“Ma trận” khoản thu – cụm từ này được tác giả Nguyễn Thuỳ của Dân trí sử dụng trong một bài viết ngày 3/10, phản ánh việc một ngôi trường ở vùng quê thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá mà có tới ngót 30 khoản thu phụ huynh phải đóng góp.
Hình minh họa
Nhìn vào ảnh đính kèm trong bài viết do phụ huynh ghi lại với chi chít chữ và những con số, quả thực phải công nhận, đúng là “ma trận”! Nào những khoản thu theo quy định như lệ phí tuyển sinh lớp 1, học bạ, phong bì, thẻ học sinh, vở ô ly rồi nào giấy thi, đồng phục, ghế, quỹ hội cho mẹ học sinh…
Phần lớn những khoản này chỉ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn, gọi là “lắt nhắt”, “lẻ tẻ”, tưởng như không đáng kể, nhưng cộng lại thì phụ huynh phải chi tới 7.569.000 đồng.
Với những gia đình có điều kiện ở các thành phố lớn, nếu cho con theo học tại những trường tư thục có tiếng thì số tiền nói trên kể ra “cũng thường”. Nhưng ở “trường làng” thì đó là cả một vấn đề, không ít bậc cha mẹ phải đau đầu vì nó ngang với một (thậm chí là hai) tháng thu nhập của một người lớn. Gia đình nào có hai con học tiểu học cùng một trường thì phải “móc hầu bao” đến hơn 15 triệu đồng cho đầu năm học mới.
Khoan nói đến ít-nhiều, đắt-rẻ ở đây. Vấn đề nằm ở hai từ “hợp lý” và “đồng thuận”.
Đành rằng có những khoản thu dù ngoài quy định nhưng nhà trường vẫn “phải thu” vì nếu không thu thì các trường công lập sẽ không biết lấy nguồn đâu mà chi trả. Tuy nhiên, thu bao nhiêu và thu như thế nào lại phải xem lại. Lấy ví dụ như tiền bảo vệ trường, tiền sửa điện, máy tính… các khoản này theo phản ánh là đã có quy định “không được thu” trong công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo nhưng trường vẫn “đè cổ” phụ huynh ra thu.
Mà đừng nghĩ rằng, thu trên mỗi đầu học sinh một ít chỉ coi như bỏ ra một bữa ăn sáng để đóng góp cho nhà trường thì không có gì to tát. Bởi đã có những phản ứng gay gắt từ phía các bậc cha mẹ, họ cho rằng, “nhà trường bày ra đủ các khoản để tận thu”.
“Giấy thi nhà trường thu tới 70.000 đồng/học sinh, giấy thi đáng bao nhiêu tiền, một năm học sinh tiểu học thi mấy lần mà thu nhiều như thế? Vở thì năm nay bày ra trò in logo trường để bắt học sinh phải mua với giá 7.000 đồng/cuốn. Cuối năm nói mỗi học sinh chỉ dùng 5-6 cuốn, bây giờ bắt mua tới 10 cuốn” – một phụ huynh đã nêu quan điểm như vậy trong bài báo nói trên.
Nghĩa là vẫn chưa có được sự đồng thuận giữa phụ huynh và nhà trường về vấn đề vốn bị coi là “tế nhị” như trên. Do đó, tinh thần “huy động” không khéo lại trở thành “ép buộc” và mối quan hệ gia đình – nhà trường dễ xảy ra căng thẳng vì sự không đồng thuận này.
“Ngay cả việc làm dù sân trường, có người nói hết 18 triệu, nhưng nhà trường thông báo hết 28 triệu. Trong buổi họp phụ huynh đã có rất nhiều người có ý kiến, yêu cầu nhà trường giải thích thỏa đáng thì mới đóng tiền cho con. Tuy nhiên, hiệu trưởng không xuất hiện, chỉ có thầy hiệu phó lên nhưng cũng không giải thích được bất cứ câu hỏi nào của phụ huynh” – vẫn là lời phụ huynh.
Điều đó cho thấy, lãnh đạo nhà trường có phần coi nhẹ vấn đề và thiếu tôn trọng phụ huynh học sinh. Với thái độ này, nhà trường dễ mà mang tiếng “bất minh”, không rõ ràng trong huy động và sử dụng vốn đóng góp lắm!
Xưa có câu “Qua sông thì phải luỵ đò”; “Muốn sang thì bắc cầu kiều – Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, ấy là để nói về tinh thần “tôn sư, trọng đạo”. Thực tế, có mấy ai tiếc gì vì tương lại con cái!
Song nếu cứ tiếp diễn những cuộc họp phụ huynh đầy ám ảnh và tình trạng lạm thu, “ma trận phí” như thế này thì “thời đại mới” của quan hệ gia đình và nhà trường; thầy-trò và phụ huynh mới đáng buồn làm sao!! Sặc mùi “kim tiền” các vị ạ.
Theo Dân trí Giáo dục , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment