Với chi phí tăng thêm của ngành điện quá lớn, giá mặt hàng này có thể sẽ được điều chỉnh vào năm sau.
Xem thêm: ‘Chúng ta cứ hì hục gỡ đinh tự đóng rồi coi là thành tích’
Cơ sở của việc xem xét điều chỉnh, theo ông Hải, do tổng chi phí bị “đội” lên năm 2018 và 2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khoảng 20.735 tỷ đồng. “Với tổng chi phí tăng thêm này sẽ dẫn đến có thể phải xem xét điều chỉnh giá điện bán lẻ điện trong năm 2019 theo quy định tại Quyết định số 34/2017″, ông Hải nói.
Công nhân ngành điện kiểm tra công tơ dùng điện của các hộ gia đình.
Diễn giải cụ thể hơn, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, tổng chi phí phát sinh nêu trên gồm cả năm 2018 và 2019. Trong đó, năm 2018 chi phí tăng thêm trong cơ cấu tính giá điện khoảng 5.483 tỷ đồng, gồm chênh lệch tỷ giá năm 2017 là 3.071 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ và giá khí trong bao tiêu theo thị trường tăng thêm 1.910 tỷ.
Năm 2019, ngành điện ước tính phát sinh chênh lệch tỷ giá năm 2018 là 3.516 tỷ, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ, giá khí bao tiêu thực hiện theo thị trường năm 2019 tăng thêm khoảng 10.500 tỷ đồng… Tổng chi phí đội lên năm 2019 sẽ là 15.252 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn khoản chênh lệch tỷ giá treo lại từ năm 2015 dự kiến phân bổ cho năm 2019 khoảng 734 tỷ đồng.
Ông Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, cơ quan này đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Cục Quản lý giá và Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)… kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN.
Sau khi kết thúc, nếu có biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối – bán lẻ điện, điều hòa – quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành, sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo việc điều chỉnh giá điện năm 2019.
Đợt tăng giá bán lẻ điện gần nhất là 1/12/2017. Theo đó, mỗi kWh điện tăng lên mức 1.720,65 đồng (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 6,08% so với trước đó.
Cũng tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ – Trưởng Ban chỉ đạo đánh giá công tác quản lý, điều hành giá tháng 9 và 9 tháng năm 2018 đã “bám sát thực tiễn và tăng tính dự báo, chủ động”. Với mức tăng GDP 9 tháng 6,98% và lạm phát được kiểm soát tốt, góp phần củng cố nền tảng vĩ mô.
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp, ông yêu cầu các bộ, ngành điều hành “không để xảy ra lạm phát kỳ vọng, mục tiêu giữ lạm phát của năm 2018 ở khoảng 3,7% – 3,95%”.
Với xăng dầu, Phó thủ tướng yêu cầu liên bộ Tài chính – Công thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá thế giới, sử dụng Quỹ bình ổn giá hợp lý trên cơ sở Nghị định 83/2014, để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến CPI nói chung. Trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng cao đột biến và tỷ giá tăng cao, có thể sử dụng Quỹ bình ổn giá và ngừng trích lập quỹ. Các bộ cũng cần sớm nghiên cứu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng sinh học E5 RON 92.
Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đánh giá, trình Chính phủ kịch bản điều hành của năm 2019 với mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4% và lưu ý đến 3 loại tác động là giá cả thị trường thế giới, điều hành của nhà nước và yếu tố thiên tai.
Nguồn VTC Kinh tế , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment