Cập nhật tin tức nóng hổi

Hôm nay sẽ chính thức ra mắt “siêu ủy ban” quản lý 1,5 triệu tỷ đồng

Ngày 30/9, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. “Siêu ủy ban” sẽ chịu trách nhiệm quản lý vốn Nhà nước tại 19 đơn vị gồm 7 tập đoàn, 12 tổng công ty. Đứng đầu danh sách là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

“Siêu uỷ ban” quản lý 1,5 triệu tỷ đồng có có cấu nhân sự gồm 1 chủ tịch và 1 phó chủ tịch. Trong buổi ra mắt ngày hôm nay, Thủ tướng sẽ chính thức trao quyết định bổ nhiệm Phó Chủ tịch cho bà Nguyễn Thị Phú Hà. Bà Hà hiện đang là Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bà Nguyễn Thị Phú Hà sinh năm 1972, quê ở Hà Tĩnh và có trình độ tiến sĩ kinh tế. Bà đã công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư được 21 năm.
Ông Nguyễn Hoàng Anh
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng giữ chức Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng giữ chức Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Cơ quan này sẽ tuyển dụng đủ 150 biên chế trong năm 2019.

Xem thêm: Thứ trưởng Bộ Công thương: Giá điện tăng mạnh trong năm 2019

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cho biết, khối lượng công việc cho việc chuẩn bị thành lập Ủy ban rất nhiều. Trong đó, một số công việc chính đã cơ bản hoàn thành. Cụ thể, đã cơ bản kiện toàn nhân sự, tổ chức của Ủy ban, trong đó Lãnh đạo Ủy ban ban đầu gồm 1 đồng chí Chủ tịch và 1 đồng chí Phó Chủ tịch. Đảm bảo cán bộ cho hoạt động theo đúng Đề án thành lập báo cáo Bộ Chính trị, Dự thảo Nghị định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và biên chế được Bộ Nội vụ thống nhất theo quy định.

Ngoài ra, cơ bản hoàn thành hệ thống các quy chế nghiệp vụ và quản trị nội bộ để đảm bảo hoạt động Ủy ban ngay sau khi ra mắt.

Đồng thời, hoàn thành xây dựng chuẩn bị kế hoạch hoạt động, xây dựng hệ thống thông tin hiện đại cho quản trị doanh nghiệp. Theo đó, Ủy ban sẽ áp dụng các tiêu chí quản trị hiện đại trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhằm tăng cường tính minh bạch, kịp thời, hiện đại theo xu thế cuộc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Thêm vào đó, Ủy ban cũng chủ động trong công tác chuẩn bị trụ sở, trang thiết bị làm việc và bước đầu đẩy mạnh hợp tác quốc tế hướng chuyên nghiệp.

Chính phủ mới đây ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ; được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật. Ủy ban có tên giao dịch quốc tế tiếng Anh viết tắt là CMSC.

Cơ cấu tổ chức của “siêu ủy ban” gồm: Vụ Nông nghiệp; Vụ Công nghiệp; Vụ Năng lượng; Vụ Công nghệ và hạ tầng; Vụ Tổng hợp; Vụ Pháp chế, kiểm soát nội bộ; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng; Trung tâm thông tin.



Nguồn Baodansinh , ,

No comments:

Post a Comment