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh và ông Đào Công Thiên – tỉnh ủy viên, ủy viên Ban cán sự Đảng, phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa – cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Tỉnh ủy, của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Thất thoát tài sản, ngân sách rất lớn
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, một trong những vi phạm lớn của Khánh Hòa là các dự án được chỉ định đầu tư và các dự án BT (xây dựng – chuyển giao), đổi nhiều “đất vàng” lấy công trình hạ tầng nhưng không đấu thầu, đấu giá đất theo quy định pháp luật, gây thất thoát tài sản và ngân sách nhà nước rất lớn.
Vị trí của Trường Chính trị Khánh Hòa ngay trung tâm Nha Trang đã được giao doanh nghiệp để làm dự án BT – Ảnh: DUY THANH
Ngày 4-9, một nguồn tin cho biết, sau khi các cơ quan trung ương thanh tra, kiểm tra, UBND tỉnh Khánh Hòa có chỉ đạo rà soát các dự án BT.
Hiện Khánh Hòa có 22 dự án BT, trong đó có 17 dự án đã ký kết hợp đồng với nhà đầu tư và 5 dự án đã được tỉnh phê duyệt nhưng chưa ký hợp đồng thực hiện.
Trong số này có thể kể việc UBND tỉnh Khánh Hòa giao 62 hecta đất sân bay Nha Trang làm vốn đối ứng cho Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện các dự án hạ tầng cho tỉnh.
Đến nay, Khánh Hòa đã ký hợp đồng BT với Phúc Sơn làm 3 dự án giao thông có tổng mức đầu tư 3.562 tỉ đồng, dùng hơn 20 ha đất sân bay Nha Trang đã giao để làm vốn đối ứng với giá “tạm tính” là 3.261 tỉ đồng.
Hiện nay cả 3 dự án giao thông này đều chậm tiến độ, trong khi Phúc Sơn đã làm hạ tầng dự án Trung tâm đô thị thương mại – dịch vụ tài chính – du lịch Nha Trang với quy mô 1.300 lô đất ở và hàng trăm lô biệt thự đơn lập trong quỹ đất được giao ở sân bay Nha Trang, ký “hợp đồng góp vốn” với nhiều người.
Việc Khánh Hòa giao đất, giao dự án cho Phúc Sơn đều không qua đấu giá, đấu thầu theo quy định. Một số nguyên cán bộ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa từng góp ý, cảnh báo gây lãng phí, thất thoát trong việc đổi đất làm các dự án BT của Phúc Sơn.
Một dự án BT “đình đám” khác cũng gây rất nhiều dư luận là xây dựng Trường Chính trị Khánh Hòa tại khu Bắc Hòn Ông ở ngoại thành Nha Trang với mức đầu tư 149,1 tỉ đồng được tỉnh giao Công ty CP Thanh Yến.
Để hoàn vốn cho dự án này, tỉnh Khánh Hòa đã giao gần 7.400 m2 đất của Trường Chính trị Khánh Hòa cũ tại trung tâm TP Nha Trang. Đây là khu “đất vàng” với hai mặt tiền đường Trần Hưng Đạo – Lý Tự Trọng ngay trung tâm TP Nha Trang để nhà đầu tư làm Khu phức hợp thương mại – dịch vụ – y tế – văn phòng khách sạn – nhà ở chung cư – Nha Trang Center 2 (nay đổi tên là dự án Gold Coast).
Điều bất ngờ là khu đất vàng có vị trí đắc địa như vậy chỉ được tỉnh định giá chưa tới 22,5 triệu đồng/m2 đối với đất ở và hơn 7,8 triệu đồng/m2 đối với đất sản xuất kinh doanh, nên tổng giá trị đất được giao chỉ là 114,8 tỉ đồng, trong khi giá thực tế của thị trường cao hơn cả hàng chục lần.
Kết quả là trường cũ ở đất vàng đổi với trường mới ở ngoại ô nhưng vẫn thiếu tiền để làm ký túc xá cho Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa mới.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng giao nhiều khu đất “hoàn vốn” cho Công ty CP khách sạn Bến Du Thuyền trước khi ký kết thực hiện hai dự án BT gồm: dự án mở rộng, nâng cấp đường Mai Xuân Thưởng và dự án xây dựng ký túc xá mới cho Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa tại Bắc Hòn Ông.
Các khu đất này đều có vị trí đắc địa khi nằm ở mặt tiền đường Phạm Văn Đồng và đường ven vịnh Nha Trang, được coi là “đất vàng” nhưng tỉnh định giá chỉ 4,7 – 9,8 triệu đồng/m2 đối với đất ở.
Làm “vỡ” quy hoạch
Một vi phạm khác của Khánh Hòa là cho hàng chục nhà đầu tư thực hiện các dự án “phá quy hoạch” trên nhiều đồi núi xung quanh Nha Trang khi những khu vực này chưa có quy hoạch 1/2000, nhưng nhiều dự án được tỉnh phê duyệt quy hoạch 1/500 và cho triển khai.
Núi Chín Khúc đã bị doanh nghiệp “cạo trọc” để làm dự án trái quy định – Ảnh: NHẬT THANH
Chỉ tính riêng ở núi Cô Tiên phía bắc Nha Trang đã có đến 18 dự án. Còn tại khu vực từ chân núi lên tận đỉnh núi Chín Khúc, ở tây nam TP biển Nha Trang, có đến 10 dự án, chiếm hơn 756 ha.
Rất nhiều dự án thực hiện khi không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, sai quy hoạch, không phép xây dựng, chồng lấn đất rừng phòng hộ… làm biến dạng đồi núi, gây hậu quả sạt lở nghiêm trọng vào mùa mưa lũ, thất thoát tài nguyên.
Đến nay, việc rà soát 67 dự án trên núi ở Nha Trang vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
DUY THANH/Tuổi Trẻ Kinh tế , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment