Gia đình ông Lê Văn Khánh (SN 1971, trú xóm 2, thôn Hạnh Phúc, xã Hải Ninh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) là hộ cận nghèo của địa phương và đang ở trong căn nhà trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng.
Căn nhà của hộ cận nghèo Lê Văn Khánh. Ảnh: Người lao động
“Gia đình khá giả, nhà xây bạc tỷ, sao phải giành suất của người nghèo?”
Quanh câu chuyện hàng loạt hộ cận nghèo ở Thanh Hóa có nhà to tiền tỷ, có ô tô, kinh tế khá giả, trong khi nhiều hoàn cảnh khó khăn lại không được xếp vào diện hộ cận nghèo, bạn đọc Trần Văn Hoàng chia sẻ trên Người lao động: “Gia đình khá giả, nhà xây bạc tỷ, lẽ nào không có vài ba trăm ngàn đồng để mua BHYT, sao phải giành suất của người nghèo? Chẳng qua là tham lam, muốn trục lợi tiền chính sách”.
Ông Tô Đức, Phó Chánh văn phòng phụ trách Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo khi trao đổi trên Tuổi trẻ cho rằng, chuyện hộ cận nghèo có nhà lầu là không thể chấp nhận và ở đây chắc chắn có việc trục lợi chính sách. Theo ông, sai như ở Thanh Hóa là lỗi buông lỏng quản lý của cấp xã.
Vị này đề nghị làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bình xét hộ có nhà lầu vẫn thuộc hộ cận nghèo, xử lý thật nghiêm những sai phạm kiểu này.
Gia đình ông Lê Văn Khánh (SN 1971, trú xóm 2, thôn Hạnh Phúc, xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) thuộc diện hộ cận nghèo, song đang ở ngôi nhà tiền tỷ sang trọng. Ông không ngần ngại chia sẻ với Vietnamnet, vợ chồng ông làm nghề thu mua hải sản, kinh tế khá giả, ngôi nhà được gia đình xây năm ngoái, trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng.
Ông nói, 2 năm nay gia đình mình được thôn, xã bình xét hộ cận nghèo, ngoài việc con cái được miễn giảm học hành thì vợ chồng tôi được vay ưu đãi khoảng 300 triệu để xây ngôi nhà. Bản thân ông Khánh thừa nhận gia đình không khó khăn, khi trưởng thôn đến vận động ký không nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước.
“Giả sử nhà tôi được bình xét hộ cận nghèo theo đúng tiêu chí, với gói hỗ trợ của Chính phủ, 4 khẩu của gia đình sẽ được nhận một số tiền lớn”, Vietnamnet dẫn lời ông Lê Văn Khánh.
Ngoài gia đình ông Khánh, thì theo Người lao động, gia đình bà Lê Thị Thọ (ngụ thôn Tu Mục 1, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), gia đình ông Lê Ngọc Lâm, gia đình ông Đoàn Đức Bình (cùng ở thôn Tu Mục 1) đều thuộc diện khá giả nhưng lại là hộ cận nghèo.
Cũng theo Người lao động, nhiều cán bộ chủ chốt của xã Thiệu Thành (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) có vợ, con “lọt” vào danh sách hộ cận nghèo. Cụ thể: các thành viên gia đình ông Hách Văn Thắng (Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Thành) gồm vợ, con trai, con dâu, cháu; các thành viên gia đình ông Nguyễn Quốc Cường (Chủ tịch MTTQ xã). Chưa hết, bà Nguyễn Thị Giảng (Bí thư Đoàn xã Thiệu Thành) có chồng và 2 con gửi vào hộ cận nghèo của gia đình khác.
UBND huyện Thiệu Hóa sau đó xác định 12 người không thuộc diện hộ cận nghèo, nhưng lại có tên trong danh sách hộ cận nghèo. Trong đó, có 8 người trong gia đình cán bộ xã, 4 người còn lại là người dân.
Nguồn trên thuật lại, khi PV hỏi, ông Hách Văn Thắng (Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Thành) từ chối trả lời, còn bà Giảng nói, năm 2015, cán bộ thôn đến nhà vận động bà vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo. Lúc đó, bà đã từ chối, nhưng chẳng hiểu vì sao bây giờ lại có mấy nhân khẩu nằm trong danh sách hộ cận nghèo của xã.
Nhà tầng to rộng, bề thế, nhưng vợ ông Thắng lại thuộc hộ cận nghèo, con trai, con dâu, cháu nội ông Thắng cũng nằm trong danh sách hộ cận nghèo. Ảnh: Người lao động
Về hướng xử lý của địa phương, ông Hoàng Văn Toản, Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa cho biết trên Zing.vn: “Huyện yêu cầu không tái cử cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 với ông Hách Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy; đưa ra khỏi nhân sự cấp ủy với ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Thiệu Thành và bà Nguyễn Thị Giảng, Bí thư đoàn xã để làm rõ trách nhiệm người vi phạm”.
Lộ chuyện “sáp nhập” các hộ nghèo để đủ điều kiện công nhận “nông thôn mới”
Cũng ở huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa), theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, tại thôn Thành Thường, xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa, nhiều hộ nghèo bị sáp nhập với các hộ nghèo khác để tỉ lệ hộ nghèo của thôn giảm xuống mức dưới 2,5%, nhằm đủ điều kiện công nhận “nông thôn mới”.
Ông Đào Hồng Quang (Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Thiệu Hóa) cho Tuổi trẻ online biết: “Sau khi phát hiện vụ việc 18 hộ nghèo ở xã Thiệu Thành bị sáp nhập vào các hộ nghèo khác, UBND huyện đã yêu cầu UBND xã này rà soát, thực hiện việc bình xét, lập danh sách và cấp sổ hộ nghèo theo đúng quy định của Nhà nước.
Phòng LĐ-TB&XH huyện đang tiếp tục làm rõ vụ việc này, đồng thời hướng dẫn chính quyền địa phương tách, đưa hộ nghèo nào về hộ nghèo đó. Sau khi tách sổ hộ nghèo đúng chủ hộ xong, phòng sẽ chi trả đầy đủ tiền hỗ trợ của Chính phủ cho người dân”.
Một thành viên trong Ban Chỉ đạo xây dựng thôn nông thôn mới của thôn Thành Thượng, xã Thiệu Thành cho biết trên Thanh niên online, để hoàn thành các tiêu chí của thôn nông thôn mới thì tỷ lệ hộ nghèo phải giảm xuống mức 2,5% trở xuống, trong khi hiện thôn Thành Thượng đang ở mức hơn 3%.
“Vì muốn đạt được tiêu chí hộ nghèo để thôn được công nhận thôn nông thôn mới, Ban Chỉ đạo xây dựng thôn nông thôn mới của thôn đã họp, và họ làm bằng cách “sáp nhập” hộ nghèo lại với nhau. Thôn đang có 27 hộ nghèo, thì đã sáp nhập lại còn 14 hộ, và đạt chỉ tiêu dưới 2,5% hộ nghèo. Vì thế, gia đình anh H. mới bị nhập vào hộ khác, để giảm số lượng hộ nghèo của thôn”, người này nói với PV Thanh niên.
Xã phải mời số người dân lên để cấp lại tiền hỗ trợ của gói 62.000 tỷ đồng
Nhiều ngày trước, thông tin 1.500 khẩu của huyện tĩnh Gia, Thanh Hóa đồng ý ký vào đơn không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã gây xôn xao dư luận.
Bất ngờ là sau đó, một số người dân xóm 2, thôn Hạnh Phúc, xã Hải Ninh, huyện Tĩnh gia, thuộc diện hộ cận nghèo nói rằng, đoàn của trưởng thôn xuống nhà vận động gia đình ký đơn không nhận số tiền hỗ trợ.
“Ông Ngân, Trưởng thôn còn nói nếu không đồng ý ký, xã sẽ về rà soát lại (đưa ra khỏi danh sách hộ cận nghèo – PV).
(…) “Nghe nói số tiền được hưởng lên đến gần 4 triệu đồng. Đây là số tiền lớn với người làm nghề tự do, đang còn phải lo ăn từng bữa như nhà tôi”, chị Nguyễn Thị Luyện (xóm 2, thôn Hạnh Phúc – thuộc diện hộ cận nghèo) nói với Vietnamnet.
Chủ tịch UBND xã Hải Ninh Lê Đình Phương sau đó cho báo giới biết, ông Lê Công Ngân (Trưởng thôn Hạnh Phúc) đã đến nhà một số hộ xin lỗi về việc vận động họ ký đơn không nhận tiền từ gói hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Theo Vietnamnet, ông Ngân thừa nhận do trình độ hạn chế nên mới làm như vậy. “Tôi biết việc làm của mình là sai nên đã hủy những lá đơn đó, đồng thời xin lỗi tới bà con”, ông nói.
Về sự việc này, ông Nguyễn Đình Xứng (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) thông tin với Tuổi trẻ, tại một số huyện như Thọ Xuân, Quảng Xương, Tĩnh Gia có tình trạng cán bộ xã tự ý in sẵn mẫu đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ. Thậm chí còn có nơi cán bộ thôn đến vận động người dân không nhận hỗ trợ.
“Sau khi nhận được phản ánh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã gửi công văn hỏa tốc đến các địa phương để chỉ đạo, chấn chỉnh. UBND tỉnh chỉ đạo cán bộ cơ sở tuyệt đối không được vận động người dân từ chối nhận hỗ trợ, kiên quyết xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm. Người dân nào không tự nguyện, phòng LĐ-TB&XH huyện và cán bộ UBND xã phải mời số người dân này lên xã để cấp lại tiền hỗ trợ”, nguồn trên dẫn lời ông Nguyễn Đình Xứng.
Liên quan nhiều hộ có kinh tế khá giả nhưng vẫn trong diện hộ cận nghèo, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH cùng với chính quyền các địa phương phải tiến hành rà soát ngay danh sách hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Nếu phát hiện hộ cận nghèo nào không đúng đối tượng sẽ đưa ra khỏi danh sách. Nếu phát hiện có sai phạm lớn, mang tính hệ thống tại các địa phương thì sẽ thành lập đoàn thanh tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Tổ Quốc Pháp luật , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment