Cập nhật tin tức nóng hổi

Nhất thể hóa Tổng Bí thư và Chủ tịch nước: Phước hay họa?

Đổi mới, sắp xếp bộ máy tổ chức liên quan trực tiếp đến tổ chức, con người và thường chưa có tiền lệ, nên càng không thể nóng vội, “một nhát ăn quan”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
BCH TW Đảng đã thống nhất 100% giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước

Kinh nghiệm cho thấy, khi đã có bộ máy tốt, hoàn chỉnh, đồng thời có người “cầm lái” kinh nghiệm, vững vàng cộng cơ sở hạ tầng thuận lợi (thiên thời, địa lợi, nhân hòa) thì cỗ xe sẵn sàng lao vút lên phía trước. Thế nhưng, xe càng có vận tốc cao thì “bộ phanh” càng phải chắc chắn để đề phòng đại họa về sau.

Vào ngày 3 tháng 10 năm 2018, BCH TW Đảng đã thống nhất 100% giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước, vị trí vốn đã bị khuyết sau khi cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời. Động thái này sẽ là một diễn tiến chính trị quan trọng đối với Việt Nam vì nó sẽ tạo ra một cơ cấu quyền lực chính trị tập trung cao độ chưa từng thấy ở Việt Nam kể từ năm 1960 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển giao chức vụ Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cho ông Lê Duẩn.

Việc hợp nhất hai chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước xét về góc độ điều hành đó là tập trung quyền lực và sự lãnh đạo. Cái được sẽ là, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và triển khai tổ chức thực hiện của UBND. Bên cạnh đó, giảm các chi phí hành chính phục vụ, tiết kiệm ngân sách…

Song cho dù nhiều người mong muốn “nhất thể hóa” thì, dân tình vẫn nhớ như in lời ĐBQH Nguyễn Phú Trọng trả lời cử tri Tây Hồ, Hoàn Kiếm ngày 28/9/2013: “Tùy từng giai đoạn có thể kiêm hay không kiêm là do trung ương phân công Tổng Bí thư sang làm Chủ tịch nước, đó là việc nội bộ không nên ghi ‘cứng’ vào Hiến pháp. Cũng phải nói thật, đề phòng trường hợp quyền lực quá tập trung vào một người, xảy ra cái gì nếu tốt là phúc cho dân tộc, nhưng chẳng may nếu tính toán không kỹ thì để lại hậu quả. Bây giờ Chủ tịch nước lại là chủ tịch Hội đồng Hiến pháp nữa thì to quá”.

Người đứng đầu Đảng còn dặt dè như thế thì vấn đề này, mô hình này đã thực sự được bàn tính kỹ lưỡng?. Rồi mới đây thôi, ông Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng thẳng thật chia sẻ: “Vấn đề quan trọng là phải tiếp tục cải cách thể chế để bảo việc kiểm soát quyền lực và thực thi dân chủ trong tổ chức, hoạt động của bộ máy Đảng và Nhà nước. Việc này đáng lẽ ra phải làm từ lâu nhưng vì nhiều lý do nên không thực hiện được“.

Nhớ câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rồi suy nghĩ về chia sẻ của ông Trần Quốc Thuận bất giác lại nhìn sang Trung Quốc với uy phong tuyệt đối của ông Tập Cận Bình. Những mệnh lệnh “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo”, những vẽ vời “giấc mộng Trung Hoa”, rồi “vành đai, con đường”, rồi ghi tên mình vào điều lệ Đảng… phải chăng tất cả đều tuyệt nhiên đúng?.
Tập Cận Bình
Nào phải vô cớ mà “nhất thể hóa” thì ủng hộ đấy nhưng nỗi lo đi kèm đó cũng nhiều khôn nguôi, nhất là khi con người, quyền lực đã được nâng cấp lên tầm Đại học mà cơ chế kiểm soát thì mãi vẫn chưa lên cấp 2. Việc giao nhiều quyền lực vào tay một người mà thiếu những quy chế, quy định cũng như buông lỏng sự thanh tra, kiểm tra, giám sát thì đến lúc nào đó sẽ rơi vào tình trạng lộng quyền.
Nói đến đây, có người sẽ viện dẫn ngay Khoản 2 điều 4 trong Hiến pháp 2013 với quy định: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Nói thẳng, đây chỉ là cách trả lời ngụy biện, lạc quan tếu.

Xin thưa, quyền lực chỉ có thể bị giám sát bởi các chế định quyền lực khác. Tôi hoàn toàn đồng ý với quy định Đảng “chịu sự giám sát” và “chịu trách nhiệm” trước nhân dân. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa đủ, bởi chưa trả lời được câu hỏi “Nhân dân giám sát như thế nào? Đảng chịu trách nhiệm gì và chịu trách nhiệm đến mức nào trước nhân dân? Lịch sử sẽ phán xét người đó ra sao?”.

Cũng giống như khi ta chạy bon bon trên một chiếc xe siêu sang, siêu xịn, vậy thì lấy gì để kiểm soát tốc độ, hành vi của chiếc xe đó ngoài bộ phanh. Mà “bộ phanh” chắc chắn trong trường hợp này là “cần phải luật hóa sự lãnh đạo của Đảng”; thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực; UBKTTW phải là một cơ quan hoàn toàn độc lập, người đứng đầu cơ quan này phải được bầu trực tiếp tại đại hội.

Phải tôn trọng dân chủ; thực hiện cơ chế đại hội trực tiếp bầu Tổng Bí thư, Bí thư cấp ủy, trên cơ sở tranh cử rộng rãi. Phải xây dựng một Quốc hội mạnh mẽ, thực quyền, hoạt động thường xuyên và chuyên nghiệp; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, kiểm toán công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; định kỳ, thường xuyên có sự giám sát, góp ý xây dựng của quần chúng, nhân dân đối với tổ chức, bộ máy, cán bộ lãnh đạo và người đứng đầu trên cơ sở công khai, minh bạch, nhất là về tài sản, thu nhập của bản thân và gia đình cán bộ lãnh đạo theo quy định của Trung ương… Có như vậy mới có thể phần nào hóa giải nỗi lo nhất thể hóa và để quy định “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” không còn chỉ để trang trí cho đẹp.

Chỉ khi có một đạo luật về sự lãnh đạo của Đảng với nội dung tiến bộ, phù hợp, mới tránh được nguy cơ Đảng “lấn sân” chính quyền, tránh được tình trạng cá nhân hoặc nhóm lợi ích lợi dụng quyền lực của Đảng hoặc nhân danh Đảng để lộng quyền, lạm quyền để trục lợi và can thiệp vô nguyên tắc vào hoạt động của bộ máy Nhà nước. Giám sát tốt hoạt động của Đảng thì mới có cơ hội loại trừ “một bộ phận không nhỏ” đảng viên thoái hóa, biến chất, tức là tránh được nguy cơ “tồn vong của chế độ”.

Hợp nhất Tổng Bí thư và Chủ tịch nước: phúc hay họa? câu trả lời có lẽ nhiều người đã phần nào đoán biết. Chợt nhớ câu nói của người xưa rằng “một nước không thể có hai vua”. Người viết ủng hộ nhất thể hóa, nhưng phải là nhất thể hóa đi cùng với việc hóa giải nỗi lo lạm quyền, lộng quyền. Phải có mô hình thể chế chuẩn, từ đó lựa chọn con người. Không thể làm điều trái ngược, từ con người cụ thể để vẽ ra mô hình thể chế.

Nguồn Thaotin
,

No comments:

Post a Comment