Trong thương vụ Mobifone mua AVG, ai vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm. Công lý phải được bình đẳng với tất cả mọi người.
Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến kết luận của cơ quan Cảnh sát điều tra về thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của công ty AVG.
Kết quả điều tra mới nhất cho thấy, 2 cựu lãnh đạo Bộ thông tin và Truyền thông là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã nhận hơn 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ – cựu Chủ tịch HĐQT công ty AVG để đẩy nhanh dự án. Hơn 3 triệu USD (gần 70 tỷ) đó là số tiền mà các bị can trong vụ án gọi là “cảm ơn bằng vật chất”.
Điều dư luận quan tâm, liệu đây có phải là khoản tiền hối lộ duy nhất? Hơn 3 triệu USD có thu hồi được hay không và thu hồi bằng cách nào? Phóng viên VOV phỏng vấn TS Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về nội dung này.
Phạm Nhật Vũ (trái), Trương Minh Tuấn và một số bị can khác được đề nghị hưởng chính sách hình sự đặc biệt – Ảnh: T.L.
PV: Ông có bất ngờ không khi nghe tới con số hơn 3 triệu USD mà 2 cựu lãnh đạo Bộ TT&TT đã nhận được từ ông Phạm Nhật Vũ trong thương vụ Mobifone mua AVG?
Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Trước khi có kết luận của cơ quan điều tra, thông tin này đã được “đồn đại” trong dư luận xã hội, nên tôi không quá bất ngờ.
PV: Trong số hơn 3 triệu USD, riêng bị can Nguyễn Bắc Son đã khai nhận 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ với ý nghĩa “cảm ơn bằng vật chất”. Kết quả điều tra cũng cho thấy, ông Son nhận khoản tiền này khi nhiệm kỳ làm Bộ trưởng sắp kết thúc với ý muốn tạo dấu ấn cho Mobifone. Ông có bàn luận gì về tính thời điểm trong trường hợp này?
Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Đúng là khi chuẩn bị sắp kết thúc, người ta muốn có một cái gì đó để lại tiếng thơm cho đời. Nhưng ở đây, không phải là dấu ấn như vậy.
Thương vụ này không tạo nên kỳ tích cũng như đóng góp gì đó cho xã hội một cách vượt trội. Để hạn chế những việc này, công lý phải được thực thi, ai vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm không chỉ ở đầu hay cuối nhiệm kỳ. Bởi vì công lý phải được bình đẳng với tất cả mọi người.
PV: Từ một “xác chết”, AVG đã được thổi giá thành khối tài sản trị giá hơn 8.500 tỷ đồng. Từ lời khai của Phạm Nhật Vũ, mới có khoảng 100 tỷ đồng được dùng để cảm ơn lãnh đạo Bộ TT&TT và bộ sậu của Mobifone. Dư luận đặt câu hỏi, liệu hơn 7000 tỷ đồng tiền vốn nhà nước đã đi về đâu. Ông có chung mối quan tâm này không?
Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi cũng có chung suy nghĩ, nếu mới chi khoảng 100 tỷ đồng tiền cảm ơn thì hơn 7000 tỷ đồng kia đi đâu? Đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Nếu câu hỏi này không được trả lời rõ ràng thì mọi sự nghi ngờ vẫn còn đó!
TS Nguyễn Sĩ Dũng (Ảnh: VTC News).
PV: Theo kết luận điều tra, sau khi nhận 3 triệu USD, ông Nguyễn Bắc Son đã đưa tiền cho con gái trong nhiều lần, nhưng không có tài liệu chứng minh sự đưa-nhận này. Ông có bàn luận gì về cách thức tẩu tán tài sản tham nhũng kiểu như vậy?
Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Đưa cho con gái thì không nhất thiết phải có chứng từ nên bây giờ muốn có chứng từ đã chuyển cho con gái thì rất khó.
Cách dùng người nhà để đứng tên các tài sản bất động sản, đất đai… là một cách để che dấu tài sản và họ sẽ không khai những cái đó.
Đó là một trong những thủ thuật mà rất nhiều người lợi dụng để tẩu tán tài sản, tránh bị phát hiện và cũng tránh phải kê khai tài sản mà Luật phòng chống tham nhũng đã đặt ra.
PV: Trong vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ ở Phú Thọ, dù tòa công bố lời khai của Nguyễn Văn Dương đã đưa hối lộ cho ông Phan Văn Vĩnh – cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và ông Nguyễn Thanh Hóa – cựu Cục trưởng C50. Tuy nhiên, trong vụ này, không có ai bị truy tố về các tội liên quan đến hối lộ. Từ thực tế các vụ án tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn được xét xử trong thời gian gần đây, ông có cho rằng, khuôn khổ pháp lý hiện vẫn còn quá nhiều kẽ hở?
Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Nếu có những lời khai như vậy, nhưng hoạt động điều tra không tìm thấy chứng cứ thì năng lực điều tra có thể cần phải tăng cường. Điều băn khoăn là sự việc tương đối rõ nhưng không tìm được chứng cứ.
PV: Nhận thức được số tiền đã nhận là hưởng lợi bất chính nên ông Nguyễn Bắc Son xin nộp lại hơn 500 triệu đồng, ông Trương Minh Tuấn xin nộp hơn 2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Dư luận cho rằng, số tiền các ông ấy nộp lại là quá ít so với số tiền hơn 3 triệu USD đã nhận hối lộ. Ông có bàn luận gì về câu chuyện này?
Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Pháp lý có điều khoản của Luật Hình sự, nếu người phạm tội chủ động nộp lại 3/4 tài sản nhận hối lộ thì được giảm án.
Số tiền ông Son xin nộp lại là quá ít so với số tiền ông ấy đã nhận hối lộ. 3/4 số tài sản mà ông Son đã nhận phải là 45 tỷ thì phải hoàn trả lại. Anh vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý, bị trừng trị theo quy định của pháp luật thì đó mới là công lý.
PV: Vụ án đang được mở rộng điều tra trong khi Đảng ta đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng. Ông có kỳ vọng gì trong việc điều tra, xét xử đại án này?
Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Vụ án này thể hiện rất rõ “không có vùng cấm”, bất kỳ ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý, đặc biệt là cấu thành tội tham nhũng thì đều bị nghiêm trị.
Thông điệp rõ nhất là cán bộ ở cấp gì, giữ chức vụ gì thì đều phải giữ gìn, tuân thủ pháp luật, không được tham nhũng.
Với thông điệp “không có vùng cấm”, pháp luật được áp dụng triệt để thì sự răn đe sẽ cao hơn.
(Theo Minh Châu/VOV) Chính trị , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment