Cập nhật tin tức nóng hổi

Virus Corona Vũ Hán lây truyền dễ dàng nhất khi người bệnh có các triệu chứng nhẹ

Một nghiên cứu mới cho thấy, những người bị nhiễm virus Corona Vũ Hán (COVID-19) có thể giải phóng một lượng lớn virus trong thời gian đầu mắc bệnh.
Virus Corona Vũ Hán lây truyền dễ dàng nhất khi người bệnh có các triệu chứng nhẹ
Bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán có thể giải phóng một lượng lớn virus trong thời gian đầu mắc bệnh. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Nghiên cứu, được đăng trên tạp chí Nature vào ngày 1/4, đã xem xét 9 bệnh nhân nhiễm virus Corona Vũ Hán. Các kết quả của nghiên cứu này cho thấy người bệnh lây truyền virus sang người khác nhiều nhất khi họ chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ như cảm lạnh. Điều này có thể giúp giải thích lý do tại sao mà virus này đang lây lan dễ dàng như vậy trên toàn thế giới.

Trong 7 bệnh nhân nhiễm virus Corona Vũ Hán, "nồng độ virus mà họ giải phóng ra đã đạt cực đại trong khoảng trước ngày thứ 5 kể từ ngày xuất hiện triệu chứng và cao hơn 1.000 lần" so với nồng độ cực đại ở những bệnh nhân SARS giải phóng ra. Trong 7 trường hợp này, sự phát tán của virus đã giảm dần sau ngày thứ 5 và đến ngày thứ 10 thì các bệnh nhân này có thể không còn lây bệnh nữa.

Các tác giả cho biết: "Điều này trái ngược hoàn toàn so với bệnh SARS" - một bệnh do một loại coronavirus khác gây ra. Ở những bệnh nhân SARS, sự phát tán của virus đạt cực đại khoảng từ 7 đến 10 ngày sau khi nhiễm bệnh. Lúc này, virus SARS đã lây lan từ đường hô hấp trên vào mô phổi.

Với 2 bệnh nhân còn lại thì nồng độ cực đại này xuất hiện muộn hơn, khi nhiễm trùng đã tiến vào phổi và gây ra các dấu hiệu viêm phổi đầu tiên. Sự phát tán virus của những bệnh nhân này đạt cực đại vào khoảng ngày thứ 10 hoặc 11.

Các tác giả viết: "Dựa trên những phát hiện mới này, bệnh nhân có thể chọn xuất viện sớm và cách ly tại nhà sau khi các triệu chứng của họ xuất hiện được hơn 10 ngày", với điều kiện là các mẫu bệnh phẩm lấy từ cổ họng của họ chứa ít hơn 100.000 RNA virus trên mỗi mililit.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích bằng cách lấy gạc từ mũi và họng của bệnh nhân. Đồng thời, họ cũng kiểm tra máu, nước tiểu, phân và đờm của những bệnh nhân này. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra từng mẫu bệnh phẩm để tìm ra các RNA virus để xác định số lượng virus có mặt ở các giai đoạn khác nhau của bệnh.

Từ việc phân tích trên, các nhà nghiên cứu có thể theo dõi được sự gia tăng và giảm của nồng độ virus giải phóng từ người bệnh theo thời gian. Tuy nhiên, lượng virus phát tán ra không thể tiết lộ liệu bệnh nhân có bị nhiễm trùng hay không, vì RNA không hoạt động của virus có thể có trong mô người. Để tìm ra ai đã nhiễm virus và bị nhiễm khi nào, các nhà nghiên cứu đã phân lập các mẫu virus trong suốt quá trình nghiên cứu và cố gắng phát triển chúng trong phòng thí nghiệm.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng họ có thể phát triển virus từ các mẫu họng, mũi và đờm được thu thập sớm trong quá trình phát bệnh, nhưng sau ngày thứ 8, các mẫu được lấy từ những bệnh nhân mắc bệnh nhẹ không cho thấy bất kỳ sự phát triển nào của virus. Sự thay đổi này chỉ ra rằng những bệnh nhân đó đã trở nên ít lây nhiễm hơn. Mặc dù tình trạng sức khỏe của những người này đã được cải thiện, họ vẫn xét nghiệm "dương tính" với virus. Phát hiện này có thể giúp giải thích cho một nghiên cứu từ Trung Quốc chỉ ra rằng virus có thể tồn tại trong cơ thể ít nhất hai tuần sau khi các triệu chứng viêm phổi Vũ Hán biến mất.

Một phát hiện nữa là nhóm nghiên cứu không thể phát triển virus từ các mẫu máu, nước tiểu và phân được thu thập trong quá trình nhiễm bệnh của các bệnh nhân. Các phân tích về phân của 4 bệnh nhân dựa trên trên 13 mẫu được thu thập trong thời gian từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 12, vì những mẫu này chứa lượng RNA virus lớn nhất và cho phép các nhà nghiên cứu phân lập mẫu. Một báo cáo trước đây từ Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng "virus tồn tại độc lập" (viable virus) có thể được phục hồi từ phân của người bị nhiễm bệnh, nhưng không rõ liệu việc này có góp phần vào việc lây truyền bệnh hay không. Các tác giả cho rằng cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định mức độ mà phân có thể đóng góp vào quá trình lây truyền của virus Corona Vũ Hán.

Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra các kháng thể ở các bệnh nhân trong khoảng từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 12. Điều này cho thấy hệ thống miễn dịch bắt đầu xây dựng hệ thống phòng thủ chống lại mầm bệnh. Các nhà khoa học hiện vẫn chưa biết liệu phản ứng miễn dịch nhanh này có xuất hiện ở hầu hết bệnh nhân, đặc biệt là những người bị nhiễm trùng nặng hơn, hay không.

Ông Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh truyền nhiễm của Đại học Minnesota, Hoa Kỳ, nói với Stat News: "Đây là một đóng góp rất quan trọng để hiểu cả lịch sử tự nhiên về bệnh lý của COVID-19 cũng như ý nghĩa về y tế cộng đồng của việc phát tán virus".

Tính đến sáng ngày 4/4, tổng số ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán trên thế giới đã vượt trên 1,1 triệu ca. Trong đó, ít nhất 59.000 trường hợp đã không qua khỏi. Hiện vẫn có khoảng 822.000 ca còn đang điều trị trên toàn cầu. Hy vọng rằng, những hiểu biết mới từ nghiên cứu này sẽ giúp các bác sĩ phần nào đó trong việc ngăn chặn đại dịch.

Văn Thiện/NTDVN ,

No comments:

Post a Comment