Tuyển sinh sinh viên dưới chuẩn nhằm mục đích thu tiền rồi chia chác, phục vụ cho một nhóm lợi ích. Đây cũng là một hình thức tham ô trong ngành giáo dục.
Mới đây, Thanh tra Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) vừa thông báo kết luận thanh tra về những sai phạm trong công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo, quản lý văn bằng chứng chỉ trình độ đại học của Trường Đại học Điện lực, Hà Nội, trong đó việc “phát hiện ra 140 sinh viên trúng tuyển dưới điểm chuẩn” quả là một con số ngoài sức tưởng tượng của các chuyên gia, gây sốc cho dư luận.
Đại học Điện lực tuyển sinh dưới điểm chuẩn khiến dư luận không khỏi bất ngờ
Sốc thật, nhưng không thể cưỡng lại sự thật
Theo đó, kết luận nêu rõ, kiểm tra ngẫu nhiên danh sách 222 sinh viên trúng tuyển ngành điện công nghiệp và dân dụng năm 2013 cho thấy có 140 sinh viên trúng tuyển dưới điểm chuẩn theo thông báo của trường, 7 sinh viên không có dữ liệu xét tuyển.
Không những thế, trong công tác tuyển sinh năm 2013, trường tuyển sinh trình độ đại học chính quy vượt chỉ tiêu Bộ GD-ĐT thông báo là 43,4%, năm 2014 vượt chỉ tiêu là 12,2%. Trường tiếp nhận sinh viên chuyển trường năm thứ nhất, sinh viên chuyển trường không cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo mà sinh viên đang học.
Đây không phải là trường duy nhất có sai phạm trong tuyển sinh đào tạo. Nhất câu chuyện về đào tạo giáo viên “nóng” hơn bao giờ hết khi nhiều trường cao đẳng địa phương lấy điểm chuẩn ở mức 9-10 điểm/3 môn. Vừa qua, dư luận xã hội hết sức quan tâm đến vụ việc đào tạo “chui” văn bằng 2 tại Trường Đại học Đông Đô. Đáng chú ý là chi tiết trường này thực hiện chiêu sinh rầm rộ ở nhiều tỉnh thành, tổ chức xét tuyển, thi tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp khá dễ dãi nhưng phải vài năm mới bị phát hiện.
Cao hơn một chút là trường hợp của ĐH Luật TP Hồ Chí Minh là đơn vị chủ trì, phối hợp với 14 đơn vị tuyển sinh, tổ chức đào tạo chương trình thạc sĩ 5 ngành với 40 lớp. Việc đào tạo này là ngoài cơ sở tại 13 tỉnh, thành. Tất cả lớp đào tạo thạc sĩ này có văn bản đồng ý của UBND tỉnh nhưng lại chưa có văn bản cho phép của Bộ GD-ĐT.
Tựu chung những trường hợp trên, cần khẳng định rằng nhu cầu nhân lực trình độ Đại học ở nước ta còn rất lớn. Theo thống kê mới nhất năm 2018, tỉ lệ lao động trong độ tuổi có trình độ Đại học trở lên mới chỉ trên 10%. So với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới tỉ lệ này chiếm trên 25% đến dưới 40% thì Việt Nam còn phải rất cần phát triển giáo dục Đại học, nhưng phải là Đại học đúng nghĩa của nó. Tuy nhiên, việc phát triển ấy không phải bằng bất cứ giá nào.
Liên quan đến vấn đề này, GS.TSKH Phạm Phố cho rằng: “Kiểm tra ngẫu nhiên nhưng phát hiện tới hơn 60% số sinh viên dưới điểm chuẩn chứng tỏ đã có việc tuyển sinh một cách bất chấp. Tương tự như trường hợp của Đại học Đông Đô, tuyển sinh sinh viên dưới chuẩn nhằm mục đích thu tiền rồi chia chác, phục vụ cho một nhóm lợi ích. Đây cũng là một hình thức tham ô trong ngành giáo dục”
Giá trị đại học đang đại hạ giá?
Thông thường, những trường đưa ra điểm sàn thấp để tuyển sinh như vậy thường có số lượng thí sinh đăng ký ít. Để đảm bảo tuyển đủ chỉ tiêu, họ phải đưa ra mức điểm sàn an toàn, thậm chí thấp. Tuy nhiên, mức điểm thấp quá như vậy thì không ổn, bởi mặt bằng điểm thi của thí sinh thường thì năm sau cao hơn năm trước. Đừng vì tuyển đủ chỉ tiêu mà giảm chất lượng đầu vào, không chú ý chất lượng và phân luồng của hệ thống giáo dục.
Lưu tâm ở chỗ, khi bộ GD-ĐT vẫn còn quy định điểm chuẩn và ngưỡng đầu vào trong tuyển sinh Đại học mà người ta còn làm như vậy (có lẽ không chỉ ở Đại học Điện Lực hay Đông Đô), bây giờ bỏ điểm chuẩn và mỗi trường tự quy định ngưỡng đầu vào của mình thì còn kinh khủng đến đâu. Tức là, ở nước ta chưa thể tin tưởng vào sự tự giác của bất cứ cơ sở đào tạo nào, vậy nên vẫn cần tổ chức thi chung và quy định điểm chuẩn cho từng trường, chỉ có làm như vậy mới tránh được tình trạng có bằng Đại học mà trình độ chỉ ngang công nhân.
Người ta hay nói “không có trò dốt mà chỉ có thầy dở”, ý muốn nói thầy giáo có vai trò quan trọng trong đào tạo. Nhưng kinh nghiệm trong giáo dục Đại học cho thấy năng lực học tập của thí sinh hạn chế, chất lượng đội ngũ giảng viên thấp (nhất là giảng viên vừa “lớn vụt” từ các trường trung cấp, cao đẳng và vội vã có được cái bằng Tiến sĩ cho đủ chuẩn), văn hóa chất lượng yếu, cơ sở vật chất xập xệ, trách nhiệm giải trình rất thấp thì việc đào tạo ra một đội ngũ nhân lực Đại học có chất lượng với năng lực đầu ra theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) có lẽ là chuyện trong mơ.
Cũng không thể ngờ ở chỗ, Đại học Điện Lực là trường công “thuộc top” vậy mà cũng phải dùng chiêu trong tuyển sinh đào tạo như vậy. Trường này quả là quá siêu vì ‘một con bò dắt qua trường từ cổng sau đến cổng trước là có bằng kỹ sư, thạc sĩ ngành điện. Nếu được “quy hoạch” còn trở thành lãnh đạo ngành nữa thì thật nguy hiểm cho xã hội.
Tuyển sinh một cách tràn lan để thu tiền, trong khi điều quan trọng nhất là cải thiện chất lượng đào tạo lại không được quan tâm. Khi mà chất lượng đầu vào không được đảm bảo, làm không nghiêm túc thì làm sao có thể đảm bảo được chất lượng đầu ra của sinh viên? Đây là hệ quả tất yếu của việc chạy theo phong trào, tỉnh nào cũng có trường đại học, trong khi Bộ chủ quản không kiểm soát nổi.
Trách nhiệm thuộc về ai? Nếu xử lý không nghiêm sẽ thành tiền lệ xấu cho các trường khác học theo.
Ắt hẳn sẽ có người cảm thông cho những sai phạm trên, khi cho rằng nguyên nhân tụt điểm chuẩn tuyển sinh, sai phạm trong đào tạo của khá nhiều trường là do chỉ tiêu được xác định lớn, do “khát” về tài chính, do sự cạnh tranh nguồn tuyển sinh, do xu hướng tự chủ thoát khỏi sự kiểm soát của Nhà nước, do hệ thống các trường nghề chưa đủ sức thu hút người học để có thể lập thân lập nghiệp trong tương lai.
Song song, do phải duy trì đội ngũ và tên tuổi của trường rất vất vả mới thành lập được, việc hạ thấp sàn tuyển và hạ thấp sàn thi kiểm tra đánh giá là khó tránh khỏi, để các trường giữ chân người học, chiều “thượng đế”. Chất lượng đào tạo, do vậy, còn xuống thấp hơn nữa và con đường thất nghiệp hoặc làm việc với thu nhập thấp chỉ còn là thời gian.
Từ thực tại không mấy vui này, cho chúng ta thấy rõ một vấn đề nghiêm trọng của cái gọi là “tự chủ đại học” nếu không kiểm soát tốt đó là Đại học tự chủ nhưng thiếu bàn tay điều tiết của cơ quan quản lý thì tự chủ dễ trở thành vô “chính phủ”.
Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước vừa khuyến khích tự chủ sáng tạo nhưng phải đủ tầm điều tiết qua các cơ chế, định ra các tiêu chuẩn, kiểm soát việc thực thi và đi kèm các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển giáo dục Đại học đúng hướng.
Chứ không thể nào duy trì tư tưởng hạ chuẩn để lấy sinh viên nuôi sống trường là quá sai lầm. Đó là hai mặt của một vấn đề: Không chỉ là sự tham ô trong giáo dục làm cho giá trị của hai chữ Đại học bị hạ chuẩn theo, mà ở đó biểu hiện của lợi ích nhóm mười mươi. Mặt khác, đảm bảo các em tuyển sinh dưới chuẩn đó không đủ kiến thức năng lực để học đại học, sẽ sinh tiêu cực trong quá trình học và sản phẩm là những kỹ sư không thực chất sẽ góp phần gây “ung thư” cho xã hội.
Nguồn Tổng hợp Giáo dục , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment