Với những hạng mục đầy ‘mùi’ xi măng cốt thép trên đầu núi như villa, biệt thự siêu cao cấp, căn hộ phương Đông, ai đủ quyền hạn để có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất ở?
Lời tòa soạn: Trong tuần qua, Đoàn đại biểu Quốc hội và Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng hướng dư luận tin rằng, dự án Bà Nà thực hiện đúng quy định, đồng thời yêu cầu xử lý việc đưa tin “sai sự thật” của báo chí. Trước sự việc này, chúng tôi xin đưa ra bằng chứng cho thấy “quy trình” biến rừng đặc dụng thành các công trình của một tập đoàn tư nhân như thế nào. Thể theo kiến nghị của cử tri, chúng tôi đề nghị Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc làm sáng tỏ dự án Bà Nà.
Liên quan đến dự án Bà Nà, theo tài liệu chúng tôi có được, ngày 19/7/2017, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - đã ký Quyết định số 3995/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bana Hill Resort & Residences theo bản vẽ do Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Ánh Dương thuộc Tập đoàn Sun Group lập. Vị trí khu đất điều chỉnh quy hoạch thuộc các xã Hòa Ninh và Hòa Phú, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng với diện tích gần 240ha.
Các công trình xây dựng dày đặc trên đỉnh Bà Nà
10 năm sau mới tách rừng đặc dụng ra khỏi dự án
Phần nội dung điều chỉnh ghi rõ, điều chỉnh lại ranh giới, tách diện tích rừng đặc dụng ra khỏi dự án. Như vậy, sau 10 năm kể từ khi được khởi công vào năm 2007, chính quyền TP.Đà Nẵng mới có quyết định tách rừng đặc dụng ra khỏi dự án, đồng nghĩa dự án đã không nằm ngoài ranh giới rừng đặc dụng như cách tự “bào chữa” của Sun Group.
Quyết định của ông Thơ còn nhiều điểm “dị thường”. Phần quy mô điều chỉnh ghi diện tích sử dụng đất trước điều chỉnh quy hoạch là 2.481.416m2 (tương đương hơn 248ha), nhưng khi chúng tôi đối chiếu lại quy hoạch chi tiết sử dụng đất ở từng hạng mục thì con số đã giao cho Sun Group lên đến 2.736.211m2 (hơn 273ha).
Các nội dung điều chỉnh cụ thể đều nhằm phục vụ cho công cuộc “chinh phục” tài nguyên thiên nhiên của tập đoàn bất động sản, bao gồm bổ sung khu lễ hội bia với diện tích 3.000m2, cầu dẫn nhà ga 12 sang nhà ga đi cáp kéo số 2 với diện tích xây dựng 374m2, vườn hoa mở rộng (vườn phiêu du, vườn ngân hà, vườn giấc mơ, vườn giác quan) 8.541m2 cùng cảnh quan (ở đây chính là thêm vào Cầu Vàng, Cầu Bạc, Cầu Đi Bộ), bổ sung Quảng trường Christmas Plaza diện tích 7.000m2 và “cập nhật” khu vực công trình Lệ Nim đã chuyển quyền sử dụng đất với diện tích 9.389m2.
Quyết định trên cũng điều chỉnh tăng diện tích nhà ga đi cáp kéo số 2 từ 490m2 lên 1.993m2, nhà hàng hiện trạng số 49 từ 109m2 lên 483m2, nhà VIP số 53 từ 71m2 lên 383m2, nhà kính số 90 từ 3.126m2 lên 3.132m2 và nhà ga đến cáp kéo số 2 từ 898m2 lên 990m2. Quyết định cũng điều chỉnh vị trí các lô đất biệt thự Golden siêu cao cấp nhưng không thay đổi diện tích do điều chỉnh vị trí tuyến cáp treo số 6.
Diện tích sử dụng đất sau điều chỉnh quy hoạch dành cho Sun Group vẫn còn gần 240ha, gồm những hạng mục như vùng Brittany, thị trấn Sarlat-la-Caneda, thị trấn Conques, Aveyron, Eze, Apremont-sur-allier, lâu đài Chenonceaux… thuộc Làng Pháp, rồi khu vui chơi Fantasy Park, Fec-Club, khu nghỉ mát Bà Nà Hill By Night gồm khách sạn, khu căn hộ, biệt thự cao cấp…
Thay đổi xoành xoạch trên cao điểm chiến lược quốc gia
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên, dự án được điều chỉnh. Trước Quyết định 3995/QĐ-UBND nói trên, dự án Bana Hill Resort & Residences đã được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch chi tiết TL 1/500 vào ngày 10/10/2013. Sau đó, UBND TP.Đà Nẵng liên tục ra các quyết định điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch lần lượt vào tháng 3 và tháng 10/2016.
Điều dư luận đặt ra ở đây là, liệu trải qua nhiều lần điều chỉnh, thay đổi như đã nêu, dự án có được thực hiện lại việc đánh giá tác động môi trường tương ứng theo luật định hay không, có báo cáo Thủ tướng hoặc Quốc hội liên quan đến rừng đặc dụng cần bảo tồn hay không?
Ví dụ, hai tuyến cáp treo được điều chỉnh tăng diện tích theo quyết định do ông Thơ ký, tuyến cáp số 4 từ 2.128m2 lên 2.493m2, có chiều dài 5.132m, rộng 35m với diện tích của 23 trụ cáp là 1.315,76m2. Trong đó, có 18 trụ nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, chiếm diện tích 1.160m2. Chưa kể, hành lang an toàn tuyến cáp cũng nằm trong khu bảo tồn với diện tích 149.232m2.
Tương tự, tuyến cáp số 6 được điều chỉnh tăng từ 820m2 lên 1.640m2 có chiều dài 5.625m, rộng 30m với diện tích 29 trụ cáp là 1.491m2. Có 22 trụ nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa chiếm 1.283m2. Hành lang an toàn tuyến cáp đương nhiên nằm trong khu bảo tồn với 140.899m2.
Với những hạng mục đầy “mùi” xi măng cốt thép trên đầu núi như villa, biệt thự siêu cao cấp, căn hộ phương Đông, ai đủ quyền hạn để có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất ở?
Nên nhớ, Bà Nà có độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển, là một điểm cao chiến lược có thể quan sát toàn bộ TP.Đà Nẵng, chắc chắn thuộc phạm vi an ninh quốc phòng. Trước đây, người Pháp đã từng xây dựng trại lính, đồn bót tại đây nhằm phòng thủ toàn bộ khu vực, đến thời Mỹ cũng có bãi đáp trực thăng ở vị trí trọng yếu này.
Nói có “nhập nhèm”, mách có “nhầm lẫn”?
Tuần qua, một số cơ quan truyền thông đăng tải ý kiến của ông Nguyễn Bá Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng) trả lời báo chí bên lề kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV về công tác đầu tư và chấp hành pháp luật của Sun Group trong việc xây dựng, khai thác dự án Bà Nà với khẳng định “hoàn toàn không có gì trái pháp luật”.
Các báo lần lượt dẫn văn bản được cho là của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng, rồi đến phát biểu của ông Thái Ngọc Trung - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng - dẫn “công bố của Đà Nẵng về chất lượng rừng khu bảo tồn Bà Nà - Núi Chúa”, rằng “diện tích rừng giàu ngày càng tăng lên, từ hơn 8.000ha năm 2008 lên hơn 17.000ha năm 2017”(?).
Nếu đúng như số liệu này, thì đây phải là một điển hình xuất sắc cần được cả nước học tập, bởi theo số liệu điều tra, kiểm kê rừng năm 2016 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Đà Nẵng, thành phố có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng là 66.409,5ha; trong đó có 43.722,1ha rừng tự nhiên, 12.568,1ha rừng trồng và 10.119,3ha đất chưa có rừng (gồm đất mới trồng chưa thành rừng, đất có cây gỗ tái sinh, núi đá, đất có cây nông nghiệp...).
Theo số liệu được công bố tại hội nghị tổng kết công tác bảo vệ và phát triển rừng do UBND TP.Đà Nẵng tổ chức năm 2017, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng của TP.Đà Nẵng là hơn 66.000ha. So với năm 2016, rừng tự nhiên giảm 15,62ha, rừng trồng tăng hơn 2.500ha, rừng trồng chưa thành rừng giảm hơn 2.400ha và đất trống quy hoạch phát triển rừng giảm 83,31ha.
Số liệu của chính quyền TP.Đà Nẵng cho thấy, chỉ có rừng trồng tăng hơn năm 2016. Có thể làm phép cộng đơn giản để thấy diện tích rừng trồng năm 2017 của cả thành phố chỉ hơn 15.068ha. Tại sao con số này lại thấp hơn nhiều so với “diện tích rừng giàu” của riêng khu bảo tồn Bà Nà - Núi Chúa, mà theo đại biểu Quốc hội và cơ quan quản lý xây dựng “công bố” là hơn 17.000ha?
Cũng theo các nguồn trên, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng và ông Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng khẳng định, đến năm 2018, diện tích xây dựng ở khu du lịch Bà Nà là 24,8ha, tương đương mật độ xây dựng là 9,36%, thấp hơn 15,64% so với Quy chuẩn xây dựng Việt Nam.
Theo Quyết định 3995/QĐ-UBND mà chúng tôi đã đề cập ở đầu bài, có thể thấy hầu hết các hạng mục đều có dấu ấn công trình xây cất của chủ đầu tư. Đặc biệt, các công trình như lối đi dạo, đường giao thông, cầu treo, đường dự trữ, tuyến cáp, trụ cáp treo, máng trượt, công trình phụ… đã chiếm đến hơn 88,5% (trước điều chỉnh là hơn 97,7%). Vậy, không biết các đoàn thể, cá nhân nêu trên dựa vào đâu để đưa ra con số 9,36%?
Cần thấy rằng, mật độ xây dựng thấp hơn quy chuẩn xây dựng chưa nói lên được điều gì. Bởi ở phạm vi hẹp nhất đối với một công trình, hệ số sử dụng đất tại dự án Bà Nà cũng hết sức quan trọng, cần được công bố.
Ở phạm vi rộng hơn, cái mà công chúng cần là sự công khai, minh bạch về quy hoạch tổng thể, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này có từ bao giờ, như thế nào… để người dân thực thi quyền giám sát, xem các bên thực thi đã làm đúng chủ trương của Chính phủ và các quyết định được phê duyệt hay chưa.
Trên hết, mật độ xây dựng có lẽ không ăn nhập gì trong cách tiếp cận mà Báo Phụ Nữ TP.HCM đặt ra: rừng đặc dụng, di sản quốc gia, vị trí chiến lược của TP.Đà Nẵng đang bị xâm phạm. Việc giao đất có tuân thủ quy trình đấu giá quyền sử dụng hay không?
Từ Bà Nà, có thể nhắc đến bán đảo Sơn Trà dưới một góc nhìn bình tĩnh, khách quan. Trước khi có kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ, đã có không ít ý kiến “bảo vệ” các dự án trái phép tại vị trí cũng hết sức chiến lược này.
Tháng 5/2017, vẫn bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Bá Sơn chia sẻ với báo chí xung quanh câu chuyện về quy hoạch bán đảo Sơn Trà với quan điểm quy hoạch là quy hoạch của Chính phủ, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cơ quan chủ trì là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện theo chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đề ra.
Cũng theo ông Sơn, không nên nghĩ rằng, cứ ban hành một quy hoạch thì quy hoạch đó bất biến. Thậm chí, quy hoạch ngày hôm nay phù hợp với điều kiện thực tế khảo sát, đánh giá nhưng ngày mai, điều kiện phát triển có nhiều thay đổi, bắt buộc phải rà soát, đánh giá lại một cách khoa học. Ông Sơn kết luận, trong quá trình phát triển, việc đụng chạm đến chỗ này chỗ khác là đương nhiên, nhưng quá trình phát triển phải đảm bảo cân đối giữa phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường.
Vậy những quan điểm của ông Sơn sẽ vẫn còn giá trị với Bà Nà? Thay vì công bố những vấn đề mấu chốt mà chúng tôi đã đề cập về câu chuyện Bà Nà, các ngành hữu quan, cơ quan dân cử của TP.Đà Nẵng lại công bố những “sự thật nửa vời”. Đến đây, để có được câu trả lời rốt ráo, cần có hành động quyết liệt từ Chính phủ kiến tạo: tiến hành thanh tra toàn diện dự án Bana Hill Resort & Residences tại TP.Đà Nẵng, để an lòng dân.
Nhóm phóng viên/phunuonline Chính trị , Môi trường , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment