“Chỉ là nhân viên của chợ sao họ làm được vậy? đây là sự thờ ơ, buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng…” – Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn – PGĐ Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm khẳng định.
Liên quan vụ “bảo kê” tại chợ Long Biên, Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) đã có những nhận xét về vụ việc.
Tin liên quan: Hé lộ về ‘ông trùm quyền lực ngầm’ khiến tiểu thương chợ Long Biên khiếp sợ
Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm “Là một nhân viên của Ban quản lý chợ Long Biên thôi, tại sao họ làm được vậy, trước hết là sự thơ ơ vô trách nhiệm buông lỏng quản lý của chính những cơ quan quản lý. Hoạt động của các cơ quan chức năng liên quan việc phát hiện xử lý là không kịp thời, những người quản lý đảm bảo an ninh ở đó, các lực lượng chức năng vô trách nhiệm, thiếu trách nhiệm.
Thậm chí phía sau đó có các vấn đề tác động mang tính tiêu cực. Đôi khi chính các đối tượng đấy khống chế ngược lại những người quản lý?” – Đại tá Thìn đặt nghi vấn.
Nói về hành vi phạm tội của các đối tượng, Đại tá Thìn khẳng định: “Với hành vi đó, bằng tất cả sự nhận thức của chúng ta, tôi cho rằng có dấu hiệu rất rõ của tội “Cưỡng đoạt tài sản” đã được quy định trong Bộ luật hình sự. Hành vi này thể hiện bằng việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực và các thủ đoạn khác để bắt buộc những người có trách nhiệm liên quan đến mình nhằm chiếm đoạt tài sản”.
Hình ảnh đối tượng thu tiền tại chợ Long Biên
Khi đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì hành vi của các đối tượng trong nhóm “bảo kê” chợ Long Biên được quy định trong Bộ luật hình sự có hình phạt nghiêm khắc, có thể lên đến 20 năm tù.
Nhắc lại những vụ việc xảy ra trước đó như Khánh “trắng”, Phúc “bồ” hay Năm Cam, Đại tá Thìn cho rằng phương thức thủ đoạn của các băng nhóm này đều là dùng vỏ bọc bên ngoài để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, đem lại lợi ích cho cá nhân, cho một nhóm nào đó bằng hành vi bất hợp pháp.
Đây là dấu hiệu của “bảo kê”, là những hành vi mầm mống để hình thành tổ chức tội phạm từ thấp đến cao. Khi đã thành tổ chức tội phạm “bảo kê”, thì không những gây thiệt hại, mất an ninh trật tự trên điện bàn mà còn làm hỏng bộ máy chính quyền tại nơi cơ sở.
Hưng “kính” và các đàn em trong một buổi giao ban
Khi được hỏi vì sao đến khi báo chí vào cuộc, hoạt động “bảo kê” ở chợ Long Biên mới bị phát hiện. Vậy trước đó trách nhiệm của cơ quan chức năng thế nào? Đại tá Thìn nhận định: “Thực ra nếu như cán bộ, những người có trách nhiệm gần dân lắng nghe dân tất cả mọi thứ đều biết. Ban quản lý chợ chẳng hạn, họ ở hàng chục năm có thể thuộc các tiểu thương, đời sống, quan hệ, đi lại chắc chắn chứ không phải chỉ những anh thu tiền này. Nếu lắng nghe, mọi thông tin vấn đề từ tích cực, tiêu cực sẽ đều nắm được, chuyện này sẽ không xảy ra”.
Còn việc Hưng “kính”, người đứng đầu nhóm bốc xếp có hoạt động “bảo kê” tại chợ Long Biên, liên tục khoe khoang mối quan hệ với công an vì đóng góp công sức trong việc triệt phá băng nhóm Khánh “trắng”, khiến ông trùm này phải đối diện án tử hình. Liệu việc này có ảnh hưởng gì đến các quyết định của cơ quan điều tra hay không? Ông Thìn cho biết, việc này hoàn toàn không liên quan bởi trách nhiệm đấu tranh phòng chống, tố cáo tội phạm là của mọi người dân. Ai có công sức đóng góp đều có khen thưởng, khuyến khích, vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi. Luật pháp rõ ràng phạm tội đến đâu xử lý đến đó.
“Trong thời gian qua, có một số người tham gia cung cấp thông tin, tạo vỏ bọc lòe người khác tạo sự che chắn cho hành vi vi phạm nghiêm trọng hơn. Đó là điều chúng ta cần phải cảnh giác” – Đại tá Thìn lưu ý.
Nguồn Phunuonline Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment