Cập nhật tin tức nóng hổi

Giá lợn hơi tăng do nguồn cung giảm

Giá lợn hơi cao bất hợp lý trên 50.000 đồng/kg tiếp tục kéo dài sẽ tạo ra những hệ lụy không thể lường trước, đặc biệt nguy cơ việc xâm nhập của thịt lợn nhập khẩu kéo theo nguy cơ dịch bệnh.
Giá lợn hơi tăng do nguồn cung giảm
Giá lợn hơi cao bất hợp lý trên 50.000 đồng/kg tiếp tục kéo dài sẽ tạo ra nhiều hệ lụy

Giá thịt lợn hạ nhiệt hơn

Theo ghi nhận, so với thời gian trước, giá lợn hơi đã giảm khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg tại nhiều địa phương trên cả nước, tập trung nhiều ở khu khu vực miền Trung và miền Nam. Giá lợn tại miền Bắc cũng ghi nhận giảm xuống còn 45.000 - 51.000 đồng/kg. Riêng tại khu vực ngoại thành Hà Nội, giá lợn hơi hầu hết đều trên 50.000 đồng/kg. Giá thịt hơi tăng mạnh thời gian qua khiến một số hộ chăn nuôi ở ngoại thành Hà Nội bắt đầu tái đàn phát triển chăn nuôi. Miền Trung và Tây Nguyên ghi nhận giảm tới 2.000 đồng/kg xuống mức trung bình 49.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Nam giảm 1.000 - 2.000 đồng ở một số nơi xuống 51.000 - 53.500 đồng/kg.

Với mức giá lợn trên 50.000 đồng/kg như hiện nay, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhận định doanh nghiệp và các hộ dân đang được hưởng mức lợi nhuận lên tới khoảng 20.000 đồng/kg.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Giá lợn hơi cao bất hợp lý trên 50.000 đồng/kg tiếp tục kéo dài sẽ tạo ra những hệ lụy không thể lường trước, đặc biệt nguy cơ việc xâm nhập của thịt lợn nhập khẩu kéo theo nguy cơ dịch bệnh”.

Bộ trưởng cũng cảnh báo trước mắt người dân và doanh nghiệp được hưởng lãi lớn, nhưng trước mức giá chênh lệch, thịt lợn ngoại sẽ ồ ạt nhập vào Việt Nam. Các hộ, trang trại chăn nuôi ồ ạt mở đàn, thịt lợn lại rơi vào cảnh dư thừa, rớt giá. Nếu không kịp thời xử lý, ngành chăn nuôi lợn lại một lần nữa rơi vào khủng hoảng thừa.

Nên giảm chăn nuôi nhỏ lẻ

Lý giải về giá thịt lợn hơi trên thị trường tăng mạnh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Hà Tiến Nghi cho rằng, do nhiều trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ treo chuồng bởi thua lỗ trong thời gian dài khiến nguồn cung giảm. Ngoài ra, do chi phí thức ăn, con giống tăng… đã đẩy giá thành nuôi lợn lên cao. Giá thịt lợn hơi xuất chuồng tăng quá cao và diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ cân đối cung - cầu ngành hàng thịt lợn.

Còn theo ông Đặng Viết Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, sau đợt giảm giá thịt lợn hơi trong năm 2017, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã phá đàn do không gánh được thua lỗ hoặc chuyển sang ngành nghề khác. Hiện các trang trại mới phục hồi chăn nuôi, nguồn cung giảm khiến giá thịt lợn trên địa bàn huyện tăng mạnh.

Để ổn định tình hình, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề nghị các địa phương tiếp tục khuyến khích chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường... Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, trước mắt các địa phương khuyến cáo cơ sở chăn nuôi cần thận trọng khi thực hiện việc tái đàn và tăng đàn lợn trong giai đoạn này. Các trang trại chỉ tái đàn khi đã có kế hoạch tiêu thụ sản phẩm ổn định, xuất bán lợn đúng tuổi, đúng trọng lượng, không đầu cơ găm hàng chờ giá tăng. Các cơ sở chăn nuôi cần chú trọng đầu tư giống tốt, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, hạ giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm…

Về lâu dài, ngành chăn nuôi của Hà Nội sẽ tập trung thực hiện theo quy hoạch gắn với phát triển theo xã, vùng trọng điểm, trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư. Các địa phương hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, cân đối cung - cầu, hài hòa lợi ích. Chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông nhằm từng bước thay đổi thói quen sử dụng thịt nóng giết mổ không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ở góc độ người sản xuất, ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đề nghị, trong ngắn hạn, các ngành chức năng nên để giá thịt lợn hơi vận động theo quy luật cung - cầu của thị trường. Tuy nhiên, về lâu dài, các cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên cập nhật thông tin thị trường trong nước và thế giới để có giải pháp điều tiết phù hợp, nắm bắt tình hình cung - cầu, tránh hiện tượng sốt giá ảo, cục bộ, ảnh hưởng chung tới ngành chăn nuôi lợn.

Nguồn Congluan
,

No comments:

Post a Comment