Cập nhật tin tức nóng hổi

Quy định giãn cách học sinh 1,5 m trong lớp là không thực tế

Quy định về giãn cách học sinh tối thiểu 1,5 m mà Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT đưa ra đang khiến các trường rối bời do phòng học, giáo viên không có.
Quy định giãn cách học sinh 1,5 m trong lớp là không thực tế
Học sinh lớp 12 tại Cà Mau trở lại trường học sau khi nghỉ dịch Covid-19. Việc giãn cách học sinh tối thiểu 1,5 m trong lớp sẽ khó thực hiện

Theo Công văn số 2234 của Bộ Y tế về việc triển khai phòng chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục, tất cả học sinh (HS), giáo viên (GV) và người lao động trong các cơ sở giáo dục phải đeo khẩu trang trên đường đến trường và trở về nhà, trong thời gian ở trường. Ở trường, HS phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1,5 m. Mỗi HS ngồi 1 bàn hoặc 2 HS ngồi 1 bàn hoặc ngồi so le…

Các địa phương và nhà trường rối bời

Nhiều địa phương đã và sẽ đồng loạt cho HS trở lại trường từ đầu tháng 5 tới. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng đề nghị các địa phương thực hiện theo yêu cầu của Bộ Y tế là giãn cách HS tối thiểu 1,5 m khi đi học. Mỗi lớp học có thể tách đôi để đảm bảo khoảng cách giữa các HS.

Yêu cầu này đang khiến các địa phương và nhà trường rối bời vì không thể thực hiện được đại trà với điều kiện trường lớp và GV như hiện nay. Tại TP.Hà Nội, địa phương này đang xây dựng kịch bản cho HS đi học từ 4.5. Tuy nhiên, sĩ số các trường ở nội thành Hà Nội quá đông, nhiều trường lên tới 50 – 60 HS/lớp, phòng học, sân chơi đều chật chội. Nếu thực hiện quy định giãn cách kể trên, mỗi lớp phải chia ba. Điều này không khả thi vì không có GV và phòng học.

Các trường học vốn “nổi tiếng” quá tải ở các quận Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa… cho biết đang rất hồi hộp chờ hướng dẫn của UBND TP hoặc Sở GD-ĐT Hà Nội.

Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, hiệu trưởng một trường THPT ở nội thành Hà Nội cho rằng, Bộ GD-ĐT làm khó các trường. Nhà trường không nhận được sự hỗ trợ linh hoạt của Bộ trong vấn đề này. Một mặt, Bộ ra quy định phải kết thúc năm học chậm nhất vào ngày 15.7, giữ kỳ thi THPT vào tháng 8, bất kể dịch bệnh, hay HS có đi học được hay không. Mặt khác thì Bộ GD-ĐT tuyên bố đi học phải đảm bảo an toàn với những tiêu chí: không quá 20 HS/lớp; mỗi HS phải cách nhau tối thiểu 1,5 m… và “nếu không đảm bảo những quy định đó thì không cho HS trở lại trường”.

“Vậy chúng tôi phải làm thế nào với những lớp 40 – 50 HS, không có phòng học và GV để chia nhỏ nhưng vẫn phải hoàn thành chương trình vào thời gian Bộ quy định, HS vẫn phải thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH?”, vị hiệu trưởng này đặt câu hỏi.

Đây cũng là tâm tư của nhiều nhà trường. Nhiều người bức xúc cho rằng nếu không thể giãn cách HS đủ 1,5 m thì các trường có thể từ chối kết thúc năm học vào ngày 15.7 được không, vì rõ ràng đó là lý do khách quan về điều kiện thực hiện? Trong khi đó, các trường cũng không thể chọn một số khối lớp để kết thúc năm học trước được.

Quy định chỉ “nói được phần mình” !

Không chỉ Hà Nội, một số tỉnh, thành cũng cho rằng việc giãn cách 1,5 m rất khó thực hiện khi cho đồng loạt HS đi học.

Sở GD-ĐT Thái Bình bắt đầu cho HS từ lớp 9 đến lớp 12 trở lại trường và chia thành 2 ca. Tuy nhiên, khoảng cách HS cũng chỉ tương đối chứ không thể đảm bảo 1,5 m như khuyến cáo. Một số trường THCS hiện nay mới cho HS khối 9 đi học nên phòng học cũng như GV trống tiết dạy rất nhiều nên đang áp dụng chia 1 lớp trước đây ra thành 2 – 3 lớp. Tuy nhiên, trong thời gian tới, HS tất cả khối lớp đi học lại thì điều này không thể thực hiện được nữa.

UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã quyết định cho HS từ tiểu học trở lên đi học trở lại từ ngày 4.5 tới. Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh này, cũng chia sẻ việc thực hiện giãn cách HS 1,5 m là rất khó. “Chúng tôi mong Bộ GD-ĐT có hướng dẫn phù hợp, vẫn đảm bảo an toàn nhưng phải khả thi”, ông Nam nói.

Hiệu trưởng nhiều trường THPT khu vực miền Trung, Tây nguyên khẳng định việc Bộ GD-ĐT yêu cầu phải đảm bảo khoảng cách chỗ ngồi giữa các HS tối thiểu 1,5 m để phòng dịch Covid-19 là rất khó thực hiện. Thậm chí, nhiều GV cho rằng người đưa ra yêu cầu này chỉ “nói được phần mình” và không hiểu vấn đề.

Ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, phân tích: “Nếu thực hiện đúng khoảng cách 1,5 m thì phải chia lớp ra, sẽ làm tăng thời gian đứng lớp của GV. Số lượng GV của các trường hiện nay không đủ để thực hiện. Ngoài ra, còn phải tính đến kinh phí để chi trả tiền giờ đứng lớp của GV tăng lên”.

Được biết qua trao đổi tại buổi làm việc giữa Sở GD-ĐT với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Đà Nẵng cho thấy, nếu HS đi học đồng bộ các khối mà ngồi giãn cách 1,5 m thì khó thực hiện. Đại diện Sở GD-ĐT lý giải, đó chỉ là chỗ ngồi thôi, còn suốt buổi học, HS giao lưu, chơi đùa với nhau thì việc giữ khoảng cách, kiểm soát tiếp xúc rất khó khăn. Đà Nẵng ở mức nguy cơ thấp. Chính vì vậy, Đà Nẵng chọn giải pháp yêu cầu HS đeo khẩu trang suốt thời gian đến trường, gồm trong lớp học, giờ ra chơi, đường về, không tiếp xúc gần với những người không đeo khẩu trang…
Đặt ra nhiều “kịch bản” nhưng… khó thực hiện
Có rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh nội dung này. “Kịch bản” có thể là sẽ chia ca: tiểu học đang dạy học 2 buổi/ngày thì sẽ chỉ dạy 1 buổi để chia 1 lớp học thành 2 lớp. Tuy nhiên, khi ấy, GV sẽ dạy 2 ca nhưng không thể thu tiền của phụ huynh HS để trả cho GV tiền dạy buổi 2 như trước vì thực tế HS chỉ học 1 buổi. Ngân sách nhà nước có chi trả được cho GV, hay “bắt” GV chịu thiệt? 
Với cấp trung học thì điều này là rất nan giải vì hầu hết các trường THCS và THPT ở Hà Nội, TP.HCM và một số TP lớn đều dạy học 2 ca và không đủ phòng để dạy học 2 buổi/ngày cho HS nên không thể chia ca như cấp tiểu học. Đó là chưa kể việc thiếu GV.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, cho biết chỉ có thể bố trí cho HS ngồi trong lớp học cách nhau 1 m. “Các trường kéo bàn ghế vào sát tường, tạo hành lang giữa các bàn thì đảm bảo khoảng cách HS ngồi cách nhau 1 m”, ông Tuấn nói… 
—– 
Cần một hướng dẫn khả thi để đón học sinh trở lại trường
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết sở này đang tính toán để đưa ra hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục, làm sao vừa đảm bảo an toàn cho HS nhưng cũng phải khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi nhà trường trên địa bàn TP. Nguyên tắc là tất cả các trường sẽ không tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và dừng tất cả các dịch vụ bán trú trong trường học; mỗi HS được bố trí ngồi giãn cách, không để 3 HS/bàn… 
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý khi phát biểu tại cuộc họp phòng chống dịch Covid-19 mới đây đã cho rằng các trường học trên địa bàn Hà Nội tập trung rất đông HS, nếu sắp xếp không quá 20 HS/lớp, nhiều trường học trên địa bàn TP phải tổ chức học 3 ca/ngày là không khả thi. 
Theo ông Quý, Hà Nội đề nghị Bộ GD-ĐT xây dựng phương án đón HS trở lại trường học theo hướng linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

PV/TN
, ,

No comments:

Post a Comment