Cập nhật tin tức nóng hổi

Phố đường tàu, những ngày tối đèn...

Sẽ rất hiếm nơi nào như cái xóm nghèo nàn có đường sắt chạy qua như ở đây, "phố đường tàu Trần Phú".

Cư dân ở đây, hầu hết đều là cựu cán bộ, công nhân, nhân viên cầu đường trong ngành đường sắt, được cơ quan phân đất sinh sống ở đây đã được 5, 6 chục năm. Họ đều là những người lao động chân chính, cống hiến đến hết tuổi lao động của mình cho ngành Giao thông vận tải, mà cụ thể là cho ngành Đường sắt.
Phố đường tàu, những ngày tối đèn...
Khu dân cư này vốn là khu tập thể đường sắt, và cư dân ở đây, đa phần đều xin nghỉ hưu 1 cục, họ không có trợ cấp xã hội, không có cả lương hưu và bảo hiểm.

Và họ cũng không có kế sinh nhai!

Những người dân ở đây trước nay quen làm việc trong môi trường khắc nghiệt, nên phải kiếm những việc mưu sinh nhọc nhằn như đạp xích lô, vệ sinh môi trường, chở hàng... để kiếm vài đồng tiền ít ỏi trang trải cuộc sống.

Năm tháng trôi qua, mỗi gia đình lại có thêm người, 3-4 thế hệ cùng sống chung trong xóm đường tàu, vô vàn khó khăn kéo dài nhưng hầu như không được ai biết đến.

Những năm tháng trước, cư dân ở đây phải chịu cảnh "Nhà không số, Phố không tên", và họ phải đối diện với vô vàn khó khăn khi làm các thủ tục hành chính vì không ai biết phố đường tàu ở đâu, thậm chí bị những định kiến xã hội về một khu vực tệ nạn, bẩn thỉu…

Rồi năm 1987, khi Nhà nước có chính sách cải tạo và mở rộng khổ đường sắt từ 1035 mm lên 1435 mm...

Những lần đo vẽ, kiểm đếm tài sản, công trình rầm rộ... Các gia đình hồ hởi lắm, họ đã 3 lần ký vào các biên bản đo vẽ hiện trạng với tâm thế sẽ có nơi ở mới, sạch hơn, đẹp hơn và không bị kỳ thị, và cũng không phải chịu các định kiến xã hội về 1 khu ổ chuột, 1 khu tệ nạn...

Nhưng cho đến nay, đã 32 năm trôi qua, dự án mở rộng khổ đường sắt vẫn nằm trên giấy!

Ước mơ về 1 ngôi nhà mới, một không gian sống sạch sẽ hơn, văn minh hơn cứ xa dần, cạn dần!

Rồi một lần nữa, vào năm 2004, có một dự án lại được đề ra, và chạy qua khu dân cư này: "Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi".

Cư dân xóm đường tàu lại phấn khởi lắm, họ vỡ òa trong hạnh phúc vì lại có thêm 1 cơ hội thực sự để thay đổi cuộc sống...

Các cuộc họp triền miên, cơ quan nhà nước xuống tuyên truyền, giới thiệu về mục đích và giá trị của dự án ...

Các lần đo đạc, kẻ vẽ, kiểm đếm... cán bộ dự án ra vào khu đường tàu tấp nập như mắc cửi...

Cư dân thấp thỏm chờ đến ngày được bàn giao mặt bằng cho Nhà nước để di chuyển đến khu tái định cư, mà theo giới thiệu của cán bộ Dự án, là ở khu Xuân La, Xuân Đỉnh.

Người dân ở đây lại tiếp tục ký vào biên bản đo vẽ hiện trạng, và chờ đợi...

Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi, đến nay vẫn nằm trên giấy, và cũng đã được 15 năm.

Vâng, đây là khu vực có dự án, và cả hai dự án, đến nay, vẫn nằm trên giấy, và nó vẫn treo lơ lửng như thế mà không ai biết bao giờ mới thực hiện…

Dù vậy, cư dân ở đây vẫn thực hiện nhiệm vụ đóng thuế sử dụng đất, trong khi rất nhiều năm nay, không gian sống vô cùng hạn chế, chật hẹp, lại vô cùng ô nhiễm bởi tiếng ồn, bụi bặm và không an toàn.

Nhưng cuộc sống mà, họ vẫn phải sống, vẫn cần đảm bảo thu nhập, phải kiếm kế mưu sinh để chờ đợi một ngày nào đó, khi mà một trong hai dự án kia khởi động, để họ được bàn giao mặt bằng, để được di chuyển đến nơi ở mới, để tiếp tục sống!

Vài năm trước, 1 cô gái người Nhật lạc lối đi vào khu phố đường tàu Trần Phú, cô gái đó đã có 1/2 ngày trải nghiệm cuộc sống của người dân nơi đây, cô gái đó viết bài đăng ngay trên diễn đàn du lịch TripAdvisor...

Khách du lịch người nước ngoài bắt đầu tìm đến, đông dần, đông dần...

Tiếp đến, tạp chí du lịch National Geographic tìm về khu đường tàu Trần Phú và tiếp tục viết về một nét đẹp độc đáo, về cuộc sống thường nhật của người dân Hà Nội...

Và cũng kể từ đó, mới chỉ gần 2 năm nay thôi, cuộc sống của cư dân xóm đường tàu có sự thay đổi mang tính tích cực. Những người nước ngoài đầu tiên phát hiện ra một khu vực có tàu chạy qua thật đặc biệt, họ thấy vui khi gặp và nói chuyện với những người dân địa phương, thậm chí được mời vào nhà uống trà khi đợi xem tàu và khi tàu chạy qua. Bởi việc thăm gia đình và người dân bản địa, là một hoạt động thú vị cho khách du lịch và đặc biệt hơn là khi có tàu chạy qua.

Những người dân dần dần cải thiện cuộc sống qua việc bán đồ giải khát cho khách du lịch.

Cuộc sống của cư dân cũng dần tiến bộ hơn khi khu phố được lên báo nước ngoài, được truyền miệng qua du khách quốc tế đến Hà Nội.

Vệ sinh khu phố từ đó sạch sẽ hơn hẳn, dân trí có phần nâng lên, người dân bảo nhau có ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn vệ sinh, đặc biệt nhắc nhở mọi người giờ tàu chạy. Trẻ em xóm đường tàu có cơ hội giao lưu, luyện tập tiếng Anh và nâng cao kỹ năng giao tiếp xã hội, giao tiếp với người nước ngoài.

Và có lẽ, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử hình thành khu dân cư, khu tập thể đường sắt này, cư dân có cơ hội có thu nhập, có cơ hội tiếp đón nhiều khách đến nhà chơi như thế!

Đương nhiên, mọi người, trong đó có cư dân đường tàu, đều mong muốn bạn bè gần xa, người nước ngoài và trong nước biết đến khu phố với sự hiếu khách và nồng hậu của người Việt Nam, nhất là khi Hà Nội được bầu chọn là điểm du lịch đáng đến trên thế giới. Dù những hoạt động như vậy là tự phát.

Cũng từ đó, cư dân xóm đường tàu Trần Phú ý thức hơn về trách nhiệm bảo vệ an toàn đường sắt cho người lạ đến đây, dù với cư dân sinh sống tại đây thì đó là những chuyện thường nhật, luôn trong tình trạng phải bảo đảm an toàn tính mạng cho mình và mọi người. Những người ngoài khi vào khu vực này đều được nhắc nhở về giờ tàu, có thổi còi cảnh báo mỗi lúc đến giờ tàu chạy cố định.

Và vụ tai nạn cuối cùng tại khu vực đường tàu Trần Phú được ghi nhận, đã xảy ra từ năm 1978, đó là vụ tai nạn giữa hai đoàn tàu đâm vào nhau!

Vâng, cư dân ở đây là người cũ của ngành đường sắt, lại sinh sống ở đây, nên họ nắm lịch chạy tàu rõ như lòng bàn tay, ví như: Các ngày làm việc trong tuần, từ thứ hai đến thứ sáu, tàu hỏa chỉ chạy qua đây vào buổi tối, nên sinh hoạt, cuộc sống và các hoạt động khác khá an toàn. Còn tàu chỉ chạy qua đây vào ban ngày Thứ 7 & Chủ nhật với khung giờ cố định.
Phố đường tàu, những ngày tối đèn...
Và thật nực cười, đây lại chính là cơ hội để cư dân xóm đường tàu có cơ hội kiếm thêm thu nhập, ổn định cuộc sống sau những ngày tháng mưu sinh vất vả kéo dài.

Thế rồi, ngày 10/10/2019, kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội.

Trong cái không khí hân hoan của cả nước đón mừng ngày lễ lớn của Thủ đô, cư dân xóm Đường Tàu lại thấy lo lắng, chán nản, buồn bực, vì không còn được sinh hoạt, đi lại, kinh doanh và làm những việc khác một cách thuận tiện như trước kia...

Những chiếc Barie được kéo đến chặn hết các lối đi lại vào khu tập thể, người dân sinh sống tại khu vực này đều được hỏi & kiểm tra giấy tờ mỗi khi ra vào, tất cả khách du lịch đều bị đẩy đuổi bởi những tiếng còi chát chúa, và những cánh tay vẫy gay gắt từ những người thực thi nhiệm vụ...

Khu vực xóm đường tàu Trần Phú trông giống một khu quân sự, hoặc một khu cách ly!

Cuộc sống và điều kiện để thay dổi cuộc sống của người dân xóm đường tàu Trần Phú lại quay trở về với tĩnh lặng và 1 tương lai không thể xác định...

Họ lại phải tiếp tục chờ đợi 1 trong hai dự án lớn của Bộ Giao thông Vận tải khởi động, để họ có cơ hội được bàn giao mặt bằng, được có cơ hội thay đổi cuộc sống, để có cơ hội thoát khỏi những định kiến của xã hội về một nơi đói nghèo, không lối thoát...

Nhưng dự án đấy đến bao giờ khởi động, thì không ai biết! , ,

No comments:

Post a Comment