Cập nhật tin tức nóng hổi

Các tỉnh, thành chờ chỉ thị tiếp theo về giãn cách xã hội

Nhiều tỉnh thành đã có bước đánh giá tình hình và chủ động đề xuất giải pháp thích hợp cho địa phương của mình.
Các tỉnh, thành chờ chỉ thị tiếp theo về giãn cách xã hội
Một quán cà phê trên đường Phạm Cự Lượng, TP Long Xuyên, An Giang đã sắp xếp bàn cách xa nhau hơn 2m nên nhiều người an tâm đến uống nước giờ nghỉ trưa – Ảnh: BỬU ĐẤU

Tính đến 6h sáng 22-4 là ngày thứ 6 Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Tổng số bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam vẫn là 268, trong đó có 216 người đã khỏi bệnh. Trong số 52 bệnh nhân còn lại, dự kiến 7 trường hợp sẽ được công bố khỏi bệnh hôm nay 22-4.

Tôi thấy ở An Giang đến thời điểm này rất ổn thì nên cho các quán ăn và nhiều dịch vụ khác hoạt động để bà con đỡ khổ.

Hôm nay 22-4 là ngày cuối cùng thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại Hà Nội, TP.HCM và 10 địa phương nguy cơ cao theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. TP.HCM, 1 trong 12 địa phương nguy cơ cao, đã không ghi nhận thêm bệnh nhân mới sau ổ dịch ở quán bar Buddha và cũng đã có đề nghị giảm mức nguy cơ với thành phố mình.

Hà Nội, địa phương nguy cơ cao tương tự, chưa có đề xuất cụ thể nhưng tỉnh Bắc Ninh – nơi liên quan đến ca bệnh 266 ở Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội – lại công bố sẽ giãn cách xã hội đến 30-4, dài hơn mốc thời gian theo hướng dẫn của Chính phủ.

Tại cuộc họp ngày 20-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết việc phòng bệnh trong nhóm người bán hàng rong, người lao động tự do sẽ không dễ dàng. Chính vì thế, việc xếp nhóm nguy cơ như thế nào sau ngày 22-4 là việc không dễ.

Chính vì vậy, chỉ thị mới của Chính phủ dù rất được chờ đợi nhưng vẫn đang được nghiên cứu, xem xét thêm để phù hợp với số đông. Theo thông tin của Tuổi Trẻ, việc xếp nhóm nguy cơ sẽ có nhiều thay đổi và theo đó là việc “nới” về đi lại, mở cửa dịch vụ không thiết yếu.

Theo dự thảo do Bộ Y tế trình Chính phủ, các địa phương nhóm nguy cơ thấp sẽ được mở cửa tất cả loại dịch vụ, kể cả dịch vụ không thiết yếu. Tuy nhiên, chủ cơ sở sẽ phải áp dụng các biện pháp phòng dịch và chịu trách nhiệm về phòng chống dịch bệnh.

Với nhóm nguy cơ, dự thảo này cho biết chủ tịch UBND tỉnh thành sẽ xem xét quyết định có hay không cho phép việc mở cửa các dịch vụ không thiết yếu, tùy theo tình hình dịch.

Vận chuyển hành khách liên tỉnh vẫn trong thời gian hạn chế ở các tỉnh thành trong nhóm nguy cơ, nhưng vận chuyển nội tỉnh đã được cho phép. Như vậy, xe buýt nội tỉnh sẽ sớm hoạt động trở lại.

Kiên Giang. Chiều 21-4, ông Đỗ Thanh Bình, phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết địa phương đang chờ chỉ đạo mới của Chính phủ nhưng khả năng rất cao là sẽ được chuyển từ tỉnh “có nguy cơ” xuống “nguy cơ thấp”.

Ông Bình dự kiến ngay trong ngày 22-4, UBND tỉnh sẽ có chỉ đạo cụ thể cho phép một số hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống mở cửa trở lại phục vụ người dân.

Hiện tại, các siêu thị, chợ, cơ sở y tế, cơ quan hành chính vẫn phục vụ người dân nhưng ở mức tối thiểu, đảm bảo giãn cách và an toàn phòng dịch.

Hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ, đường biển, bến khách ngang sông đã hoạt động trở lại từ ngày 20-4, nhưng chỉ cho phép chở một nửa số khách vì lý do phòng dịch.

Sắp tới sẽ tăng số chuyến tàu/xe trong ngày nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của người dân. Tại đảo Phú Quốc – tâm điểm du lịch của tỉnh Kiên Giang, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng sẵn sàng cho việc được phép hoạt động trở lại.

An Giang. Ông Lê Văn Phước – phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang – cho biết ông và các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh vừa hội ý các thành viên và thống nhất đề xuất Ban chỉ đạo trung ương chuyển An Giang từ nhóm “có nguy cơ” xuống “nguy cơ thấp”.

Về giáo dục, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt thì An Giang sẽ cho học sinh đi học vào đầu tháng 5 tới. Về hàng quán sẽ thực hiện theo chỉ thị 15 và giãn ra nếu được đưa vào nhóm 3.

Riêng khu vực biên giới, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh An Giang vẫn chỉ đạo các lực lượng chốt chặn ven biên giới và kiểm soát nghiêm ngặt nhằm hạn chế tình trạng xuất nhập cảnh trái phép trong mùa dịch bệnh.

Ông Lê Quang Mạnh – chủ tịch UBND TP Cần Thơ – cho biết cũng đã có kế hoạch thực hiện khi nới lỏng giãn cách xã hội, dựa theo quyết định của Thủ tướng.

Còn ông Lê Tiến Dũng – giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ – cho biết đang chờ chỉ thị mới của Thủ tướng và hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải. Ông Dũng cho rằng chưa có chỉ thị của Thủ tướng thì chưa làm được.

L.ANH – K.NAM – B.ĐẤU – L.DÂN/TT , ,

No comments:

Post a Comment