Cập nhật tin tức nóng hổi

Hoàng đế Minh Mệnh và nguyên tắc suy đoán vô tội

Minh Mệnh là vị hoàng đế vĩ đại, nếu không muốn nói là vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. Thời của ông, nước ta không những có cương thổ rộng lớn nhất mà còn là quốc gia cường thịnh nhất châu Á lúc bấy giờ. Những di sản mà ông để lại cho đất nước là bất diệt. Địa giới các tỉnh với những tên gọi như chúng ta biết ngày nay cùng hệ thống phòng thủ biển đảo và các địa thế hiểm yếu về căn bản được xác lập từ thời Minh Mệnh. Điều đặc biệt là trong khi phần lớn các đế vương trong lịch sử thế giới đều coi mạng người như cỏ rác thì Minh Mệnh là một trong số rất ít những ông vua quan tâm đến thân phận của từng con người. Sự quan tâm này thể hiện rất rõ trong những chỉ dụ về hình pháp.

Chúng ta gần đây mới nói nguyên tắc suy đoán vô tội, coi đó là thành tựu văn minh của hình luật hiện đại, ít ai để ý rằng vua Minh Mệnh đã sớm áp dụng nguyên tắc này như một đạo lý tự nhiên.
Hoàng đế Minh Mệnh và nguyên tắc suy đoán vô tội
Năm Minh Mệnh thứ ba, vua sai xét các án tù, phát hiện có hai tử tội, một người tên Trần Tín có kêu oan được giao tra xét lại nhưng Bộ Hình nhầm nên vẫn đưa vào sổ thi hành án, một người là Lê Nhị được hoãn tử hình nhưng bỏ sót không biên vào sổ để xét. Hai viên quan chịu trách nhiệm đã tự phát giác xin chịu tội, đình thần xin giáng 4 cấp và điều đi nơi khác. Vua dụ, việc của Trần Tín và Lê Nhị may mà biết sớm nếu không thì người vô tội phải chết oan, kẻ có tội thì trộm sống, cái hại nói sao cho xiết. Trẫm nghĩ các ngươi sai phạm lần đầu sớm phát hiện, gia ơn giáng xuống một cấp giữ lại làm việc, từ nay nếu điềm nhiên không biết xấu hổ mà sửa sai, trẫm quyết không tha cho chúng mày.

Năm Minh Mệnh thứ năm, quan trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Văn Soạn dâng sớ xin chém ngay những bọn kẻ cướp hay người oa trữ đồ ăn cướp nếu bắt được, để những người tố cáo không bị kẻ cướp vu cáo lại gây phức tạp. Vua quở trách, lời của Nguyễn Văn Soạn chỉ muốn đem sự chém giết mà ra oai. Trẫm từ khi lên ngôi đến giờ, phàm điều đau khổ của dân không điều gì là không để ý. Một tỉnh Nghệ An liền mấy năm mất mùa, trẫm thường chẩn cứu mà ân trạch chưa khắp hết, chỉ vì quan giữ tỉnh ấy không biết vỗ về nhân dân, đến nỗi dân bị cùng túng mà làm nghề trộm cướp. Triều đình bất đắc dĩ phải trừng phạt những kẻ cố ý không biết hối cãi. Nếu không xét rõ kẻ có ý, kẻ nhầm lẫn, kẻ thủ phạm, kẻ a tòng, mà nhất loạt đem điều nghiêm ngặt ra mà thi hành, chẳng hóa ra coi mạng người như ngọn cỏ hay sao.

Lúc ấy có người lính thuộc vệ Cẩm y là Nguyễn Tử Bộ bị tố cáo giết người, khi tra xét dù không chịu tội nhưng Bộ Hình vẫn xin xử theo pháp luật. Vua cho đình thần bàn lại thì thủ phạm là người khác đến nhận tội, nỗi oan của Bộc được sáng tỏ. Vua dụ rằng, nếu như trẫm không xét mà y theo lời của Bộ Hình thì nỗi oan của Tử Bộc làm sao mà giải được.

Năm Minh Mệnh thứ sáu, vua sai xem xét bổ khuyết hình luật, nhân đó dụ rằng : Trẫm ngày đêm lo lắng, mong sao bảo toàn tính mệnh trăm họ, sợ các nhà xét phạt chưa thỏa đáng hết, cho nên văn án các nơi tâu lên, không bản án nào là ta không bình tâm, nín thở, suy xét kỹ càng, chỉ một chút nghi ngờ là không nỡ khép ngay vào pháp luật. Những trọng tù án tử Bộ Hình mang án lên, đều giao cho đình thần nghị luận, trẫm lại 3 lần mở ra xem xét, cố tìm ra lẽ cứu lấy sinh mạng. Gặp bản án có căn cứ xác thực không thể tha, trẫm cũng năm sáu lần xét đi xét lại, sao cho không còn chút nghi ngờ nào mới cho thi hành, cứ gì chỉ 3 lần xem xét.

Sự cẩn trọng của nhà vua không chỉ có vậy, ông còn phải nhắc nhở : “Gần đây hình án tâu lên, qua ngòi bút ta phê, Bộ Hình tuân hành ngay mà không tâu xét lại, làm như vậy không hợp với ý nghĩa thận hình (thận trọng việc hình ngục)”.

Các nhà làm luật có kế thừa truyền thống nhân văn của Bộ luật Hồng Đức của hoàng đế Lê Thánh Tôn, đó là điều rất tốt. Nhưng theo tôi, tư tưởng của hoàng đế Minh Mệnh “cố tìm ra lẽ để cứu sinh mạng” trong các án tử, ngày nay có lẽ không ai bằng. Một Nguyễn Thanh Chấn ở tù 10 năm mới được minh oan, không phải do điều tra lại mà do hung thủ ngẫu nhiên ra đầu thú. Một vụ Hồ Duy Hải, oan hay không thì chưa biết, nhưng ba cấp xét xử không chỉ “một chút” nghi ngờ mà hàng loạt các vi phạm tố tụng khiến người ta nghi ngờ nhưng vẫn y án. Minh Mệnh mà tái thế, chắc ông sẽ bảo, "nếu điềm nhiên không biết xấu hổ mà sửa sai, trẫm quyết không tha cho chúng mày" 😜

P/s : Lời vua Minh Mệnh dẫn từ Đại Nam thực lục và Minh Mệnh chính yếu. Trong sách Minh Mệnh chính yếu có tổng hợp các câu chuyện và chỉ dụ về hình pháp thành 2 thiên Thận Hình (thượng) và Thận Hình (hạ), ai quan tâm có thể tìm đọc thêm.
---
Thông tin từ nb Hoàng Hải Vân , ,

No comments:

Post a Comment