Cập nhật tin tức nóng hổi

Nực cười chuyện tỉnh Lâm Đồng định cản báo chí, che mắt thiên hạ

Báo chí được coi là quyền lực thứ tư, sau ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cái vị trí thứ tư ấy thể hiện mức độ, tầm quan trọng của báo chí đối với đời sống xã hội của một quốc gia. Quyền lực thứ tư này có thể bị quản lý, kiểm soát bởi 3 quyền lực trên nhưng tuyệt nhiên không bao giờ có thể bị ngăn cản, làm sai lệch…
Rừng phòng hộ ở Lâm Đồng bị tàn phá
Hình ảnh: Rừng phòng hộ ở Lâm Đồng bị tàn phá mà Sở Nông nghiệp phủ nhận là không

Những ngày qua, tờ báo Người Lao động liên tục có loạt bài phóng sự về vấn đề rừng phòng hộ tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng bị lâm tặc băm nát, phá tan lấy lỗ, khoanh vùng đất canh tác. Chuyện sẽ được giải quyết nhanh thôi nếu cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc kịp thời để cứu rừng, truy bắt kẻ phạm pháp. Vậy mà, hàng loạt hành động sau đó của chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng lại cho người ta thấy sự phẫn nộ.

Một mặt, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng đã có công văn gửi Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh “đề nghị xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí” với tờ báo Người Lao động vì cho rằng họ đã đăng tin sai sự thật về tình trạng rừng ở Lâm Đồng. Mặt khác, lực lượng chức năng thuộc nhiều ban, ngành đã tới hiện trường để ngăn cản phóng viên đến hiện trường tác nghiệp.

Xem thêm: “Ra giá” 100 triệu đồng để làm CMND: Chỉ nói chơi để dân sợ?

Không chịu bỏ cuộc, liên tục đưa ra những bằng chứng sắt đáng từ hình ảnh, clip đến thông tin người dân địa phương cung cấp, tờ báo Người Lao động đã đem đến cho dư luận những thông tin chân thực nhất, buộc chính quyền tỉnh Lâm Đồng sau đó phải tiếp thu, nhận giải quyết vụ việc.

Ngăn cản báo chí: một hành động ngu ngốc!

Ở đây, chúng ta phải tách biệt với những vụ án phạm tội đang trong quá trình điều tra. Trong trường hợp ấy, có những vụ án cần phải bảo mật thông tin để nhanh chóng truy bắt thủ phạm, ngăn cản người phạm tội bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ, đề phòng người có liên quan bị sát hại,… Tình huống này thì báo chí không nên và cũng sẽ không được phép đi sâu vào những vấn đề cụ thể của vụ án.

Ngược lại, với tất cả những vấn đề thời sự khác, báo chí hoàn toàn có quyền tiếp cận thông tin, đăng tải thông tin để phục vụ nhu cầu thông tin của toàn xã hội.

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tính tới tháng 6/2017, cả nước có 982 cơ quan báo, tạp chí được cấp phép hoạt động. Với một số lượng lớn và không ngừng tăng lên, thực sự để ngăn cản được báo chí tiếp cận thông tin, phản ánh thông tin là điều khó hơn lên trời. Gần 1 nghìn tờ báo, mỗi tờ báo có hàng chục phóng viên, và số lượng đông đảo các cộng tác viên làm thêm. Tức, chúng ta có hàng trăm nghìn tai, nghìn mắt phỉ rộng khắp các địa phương trên cả nước, sẵn sàng ghi lại chân thực từng thông tin dù nhỏ nhất, chi tiết nhất.

Chưa hết, với sự phát triển của Internet thì mỗi người dân cũng đều có thể trở thành một phóng viên bất cứ lúc nào, chỉ một dòng tin đăng lên mạng xã hội cũng có thể được lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Với tình hình ấy, nếu muốn ngăn cản báo chí, người dân tiếp cận với một vụ việc nào đó quả là “khó hơn lên giời”. Cơ quan chức năng có bao nhiêu ban ngành, có bao nhiêu nhân lực, làm sao che hết được tai mắt của báo chí, làm sao có thể cản đường thông tin được đăng tải?

Quay về với vụ việc phá rừng ở Lâm Đồng, người dân địa phương khẳng định là rừng bị phá, hình ảnh, video clip ghi lại được là cây rừng bị chặt hạ,… Thế mà chính quyền địa phương lại nói không, cử lực lượng ngăn cản báo chí tác nghiệp. Xin lỗi phải nói thẳng, hành động ngăn cản ấy quả thực hết sức ngu ngốc!

Liệu có nhóm lợi ích nào đứng sau?

Sau khi báo Người Lao động theo sát sự việc phá rừng đến cùng, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trả lời rằng: “Rất cảm ơn phóng viên, nhà báo đã thông tin để anh em tăng cường chỉ đạo trong công tác quản lý xử lý vụ việc”. Ông Sơn cho biết thêm công văn gửi Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng trước đây yêu cầu xử lý báo chí cung cấp sai sự thật là do ông Thiên, cấp phó thực hiện chứ ông không nắm.

Vâng, cấp phó làm việc mà cấp trưởng không hề hay biết thì không biết là nên trách tội ai đây? Chắc là nên phạt cả hai.

Chung quy lại vấn đề, rừng bị phá là thật, báo chí bị ngăn cản là thật. Rõ ràng là phía sau có những người đã từng cố tình bao che kẻ phá rừng. Đương nhiên, việc bao che nhằm những lợi ích mà chỉ có họ mới có thể trả lời cho chúng ta biết.

Dù thế, bất kể là lợi ích vật chất, phi vật chất,… hay là gì đi nữa thì kẻ phá rừng vẫn cần phải bị truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Những cá nhân muốn bao che, có ý định bao che cho kẻ phạm tội trước hết phải chịu xử lý kỷ luật của đơn vị. Sau đó, tùy từng mức độ vụ việc mà tính đến xử lý hành chính, xử lý hình sự tương đương.

Còn bắt đầu từ đâu, xin thưa là cứ bắt đầu từ công văn khẳng định không có hiện tượng phá rừng trước đây mà lần lượt truy ra hết cái nhóm lợi ích “bảo kê” bọn phá rừng. Ông Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng ký công văn thì đương nhiên là ông ấy biết và phải chịu trách nhiệm đầu tiên rồi!

Nguồn Tonghop , ,

No comments:

Post a Comment