Cập nhật tin tức nóng hổi

COVID-19: EU cảnh báo ý đồ của Trung Quốc sau chiến dịch viện trợ hào phóng

Mới đây, người đứng đầu Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về Đối ngoại và An ninh Josep Borrell đã lên tiếng cảnh báo về âm mưu chia rẽ nội bộ và thông tin sai lệch phía sau chiến dịch viện trợ thiết bị y tế hào phóng của Trung Quốc.
COVID-19: EU cảnh báo ý đồ của Trung Quốc sau chiến dịch viện trợ hào phóng
Ông Josep Borrell (Ảnh: ec.europa.eu)

Trong một thông điệp cảnh báo hiếm thấy vào hôm thứ Ba vừa rồi, quan chức đứng đầu cơ quan ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, đã lên tiếng về mối nguy đằng sau chiến lược “chính trị hào phóng” của Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy mạnh trợ giúp y tế cho một số quốc gia châu Âu chống dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), theo SCMP.

Ông Josep Borrell kêu gọi các nước châu Âu sẵn sàng đối mặt với tác động từ “cuộc chiến ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu”, ám chỉ các thông điệp ngầm đang được Trung Quốc thực thi phía sau hoạt động cứu trợ trong đại dịch.

Trong khi Bắc Kinh đã gọi chiến dịch gửi hàng triệu khẩu trang tới châu Âu, tâm điểm của đại dịch trong thời điểm hiện tại, là minh chứng cho đoàn kết và tình bạn, thì ông Borrell lại nhận thấy rằng nước này đang quyết liệt chứng minh cho thế giới thấy họ là đối tác tin cậy, có trách nhiệm, chứ không giống như Mỹ.

“Trong cuộc chiến truyền thông, chúng ta đang thấy những nỗ lực nhằm hạ thấp uy tín của EU, và trong một số trường hợp, người châu Âu đã bị kỳ thị như thể tất cả đều mang virus.”

Ông Borrell cho rằng châu Âu phải nhận thức được có yếu tố địa chính trị, bao gồm âm mưu gây ảnh hưởng thông qua việc đảo ngược vấn đề và chiến lược “chính trị hào phóng” của Trung Quốc.

Kể từ khi tâm điểm đại dịch chuyển từ Trung Quốc sang châu Âu, Bắc Kinh đã cố gắng ra tay hỗ trợ, giúp bù đắp cho thiếu hụt về thiết bị y tế tại một số quốc gia châu Âu, trong khi Mỹ đã áp đặt lệnh cấm đi lại với lục địa này.

Quốc gia gần đây nhất nhận được viện trợ từ Trung Quốc là Hungary, với lô hàng 3 triệu khẩu trang, 100.000 bộ kit xét nghiệm và 86 máy thở. Pháp và Áo, hai quốc gia từng từng gửi hàng cứu giúp tới Vũ Hán, cũng nhận được hàng viện trợ của Bắc Kinh.

Một số tập đoàn danh tiếng của Trung Quốc, như Alibaba của tỷ phú Jack Ma và Huawei, cũng đã gửi thiết bị y tế tới các nước Bỉ, Tây Ban Nha và Ireland.

Ngay cả sếp của ông Borrell, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen, đã lên tiếng cám ơn Trung Quốc vì đã cung cấp thiết bị y tế cho châu Âu, gồm 2 triệu khẩu trang. Bà Leyen gọi động thái của Bắc Kinh là việc “có qua có lại” sau khi EU đã cung cấp nhiều thiết bị y tế tương tự tới Trung Quốc khi dịch bệnh bùng phát tại nước này.

Ý – quốc gia hiện chịu thiệt hại về nhân mạng nhiều nhất do dịch corona – là nước hưởng lợi nhiều nhất từ sự hỗ trợ vật tư y tế của Trung Quốc.

Tuy vậy, theo một nguồn tin ngoại giao, hai diễn biến gần đây đã thay đổi cách nhìn nhận của EU theo hướng coi Trung Quốc như một “đối thủ thể chế” – cụm từ lần đầu được sử dụng bởi ông Jean Claude Juncker khi ông này là Chủ tịch Hội đồng châu Âu.

Đầu tiên, đó là việc giới lãnh đạo Bắc Kinh có xu hướng liên hệ trực tiếp với từng quốc gia thành viên hơn là thông qua EU. Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Von der Leyen đã không nhận được cuộc gọi nào từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dù ông Tập đã trực tiếp trò chuyện với lãnh đạo các nước lớn của EU như Pháp, Đức và Tây Ban Nha. Thay vào đó, người giao thiệp chính thức với bà Von der Leyen là Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Thứ hai, EU đã giật mình trước phản ứng của Serbia, quốc gia đang tiến hành các bước đầu tiên trong quá trình gia nhập EU. Khi EU ra lệnh cấm xuất khẩu thiết bị y tế khi dịch bệnh bùng phát, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic châm chọc sự đoàn kết của EU là “viễn tưởng”, đồng thời quay sang gọi ông Tập Cận Bình là “người bạn và người anh em”.

Trong khi EU khẩn cấp bố trí khoản viện trợ trị giá 7,5 triệu Euro (8,1 triệu USD) cho Belgrade – thủ đô của Serbia, Trung Quốc đã nhanh chóng thắt chặt quan hệ với nước này. Ông Tập đã điện đàm với ông Vucic hứa hẹn về hỗ trợ y tế, đồng thời ca ngợi “tình bạn không thể lay chuyển” giữa hai nước.

Đồng thời, các nhà ngoại giao Trung Quốc bắt đầu chiến dịch “tẩy trắng” thông tin về dịch bệnh trên Twitter. Ví dụ, Đại sứ quán Trung Quốc ở Pháp đã đăng một loạt tweet cáo buộc chính phủ Mỹ đã che giấu thông tin về dịch corona vào năm ngoái khi nói rằng đó chỉ là cúm mùa, qua đó tố cáo dịch COVID-19 bắt nguồn từ Mỹ.

Đại sứ quán Trung Quốc ở Ý cũng đăng tải nhiều nội dung bị chỉ trích là sai sự thật lên các mạng xã hội sau khi Bắc Kinh gửi thiết bị y tế tới viện trợ cho Rome. Các bài đăng này gồm thông tin sai lệch về phản ứng của người dân Ý đối với sự hỗ trợ của Bắc Kinh, cùng ý đồ tuyên truyền về “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Mikko Huotari, giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator có trụ sở tại Berlin, cho rằng việc ông Borrell cảnh báo về khía cạnh địa chính trị trong “vũ điệu ngoại giao” của Trung Quốc là một “tín hiệu tốt”.

Andrew Small, một chuyên gia về quan hệ EU-Trung Quốc tại Quỹ Marshall của Đức, cho biết thiện chí ban đầu của EU đối với Trung Quốc đã biến mất. “Mức độ chính trị hóa, chiêu trò tuyên truyền và đưa thông tin sai lệch hoàn toàn của chính phủ Trung Quốc đã thực sự được tăng cường trong những ngày gần đây,” ông nói.

“Những tuyên bố của ông Borrell là thông điệp mạnh mẽ về sự không hài lòng đối với hành xử của Bắc Kinh, và là tín hiệu cho thấy EU và các nước thành viên sẽ phải đóng vai trò tích cực hơn trong việc cạnh tranh với Trung Quốc và các nước khác trong cuộc chiến thông tin ở châu Âu cũng như trên toàn cầu xung quanh cuộc khủng hoảng này”, ông Small nói.

Lê Xuân (theo SCMP)/Trithucvn
, ,

No comments:

Post a Comment