Hàng loạt những “cục sạn” liên tiếp xuất hiện trong 10 tập phim đầu tiên, ekip làm phim đã thể hiện sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng về Quân đội Việt Nam có thể dẫn đến những hiểu lầm tai hại về lực lượng này.
Bắt đầu từ ngày 29/9, bộ phim truyền hình “Hậu duệ mặt trời” phiên bản Việt đã chính thức lên sóng. Đây là bộ phim truyền hình được “remake” từ bản gốc của Hàn Quốc từng làm giới trẻ mê mệt 2 năm trước.
Theo thông tin truyền thông, quá trình đoàn làm phim “Hậu duệ mặt trời” Việt Nam đã nghiên cứu và làm việc với các đơn vị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, bối cảnh và nhiều tình huống trong phim đã được thay đổi để phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các đơn vị, đồng thời gần gũi hơn với bối cảnh thực tế của nước ta.
Tuy nhiên, hàng loạt những “cục sạn to đùng” liên tiếp xuất hiện trong 10 tập phim đầu tiên vừa được trình chiếu cho thấy, ekip làm phim đã thể hiện sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng về Quân đội Việt Nam và điều này có thể dẫn đến những hiểu lầm tai hại về quân đội cũng như hình ảnh cao quý của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong phòng họp, có những sĩ quan mặc quân phục mùa đông, lại có những sĩ quan mặc áo ngắn tay mùa hè.
Không quá khó để một người bình thường (không phục vụ trong quân đội) cũng có thể chỉ ra nhiều chi tiết như vậy. Ví dụ, ngay trong cảnh đầu tiên của một phòng họp, có những sĩ quan mặc quân phục mùa đông, lại có những sĩ quan mặc áo ngắn tay mùa hè.
Lực lượng “đặc nhiệm” của cảnh sát biển không dùng bình hơi, không ngậm ống thở, nhưng lại có thể lặn dưới biển để tiếp cận tàu bị cướp. Khi đột nhập lên tàu, các “cảnh sát biển” không sử dụng súng, nhưng lại đeo bao đạn trước ngực, và đội mũ A2 (mũ nhựa cứng, dùng cho huấn luyện).
Các chiến sĩ “đặc nhiệm” bôi mặt đen để ngụy trang, nhưng lại đội mũ, đeo sao sáng lấp lánh (đúng ra, khi tác chiến bí mật, tiềm nhập mục tiêu, lính đặc công phải quay ngược mũ lưỡi trai để úp ngôi sao quân hiệu vào trong, lộn cổ áo hoặc bỏ không đeo quân hàm kết hợp). Tổng thể những chi tiết ấy, khiến cho người xem chỉ cần có một chút hiểu biết về quân sự, sẽ cảm thấy kệch cỡm, khó chịu khi xem phim.
Tướng Phan Minh, cha của Minh Ngọc đeo quân hàm Chuẩn đô đốc hải quân (tương đương thiếu tướng) nhưng lại được gọi là “Đô đốc” (tương đương cấp Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Đoàn phó Hồng Thái đeo quân hàm Thiếu tá, nhưng lại được gọi là Trung tá (tập 10).
Ngay cả những động tác cơ bản nhất của một quân nhân cũng bị dàn dựng sai: Động tác nghiêm – nghỉ – chào theo điều lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam bị thay thế bằng động tác đứng chào “chắp tay, dang chân, ưỡn ngực” theo kiểu Hàn Quốc.
Động tác chào như vậy có thể oai, và khoe được cơ bắp của các diễn viên để hấp dẫn các khán giả nữ, nhưng hoàn toàn không phải động tác theo điều lệnh của một người lính quân đội nhân dân. Thay vì việc chào cờ theo hàng ngũ đúng điều lệnh, ở tập 7, đạo diễn để các diễn viên đóng vai quân nhân chào cờ một cách “tình cờ” khi đang ăn uống một cách hết sức tùy tiện.
Các khẩu lệnh, thuật ngữ được sử dụng cũng chưa chuẩn: Quân đội nhân dân Việt Nam duy trì chế độ sẵn sàng chiến đấu thường xuyên, tăng cường, cao, chứ không có “chế độ phòng thủ cấp 2” như trong phim.
Trong biên chế của Cảnh sát biển và Bộ đội biên phòng có lực lượng đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy, chứ không phải “lực lượng phòng chống tội phạm” như lời thoại của các nhân vật.
Sự cứng nhắc trong chuyển thể kịch bản cũng góp phần làm cho hình ảnh người lính Quân đội nhân dân Việt Nam trở nên xa lạ với thực tế. Khi chuyển thể kịch bản “Hậu duệ mặt trời” sang tiếng Việt, các tác giả kịch bản cũng “phiên” luôn quân hàm của Đội phó Bảo Huy là thượng sĩ (giống như thượng sĩ Seo Dae Young, đội phó của Đại úy Yoo Si Jin).
Trừ “đại úy Duy Kiên”, các thành viên của đội đặc nhiệm NH-1 cũng mang quân hàm hạ sĩ quan. Tuy nhiên, ở các đội đặc nhiệm của Quân đội nhân dân Việt Nam, các chiến đấu viên thường sẽ mang quân hàm sĩ quan cấp úy.
Đây là điểm khác biệt giữa hệ thống quân hàm của Việt Nam và Hàn Quốc: các hạ sĩ quan chuyên nghiệp về tác chiến trong những đơn vị đặc nhiệm sẽ không phát triển theo ngạch chỉ huy – tham mưu, và do đó sẽ chỉ mang cấp hàm hạ sĩ quan (dù mức đãi ngộ theo thâm niên công tác có thể cao hơn cả sĩ quan). Tuy nhiên, ekip làm phim đã không đủ tinh tế để nhận ra điều này.
Cần nhớ rằng: Bối cảnh của “Hậu duệ mặt trời” là ở đất nước giả định Uruk, nơi các quân nhân Hàn Quốc hoạt động trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Trên đất nước giả định đó, người xem có thể dễ dàng chấp nhận sự bất ổn của một quốc gia đang phải cầu viện đến lực lượng gìn giữ hòa bình.
Còn bối cảnh của phiên bản Việt Nam lại là trên lãnh thổ Việt Nam, với người lính Việt Nam. Việc “sao y bản chính” kịch bản Hàn Quốc vào bối cảnh Việt Nam, dẫn đến phát sinh nhiều tình huống vô lí.
Điển hình là ở tập 1, đội đặc nhiệm hải quân nước Đi-men tiến vào vùng lãnh hải của Việt Nam để giải cứu tàu bị cướp biển mà không hề xin phép, thậm chí còn đụng độ với lực lượng chấp pháp Việt Nam. Về nguyên tắc, việc này có thể phát sinh một scandal ngoại giao tầm cỡ quốc tế, kể cả khi chưa có đổ máu.
Hay ở tập 10, việc các vệ sĩ của một tài phiệt nước ngoài mang vũ khí vào phòng bệnh trên đảo Hải Phong, thậm chí còn chĩa súng, dọa bắn các y bác sĩ và các quân nhân Việt Nam, là điều không thể chấp nhận khi nhìn dưới góc độ pháp lý.
Để các vệ sĩ nước ngoài được mang vũ khí vào lãnh thổ Việt Nam, họ phải thuộc trường hợp (i) bảo vệ khách quốc tế là đối tượng cảnh vệ theo Luật Cảnh vệ, (ii) luyện tập thi đấu thể thao, triển lãm, trưng bày, làm đạo cụ biểu diễn, hoặc (iii) phải theo chương trình, kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Không chỉ ngây ngô và sai sót nghiêm trọng trong các chi tiết liên quan đến quân đội Việt Nam, “Hậu duệ mặt trời” phiên bản Việt còn mắc không ít sai sót trong lĩnh vực pháp lý. Ngay từ tập 1, bác sĩ Hoài Phương đã nói rằng mình còn mấy cái bảo hiểm cho bệnh nhân nghèo, nên có thể cho Hoàng Nam dùng một cái. Đây là hành vi gian dối, trục lợi bảo hiểm rất rõ ràng.
Trong hoạt động của đội đặc nhiệm NH-1 cũng có nhiều điểm cần xem xét: Chẳng hạn, phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam được quy định rất rõ tại Pháp lệnh Cảnh sát biển 2008, đó là trên vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Việc để đội NH-1 lên bộ tác chiến trong rừng với biên phòng ở tập 3, đặt ra một dấu hỏi lớn về mặt thẩm quyền. Từ năm 2008, Cục Cảnh sát biển đã tách khỏi Quân chủng Hải quân để về trực thuộc Bộ Quốc phòng, và đến năm 2013 đã được nâng cấp thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển trực thuộc Chính phủ. Vậy nhưng phim vẫn để nhân vật tướng Phan Minh mặc sắc phục hải quân để chỉ huy đội cảnh sát biển NH-1.
Trong bối cảnh Luật Cảnh sát biển mới đang được soạn thảo và sắp sửa ban hành, việc mô tả về Cảnh sát biển như vậy gây ra những hiểu nhầm không nhỏ trong nhân dân về lực lượng chấp pháp quan trọng này.
Hay như tại phân cảnh bắt quả tang tội phạm ma túy tại tập 8. Sau khi các chiến sĩ đội NH-1 bắt được kẻ vận chuyển ma túy, một nhóm tội phạm giả danh bộ đội biên phòng lập tức xuất hiện, trình thẻ ngành và “áp giải tội phạm về đồn”.
Điều này hoàn toàn sai với thủ tục tại điều 111 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015: Khi bắt người phạm tội quả tang, phải giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Tại đây, phải tiến hành lập biên bản, rồi mới báo cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
“Đại úy Duy Kiên” là Đội trưởng đặc nhiệm NH-1 của Cảnh sát biển – cơ quan chấp pháp trên biển, lại tham gia chống tội phạm ma túy, đương nhiên phải nắm vững pháp luật. Tuy nhiên, anh lại rất ngây ngô đòi xem “thẻ ngành” và “hồ sơ vụ án”, và thả cho bọn tội phạm đi thoát mà không hề lập biên bản.
Dưới con mắt dân luật, cũng khó có thể bỏ qua “Quyết định điều động” thượng sĩ Bảo Huy ở tập 8. “Quyết định” được soạn không theo một thể thức pháp lý hay kĩ thuật soạn thảo nào, đầy rẫy những lỗi sai từ dòng quốc hiệu – tiêu ngữ đầu tiên, đến dòng chữ kí cuối cùng của “Đô đốc” Phan Minh.
Tổng thể những sai sót ở trên đã phá hỏng bộ phim. Quan trọng hơn thế, việc chuyển thể sống sượng kịch bản nước ngoài mà không Việt hóa đã dẫn đến người xem không có nhìn nhận đúng về người lính Quân đội nhân dân Việt Nam. Người lính Việt Nam không thể để trẻ em quanh mình đói kém suy dinh dưỡng, trong khi bản thân mình đi vào các quầy bar với những cô gái ăn mặc thiếu vải.
Người lính Việt Nam ngay cả khi đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Phái bộ Liên Hợp Quốc ở châu Phi cũng không quên việc tăng gia sản xuất, trồng rau xanh, nuôi gà lợn, trong khi người lính Việt Nam trên phim lại chỉ gắn với những hình ảnh vui chơi xa hoa: Xe mô tô phân khối lớn, ca nô cao tốc, điện thoại đắt tiền …
Hậu duệ mặt trời bản Việt: Khả Ngân lại gây thất vọng, xuất hiện chi tiết khó chấp nhận
Hậu Duệ Mặt Trời bản Việt: Mỗi lần gặp Song Luân là biểu cảm của Khả Ngân lại trở nên thẫn thờ
Hậu duệ mặt trời bản Việt: Duy Kiên xé váy Hoài Phương, Linh Miu dữ dội, giật tóc Khả Ngân
Đó chắc chắn không phải hình ảnh người chiến sĩ của quân đội nhân dân trên thực tế, càng không phải hình ảnh mà Quân đội nhân dân Việt Nam muốn truyền bá với nhân dân, với thế giới. Đâu đó, có thể có những người lính giàu có nhờ điều kiện kinh tế gia đình.
Nhưng về tổng thể, hàng trăm ngàn cán bộ chiến sĩ của quân đội nhân dân đang sống một đời sống bình thường, cũng chật vật áo cơm như bất cứ người dân nào.
Lẽ dĩ nhiên, những người chịu trách nhiệm cho bộ phim này có thể viện đến yếu tố giả tưởng của bộ phim, viện đến những điều khoản hợp đồng tác quyền khi Việt hóa kịch bản Hàn Quốc … để né tránh trách nhiệm.
Tuy nhiên, không khó để thấy, trên các kênh truyền thông về “Hậu duệ mặt trời” phiên bản Việt, đều nói rằng đây là bộ phim mô tả hình ảnh người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Và như vậy, thì việc xây dựng hình ảnh người lính trên sóng truyền hình cần phải trung thực, không thiên lệch.
Người lính của Tổ quốc Việt Nam, không phải “hậu duệ mặt trời”, mà là hậu duệ của dòng dõi Lạc Hồng, của các triều đại đã dựng nước và giữ nước, của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, của mấy triệu liệt sĩ đã ngã xuống trong hàng chục năm chiến tranh vệ quốc.
Nếu như đây là bộ phim giả tưởng, thì xin đừng để các diễn viên mặc quân phục của quân đội nhân dân. Thật chẳng có gì tệ hơn một bộ phim mô tả người lính Quân đội nhân dân, với vốn đầu tư lớn, cùng sự cố vấn của Tổng cục Chính trị, với kịch bản chuyển thể có sự góp mặt của một Đại tá nhà văn nổi tiếng, mà lại trở nên xộc xệch, kệch cỡm như một đội quân xa lạ nào đó.
Nguồn Soha Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment