Cập nhật tin tức nóng hổi

Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm nhiệm Chủ tịch nước

Chiều ngày 01 tháng mười năm 2018, một tin tức ngoài lề cho biết Bộ Chính trị rốt cuộc đã họp bàn về các phương án nhân sự cho cái ghế chủ tịch nước, TBT Nguyễn Phú Trọng là ứng cử viên duy nhất chứ chẳng hề là những cái tên ủy viên Bộ chính trị khác đã được dư luận nội bộ bàn tán xôn xao vào những ngày gần đây.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Trung ương Đảng giới thiệu để Quốc Hội bầu làm Chủ tịch nước, tôi nghĩ rằng đa số người dân sẽ đồng tình ủng hộ, dù đây không phải là sự cải cách gì mới. Cụ Hồ từng làm Chủ tịch Đảng đồng thời làm Chủ tịch nước.
Nguyễn Phú Trọng giữ chức CTN
Thời HCM, Việt Nam dân chủ cộng hòa là chế độ đa đảng. Không nên nghĩ rằng thời đó đa đảng chỉ là hình thức, rằng Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội chỉ là “bù nhìn”. Đảng Dân chủ thành lập năm 1944, là đảng của các nhà công thương và trí thức yêu nước, tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập và giữ 44 ghế trong Quốc hội khóa 1 nước Việt nam dân chủ cộng hòa. Đảng Xã hội thành lập năm 1946, là đảng của các nhà trí thức yêu nước, tham gia lập chính quyền độc lập, giữ 24 ghế trong Quốc hội khóa 1.

Rất nhiều đảng viên của hai đảng trên là các nhà khoa học, nhà văn hóa lớn giữ các trọng trách của Nhà nước như: Bộ trưởng Văn hóa Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Xiển, Bộ trưởng Công thương Phan Anh (Đảng Xã hội), Phó Chủ tịch Quốc hội Nghiêm Xuân Yêm, Bộ trưởng Thanh niên Dương Đức Hiền, Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Giao thông công chính Trần Đăng Khoa (Đảng Dân chủ) … cùng nhiều Bộ trưởng và chức vụ quan trọng khác. Họ đều là các chính khách và nhà quản trị chuyên nghiệp được nhân dân yêu mến, được cụ Hồ và các nhà lãnh đạo khác của Đảng Cộng sản Việt Nam hết sức trọng thị. Cần biết, thời cụ Hồ, Hiến pháp năm 1946 và 1959 không có điều khoản như Điều 4 Hiến pháp hiện hành, nhưng vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong thực tế là toàn diện và tuyệt đối.

Sau khi HCM qua đời, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng (sau này là Tổng Bí thư) Lê Duẩn không hề giữ chức vụ gì của Nhà nước, thậm chí mãi đến năm 1976 ông mới kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương (từ năm 1976 trở về trước chức vụ này do đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm), nhưng ông vẫn là người có thực quyền lớn nhất. Thời ông Duẩn, Việt Nam vẫn duy trì chế độ đa đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và uy quyền của Tổng Bí thư không vì vậy mà suy yếu đi. Bắt đầu từ năm 1980, Hiến pháp mới có điều 4, nhưng dù không có điều này thì vai trò lãnh đạo của Đảng cũng không có gì thay đổi.

Công cuộc đổi mới manh nha từ Tổng Bí thư Lê Duẩn, khởi xướng từ Tổng Bí thư Trường Chinh được các thế hệ kế nhiệm kiên trì thực hiện, ngày nay đã mang lại những thành tựu ngoạn mục sau khi đất nước chuyển sang kinh tế thị trường. Nhưng khoảng gần 20 năm trở lại đây, dù vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được “siết chặt” bằng Hiến định (từ 1980) và Việt Nam chỉ còn 1 đảng duy nhất (từ 1988), nhưng quyền uy của Tổng Bí thư không còn như trước nữa. Ông Lê Khả Phiêu chỉ làm Tổng Bí thư chưa đầy 4 năm đã không được tái cử do sức ép của các vị cố vấn, ông Nông Đức Mạnh làm Tổng Bí thư 2 nhiệm kỳ nhưng vai trò mờ nhạt.

Ngày xưa, nhiều nhà chính trị ngoài Đảng Cộng sản làm đến Phó Thủ tướng và Bộ trưởng, Đảng vẫn không sợ mất quyền lãnh đạo. Ngày nay, Đảng sợ mất quyền lãnh đạo đến mức một trưởng phòng, một trưởng ban của một cơ quan không phải là cơ quan đảng hay nhà nước như Báo Thanh Niên cũng bắt buộc phải là đảng viên. Điều đó chứng tỏ Đảng không mạnh lên mà đã yếu đi. Đó là tình trạng chung của quốc gia.

Ở tầm lãnh đạo cấp cao, trong bối cảnh uy quyền của Tổng Bí thư không còn như trước nữa, để bảo vệ thành quả của công cuộc đổi mới đang bị đe dọa bởi sự hoành hành của lợi ích nhóm và tệ tham nhũng cùng sự cản trở của chủ nghĩa quan liêu và “một bộ phận không nhỏ” cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất đè đầu cưỡi cổ nhân dân, việc Tổng Bí thư, cụ thể là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ trở thành Chủ tịch nước là sự kiện được đông đảo người dân đặc biệt quan tâm.

Việc nhanh chóng hoàn thiện thể chế của nền kinh tế thị trường để sớm đưa đất nước trở thành phồn vinh và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ cùng chủ quyền biển đảo của quốc gia đang là sứ mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là sự thật lịch sử. Nghĩ đến con đường nào khác trong bối cảnh hiện nay đều là ảo tưởng và ấu trĩ.

Nhưng Đảng luôn luôn tuyên bố vì nhân dân vì đất nước mà tồn tại, vì vậy người dân có quyền nhắc nhở các đảng viên cộng sản nhớ lại lời dạy của cụ Hồ. Cụ từng nói : “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”. Đoạn đó trích từ Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 138. “Mặt trận” mà cụ Hồ đề cập ở đây có hàm ý là toàn dân.

Nguồn Butdanh ,

No comments:

Post a Comment