Một tháng rưỡi sau khi nhận đơn tố cáo, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk vẫn không biết tên thật của nữ trưởng phòng mạo danh, nên đã để Chánh văn phòng cung cấp thông tin chưa đúng cho báo chí. Trong khi đó, qua tìm hiểu, PV được biết bà Sa có bố chồng nguyên là Phó Ban tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Theo CV số 3106-CV/VPTU mà Văn phòng Tỉnh ủy ký ngày 7/10 gửi các cơ quan báo đài trên địa bàn tỉnh, đề nghị “Phối hợp thông tin việc xử lý vi phạm đối với cán bộ Đảng viên”, thì bà Trần Thị Ngọc Ái Sa đã man khai tên họ bằng cấp, hiện đang giữ chức Trưởng phòng Quản trị-Văn phòng tỉnh ủy Đắk Lắk, có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo, sinh năm 1975.
Tuy nhiên, ngày 8/10, phóng viên đi điều tra thực tế tại thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng, nhận thấy thông tin Văn phòng Tỉnh ủy cung cấp cho báo chí về kết quả thẩm tra đơn tố cáo nữ Trưởng phòng Quản trị Trần Thị Ngọc Ái Sa, là chưa đúng.
Bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (thật, sinh năm 1973) hiện đang là nhân viên khoa Sản tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng đã có Bản tường trình gửi Giám đốc bệnh viện, xác nhận cô em gái sinh năm 1975 đã lấy bằng cấp III ( bằng tốt nghiệp PTTH) của bà để sang làm việc tại Đắk Lắk, họ tên thật là Trần Thị Ngọc Thêm. Xác minh của PV tại nơi cư trú của gia đình bà Sa (thật) cũng cho thấy trong 12 người con của bố mẹ bà Sa, chỉ có Trần Thị Ngọc Thêm sinh năm 1975, chứ không có người con nào tên Trần Thị Ngọc Thảo.
Trả lời chất vấn của PV về vấn đề này, ông Nguyễn Thượng Hải Chánh văn phòng Tỉnh ủy cho biết, ngay từ đầu cuộc thẩm tra, bà Sa (giả) đã nhận tên thật như trong đơn tố cáo thể hiện là Trần Thị Ngọc Thảo. Vì thế đoàn thẩm tra ghi nhận luôn kết quả xác minh là như thế, chứ chưa qua Đà Lạt tìm hiểu kỹ hơn.
Trao đổi với PV, ông Trần Phú, nguyên Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy thời kỳ bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) được kết nạp vào Đảng, nay đã về hưu, cho biết: Lúc đó Bí thư Chi bộ của bà Sa (giả) là ông Trần Xuân Bảy. Ông Bảy hiện là giám đốc Nhà khách tỉnh, vừa bị kỷ luật Đảng mức khiển trách vì sa thải nhân viên trái pháp luật, đồng thời bị nhiều nữ nhân viên tố cáo quấy rối, báo Tiền Phong đã có bài phản ánh.
Tìm hiểu qua nhiều cán bộ Tỉnh ủy, PV được biết bố chồng bà Sa (giả) là ông L.V.K. Trước khi về hưu, ông K là Phó Ban tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk. Ông K. đã mất vài năm trước.
Chồng bà Sa (giả) là ông L.T.S cũng là Đảng viên, hiện đang là Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH MTV XNK 2/9. Đây là doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy, 100% vốn Nhà nước.
Sau khi lấy chồng, từ năm 1999 bà Trần Thị Ngọc Thêm (tức bà Thảo, bà Sa giả) lấy bằng tốt nghiệp PTTH của chị gái, mượn luôn họ tên của chị để theo chồng về Đắk Lắk xin việc vào Công ty TNHH MTV XNK 2/9, rồi từ đó tiến dần vào cơ quan Tỉnh ủy.
Dù học vấn thực chỉ qua cấp THCS, bà Thêm vẫn dùng bằng tốt nghiệp THPT của chị gái để học xong Đại học Tài chính kế toán, và vừa lấy bằng thạc sĩ Tài chính kế toán đầu năm nay.
Nhỏ là Thêm, lớn đổi thành Thảo
Về giải trình của bà Ái Sa tại nơi làm việc là Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, rằng gia đình bà có 12 anh em nhưng không có ai tên là Trần Thị Ngọc Thảo, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk nói đây là một thiếu sót nhỏ trong nội dung xác minh, đưa vào thông báo.
Cụ thể, theo lời tự nhận của bà Thảo mới đây, hồi nhỏ bà có tên là Trần Thị Ngọc Thêm. Tuy nhiên, khi lớn lên cái tên ‘Ngọc Thêm’ không đẹp nên bà đổi thành ‘Ngọc Thảo’. Sau đó, từ năm 1999 lại dùng bằng cấp III của chị gái nên thêm một lần ‘đổi tên’ thành Ái Sa.
“Thực tế là Ngọc Thêm và Ngọc Thảo hay Ái Sa (trưởng phòng quản trị Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) là một. Tuy nhiên, quá trình làm việc trước đây, chị Thảo không nói mình từng có tên là Ngọc Thêm nên chúng tôi không lưu ý”.
Theo Tiền Phong-Tuổi Trẻ Pháp luật , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment