Cập nhật tin tức nóng hổi

ĐCS Trung Quốc bóp chết tự do báo chí, thế giới phải trả giá đắt bằng mạng sống

Vào ngày 27/1, Phó tổng biên tập của tờ Thượng Hải Thương Báo, ông Trần Quý Băng (Chen Jibing) đã có một bài viết đăng trên Wechat với tiêu đề “Viêm phổi Vũ Hán ngày 50, tất cả người dân Trung Quốc phải trả giá bằng chết chóc bởi truyền thông”.
ĐCS Trung Quốc bóp chết tự do báo chí, thế giới phải trả giá đắt bằng mạng sống
Chính phủ Trung Quốc che giấu dịch bệnh và gây ra sự bùng phát virus Corona Vũ Hán ra toàn cầu (Ảnh: Spencer Platt / Getty Images)

Bài báo liệt kê các phóng viên đưa tin về Vũ Hán, nơi tâm chấn của dịch bệnh, đã gặp phải nhiều trở ngại. Ví dụ, phóng viên của Caixin qua liên hệ gián tiếp với một số bác sĩ được biết Trung tâm Phòng chống dịch bệnh có lệnh các y bác sĩ không được tiếp nhận phỏng vấn, không được tiết lộ dịch bệnh ra bên ngoài; một phóng viên Nhật Bản đã bị bắt đưa đến đồn cảnh sát vì chụp ảnh trước chợ hải sản Hoa Nam; một phóng viên cao cấp từ một tờ báo Hồ Bắc đã bị xử phạt vì đăng tin trên Weibo.

Bài báo viết: "Thông tin công khai là vaccine phòng bệnh tốt nhất", "Chặn các kênh tin tức cung cấp thông tin cho xã hội nhận thức được các rủi ro an toàn tiềm ẩn, cuối cùng sẽ gây ra tác hại nghiêm trọng hơn ‘tin đồn’". Sau đó, bài viết này nhanh chóng gây sự chú ý của chính quyền và đã nhanh chóng bị xóa. Tài khoản công khai đăng bài viết này cũng biến mất trên mạng Internet.

Một phóng viên trẻ làm việc trong ngành truyền thông Trung Quốc nói với VOA rằng anh được phái đến Vũ Hán sau Tết Nguyên đán và rời đi sau khi thành phố đóng cửa. Trong suốt thời gian 72 ngày trước và sau đó, anh đã chứng kiến ​​sự yếu ớt, phẫn nộ, thống khổ và tuyệt vọng của thành phố này, cũng đã trải nghiệm nhiều lần vì đề tài nhạy cảm, bài viết của anh đã bị xóa, gác lại và bị cấm…

Anh nói: "Tôi cũng đã quen với điều này, làm tin tức ở Trung Quốc chính là như thế".

Bà Rebecca Vincent, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) ở Anh, đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn với CNN rằng: "Nếu Trung Quốc có tự do báo chí, nếu những người cảnh báo không bị bịt miệng thì trận đại dịch này đã có thể bị chặn lại và nó sẽ không phát triển thành đại dịch như hiện nay”.

Cô Vincent nói rằng trước đây mọi người thường chỉ nói về tự do báo chí ở khía cạnh lý thuyết, nhưng dịch bệnh này cho thấy tự do báo chí có tác động thực sự và nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người.

Vào ngày 21/4, Tổng bộ của RSF có trụ sở tại Paris đã công bố "Báo cáo chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2020". Báo cáo cho thấy trong số 180 quốc gia và khu vực, Trung Quốc đại lục đứng thứ 177 về tự do báo chí, giống như năm ngoái ở vị trí áp chót thứ 4 từ dưới lên. Thứ hạng của Bắc Triều Tiên đã giảm một bậc so với năm ngoái, và đứng cuối bảng.

Báo cáo chỉ ra rằng trong cuộc đua đàn áp tự do báo chí, Trung Quốc luôn đuổi sát theo Triều Tiên. Bắc Kinh tiếp tục nâng cấp hệ thống kiểm soát thông tin và tiếp tục đàn áp các nhà báo và blogger bất đồng chính kiến. Vào tháng 2 năm nay, chính quyền đã bắt giữ ít nhất 3 nhà báo công dân để che giấu cuộc khủng hoảng virus Corona Vũ Hán. Trung Quốc là nhà tù giam giữ nhà báo lớn nhất thế giới, và hiện có khoảng 100 nhà báo đang bị giam giữ, hầu hết là người Duy Ngô Nhĩ.

Vào tuần trước, RSF đã viết một lá thư cho hai báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc, yêu cầu chính thức lên án chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì che giấu dịch bệnh khiến hàng ngàn người dân vô tội bị nhiễm virus. RSF nói rằng, cho dù là đối với cộng đồng trong nước hay quốc tế, chính phủ Trung Quốc đã đặt tính mạng của công chúng và nhân loại vào chỗ nguy hiểm.

Ngoài việc chỉ trích chế độ độc tài và chính quyền chuyên chế của ĐCSTQ trong việc đàn áp thông tin, RSF cũng kêu gọi mọi người cảnh giác với những thông tin sai lệch do Bắc Kinh đưa ra trên khắp thế giới. Tổ chức này cho biết kể từ khi bắt đầu đại dịch, Bắc Kinh đã cẩn thận lên kế hoạch cho hoạt động này với mục đích trừ khử những lời chỉ trích.

Ông Cedric Alviani, Giám đốc điều hành của Văn phòng RSF Đông Á cho biết: "Bắc Kinh mượn cớ ‘lập kỷ lục liên tục không có ca nhiễm virus Corona Vũ Hán’, truyền bá những lời dối trá và thông tin không chính xác, làm mất uy tín của các phóng viên và nghi ngờ thông tin họ công bố". Ông nhắc nhở công chúng đừng để những thông tin này che mắt, và nên ưu tiên cho các kênh truyền thông tôn trọng các nguyên tắc của báo chí.

Cũng trong hôm thứ Ba (21/4), trên Twitter, trang mạng xã hội bị chính phủ Trung Quốc chặn, các tổ chức truyền thông và ngoại giao chính thức của ĐCSTQ tiếp tục tiến hành tuyên truyền cho Bắc Kinh. Ví dụ, tài khoản Twitter của tờ China Daily viết: "Làm thế nào Trung Quốc có thể kiểm soát sự lây lan của dịch coronavirus nhanh như vậy? Làm thế nào Trung Quốc có thể giảm thành công tỷ lệ tử vong xuống mức tương đối thấp? Vui lòng đọc "Trung Quốc thực hiện phòng chống coronavirus".

Một người dùng Twitter trả lời rằng đây đều là những lời nói dối.

Minh Thanh/NTDVN ,

No comments:

Post a Comment