Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GTVT bàn với Trung Quốc để xử lý xong dự án Cát Linh – Hà Đông trước tháng 6/2020.
Bộ GTVT chính thức lập tổ công tác thúc tiến độ đường sắt Cát Linh – Hà Đông. (Ảnh: Mỹ Lệ)
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký quyết định thành lập Tổ công tác chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông được giao làm tổ trưởng tổ công tác. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng làm tổ phó.
Thành phần của tổ gồm lãnh đạo của 10 bộ, ngành liên quan như: Bộ GTVT, TN&MT, KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng, Ngoại giao, Y tế, Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước và UBND TP. Hà Nội.
Tổ công tác sẽ đưa ra các giải pháp tháo gỡ toàn bộ các vấn đề còn vướng mắc, chưa thống nhất giữa các bên thực hiện hợp đồng theo quy định của pháp luật hiện hành (về xây dựng, lắp đặt thiết bị, đánh giá an toàn hệ thống, nghiệm thu, bàn giao, giải ngân thanh toán….). Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền phải tổng hợp các nội dung vướng mắc, sẽ báo Thủ tướng để xem xét, giải quyết.
Trước đó, Thành uỷ Hà Nội và Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT đã ban hành thông báo kết luận số 2538 ngày 31/3 về việc thống nhất thành lập Tổ công tác xây dựng kế hoạch thúc đẩy dự án Cát Linh – Hà Đông.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hà Nội cần tập trung giải quyết dứt điểm, có cơ chế tạm ứng, thanh toán, hoàn thiện dự án này, sau đó khấu trừ. Bộ GTVT bàn với Trung Quốc xử lý xong trước tháng 6/2020.
Dự án Cát Linh – Hà Đông vay vốn từ Trung Quốc, được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng, nhưng sau đó dự án điều chỉnh lên 18.000 tỷ đồng – với chiều dài 13km.
Qua nhiều lần hứa hẹn (mốc hẹn từ tháng 9/2016, rồi đến tháng 10/2017, tháng 12/2017, rồi dời sang 9/2018, rồi đến tháng 6/2019), đến nay (năm 2020), dự án vẫn chưa đủ an toàn để khai thác thương mại, khiến nhiều người bức xúc.
Năm 2019, cư dân mạng đã sáng kiến thay đổi công năng sử dụng của tuyến đường sắt này thành nơi trồng hoa, làm phố đi bộ trên cao, làm chợ đêm cho sinh viên,… để lấy kinh phí duy trì dự án. Những sáng kiến này ngay sau đó đã thu hút hàng ngàn lượt thích.
Cư dân mạng chế công năng sử dụng của đường sắt Cát Linh – Hà Đông chuyển thành phố đi bộ, vườn hoa trên cao, chợ đêm sinh viên… (Ảnh: FB)
Kim Long/TrithucVN Giao thông , Kinh tế , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment