Cập nhật tin tức nóng hổi

Không để thế lực xấu xuyên tạc quy định nêu gương của cán bộ cấp cao

TƯ cho rằng, quy định nêu gương của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải có cách viết trong sáng, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, không để các thế lực xấu xuyên tạc, kích động chống phá.
Hội nghị TƯ 8 thống nhất ban hành quy định mới về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên
Hội nghị TƯ 8 thống nhất ban hành quy định mới về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên

Phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành TƯ 8 khóa XII chiều 6.10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, tại hội nghị lần này, T.Ư đã thống nhất cao việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Uỷ viên TƯ Đảng.

Theo đó, TƯ cơ bản thống nhất với các nội dung trong dự thảo Quy định và giao Bộ Chính trị tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp bằng văn bản của T.Ư để hoàn thiện và sớm ban hành quy định.

“TƯ nhấn mạnh, nếu gần 200 Uỷ viên TƯ khoá XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan toả rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Ban Chấp hành TƯ Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư”, Tổng bí thư cho hay.

Tuy nhiên, Tổng bí thư cho biết, quy định phải có cách viết rất trong sáng, chặt chẽ, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, không để cho các thế lực xấu, thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động chống phá.

Tại buổi họp báo sau đó, ông Vũ Thanh Sơn, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức TƯ cũng cho hay, đây là vấn đề khó, nhạy cảm và rất phức tạp. Do đó, cơ quan chủ trì là Ban Tổ chức TƯ rất thận trọng trong nghiên cứu, lấy ý kiến để tiếp tục hoàn thiện quy định.

Theo ông Sơn, tại hội nghị đã có 148 ý kiến khác nhau góp ý cho quy định này. Bộ Chính trị đã giải trình cơ bản nhưng thấy rằng vẫn cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Do đó, cơ quan chủ trì đề án là Ban Tổ chức T.Ư sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định theo các ý kiến đóng góp và lấy ý kiến các Ủy viên T.Ư một lần nữa trước khi ban hành chính thức.

Đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển

Tổng bí thư Nguyễn Phú trọng cũng cho biết, tại hội nghị, TƯ đã thống nhất ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị

Theo đó, nghị quyết đặt mục tiêu tới năm 2020, đạt các mục tiêu cơ bản về phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo; tăng trưởng kinh tế biển và thu nhập bình quân các tỉnh, thành phố ven biển ngày càng cao; đóng góp các ngành kinh tế biển chiếm khoảng 10% GDP cả nước, đóng góp GRDP của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 – 70% GDP cả nước.

Kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, nhất là chất thải nhựa đại dương; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển bền vững kinh tế biển với xây dựng xã hội gắn kết hài hoà với biển.

Bên cạnh đó, theo Tổng bí thư, nghị quyết đặt ra mục tiêu, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia – dân tộc trên các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên các vùng biển, đảo để phát triển bền vững kinh tế.

Cùng đó, nghị quyết cũng chỉ rõ, trong bối cảnh thế giới đang thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cần quan tâm chuyển từ kinh tế biển chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, khai thác tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế dựa trên nền tảng tri thức, khoa học công nghệ, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của biển Việt Nam.

“Trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, cần hết sức chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư sát hợp với thực tế để thực hiện có hiệu quả”, Tổng bí thư nói.

Nguồn Thanhnien
,

No comments:

Post a Comment