Chiều ngày 27/9, một thanh sắt lớn từ công trình đang thi công trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội rơi xuống đường khiến 1 người phụ nữ tử vong, một người khác nguy kịch và 3 xe máy bị hư hỏng nặng. Đúng giờ đường phố đông đúc, chỉ đi trên đường mà cũng gặp họa từ trên trời rơi xuống. Chẳng hiểu cuộc sống ngay chốn Thủ đô còn gì để an toàn nữa?
Hình ảnh: Hiện trường vụ tai nạn trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội
Ở Hà Nội ngày nay có gì nhỉ? Mỗi sớm bạn thức dậy phải đối mặt với bụi siêu mịn, tắc đường, khói xe,… Đã căng thẳng sợ giao thông đông đúc có thể gây tai nạn thì giờ người ta còn phải lo lắng không biết có công trình nào thi công ẩu, gây mất an toàn do vật liệu rơi hay không. Chưa hết, về đến nhà thì người ta vẫn phải đối mặt với nỗi lo mất nước sạch, an toàn cháy nổ nhà chung cư bị coi thường. Cuộc sống của người dân Hà Nội lúc này có khi đã chỉ gói gọn trong hai chữ “tồn tại”, chẳng biết ngày mai thế nào.
Chẳng lẽ, cứ phát triển, cứ đô thị hóa thì người dân phải đối mặt với sự nguy hiểm, mối đe dọa tăng cao hay không? Chắc chắn là không rồi, chẳng qua người ta làm ẩu, làm với sự vô trách nhiệm nên thành ra như thế thôi.
Tin liên quan: Rơi vật liệu xây dựng từ nhà cao tầng trên phố Hà Nội, một cô gái trẻ chết thương tâm
Bao nhiêu người chết nữa thì mới có an toàn?
Vụ việc ngày 27/9 không phải là lần đầu tiên xảy ra mất an toàn công trình xây dựng ở Hà Nội với hệ thống giao thông. Năm 2014, dự án đường sắt trên cao tuyến Cát linh – Hà Đông trong lúc đang thi công đã để xảy ra sự cố một thanh thép lớn rơi xuống đường gây tử vong tại chỗ một sinh viên đang lưu thông trên đường. Năm 2015, cũng dự án đường sắt trên cao nhưng ở tuyến Nhổn – ga Hà Nội đã xảy ra vụ việc một thanh sắt rơi xuyên thủng ô tô, rất may là không có thiệt hại về người.Như thế, thanh sắt rơi ngày 27/9 đã là lần thứ 3 có hiện tượng sắt, thép rơi từ các công trình đang xây dựng xuống đường giao thông. Lần thứ nhất người ta nói rút kinh nghiệm, lần thứ hai người ta nói rút kinh nghiệm sâu sắc. Tôi vẫn chưa hiểu lần thứ ba này thì các cơ quan chức năng và doanh nghiệp xây dựng sẽ rút kinh nghiệm ở mức độ nào nữa đây?
Nói thế này, công trình xây dựng đang thi công phải bảo đảm được các quy chuẩn an toàn cho công nhân thì mới được tiến hành xây dựng. Thêm vào đó, nếu công trình xây dựng cạnh hệ thống đường giao thông thì phải đáp ứng thêm tiêu chuẩn an toàn đối với hệ thống giao thông. Ít nhất, công trình xây dựng đó phải có hệ thống che, chắn ngăn cản vật liệu rơi tự do. Đồng thời, phải đáp ứng đầy dủ các tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Người ta hay nói “cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp”. Như thế có nghĩa là, nếu không bảo đảm được an toàn với những người xung quanh thì phải chăng chúng ta không nên xây dựng bất cứ một công trình nào nữa. Mạng sống của con người là quan trọng nhất mà.
Chẳng biết tiếng nói của tôi có nhỏ bé quá hay không, nhưng dù là không lớn, tôi vẫn phải nói, để xin mấy cơ quan ban ngành hãy thôi rút kinh nghiệm mà bắt tay vào giải quyết vấn đề đi. Đi kiểm tra, thanh tra hàng loạt các công trình là việc định kỳ hàng tháng của các vị nhưng có công trình nào bị buộc phải dừng thi công để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn hay chưa? Đi kiểm tra, thanh tra nhưng các vị có kiểm tra đến phương án bảo đảm an toàn thi công công trình hay chưa.
Phải chăng, việc thanh tra, kiểm tra của các vị chỉ là đến để nhìn, nhìn rồi yêu cầu doanh nghiệp “đi cửa sau” cho qua chuyện mà thôi?
Mạng người mất đi như thế kia đau xót quá rồi, nguy hiểm rình rập ngay trên đầu người dân đang hiện hữu như thế rồi… Bao nhiêu người chết nữa mới đủ, bao nhiêu lời cầu xin, kêu gào nữa mới được đây?
Tiêu diệt lối mòn?
Nếu sự việc mất an toàn thi công công trình xảy ra nhiều năm thì việc quản lý phải được nhìn nhận là bị “đi theo lối mòn”. Nguyên nhân của nó chẳng chạy đâu xa ngoài việc người quản lý trách nhiệm chưa cao, làm việc chưa quyết tâm, chưa làm đến cùng. Cùng đó, những nhà thầu xây dựng lại chỉ biết chăm chăm vào lợi ích, không suy nghĩ đến an toàn cho người khác.Muốn phá bỏ lối mòn ấy thì tuyệt nhiên người quản lý phải nắm vai trò chủ đạo trong việc thay đổi. Trực tiếp ở đây là lãnh đạo các cơ quan, ban ngành có liên quan đến vấn đề xây dựng, giao thông, đầu tư. Nếu các cán bộ lãnh đạo ấy không chỉ đạo, giám sát hoạt động của các nhà thầu xây dựng trong thành phố thì sao có thể kiểm soát được tình trạng hoạt động của các nhà thầu. Không bị kiểm soát thì lại chính là điều kiện để các nhà thầu chỉ biết chăm chăm vào lợi ích vật chất, bỏ qua hoặc coi thường, chà đạp lên tính mạng người khác.
Tiếp đến, chính việc quản lý sẽ dẫn đến việc chọn nhà thầu xây dựng tốt, chọn được dự án tốt. Dự án tốt không phải chỉ là dự án phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả khai thác. Dự án tốt còn phải là dự án đề cao, bảo vệ được quyền lợi chính đang của nhân dân. Nhà thầu tốt không phải chỉ là nhà thầu mang lại giá rẻ, nhà thầu tốt còn phải là nhà thầu có tâm, có đạo đức…
Những ai có trách nhiệm, hẳn là đọc đến đây họ đã hiểu trách nhiệm của mình. Cuối cùng vẫn chỉ là xin hai chữ “lương tâm” mà thôi.
Nguồn Butdanh Giao thông , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment