Cập nhật tin tức nóng hổi

Những câu hỏi lớn sau màn ra mắt hào nhoáng của VinFast ở Paris

Thiết kế thiếu đột phá, tỷ lệ nội địa hóa và phân khúc khách hàng chưa rõ ràng… VinFast gây hoài nghi về khả năng thành công ở Việt Nam.

Chiều 2/10, VinFast gây chú ý với truyền thông trong nước và quốc tế sau màn ra mắt 2 mẫu xe đầu tiên tại triển lãm Paris Motor Show 2018. Sự kiện được tổ chức hoành tráng, có người nổi tiếng tham dự, nhưng nhanh chóng khép lại, bỏ ngỏ nhiều vấn đề mà người dùng quan tâm.

Tin liên quan: Nguyễn Duy Hưng, người đặt mua 5 chiếc xe VinFast đầu tiên là ai?

Xe của VinFast có những công nghệ gì?

Trong 15 phút diễn ra sự kiện, VinFast không hề đề cập nhiều tới thông số kỹ thuật, sức mạnh động cơ hay công nghệ bên trong. Thay vào đó là yếu tố mang tính quảng bá như David Beckham, múa tre, hoa hậu Việt.

Kết thúc sự kiện, báo chí trong nước vẫn không có thông tin chính thức từ VinFast về thông số của hai mẫu xe mới. Hãng chỉ xác nhận những thông tin đăng tải trên các báo nước ngoài là “gần đúng”.
Xe sedan VinFast dài hơn nhóm xe hạng D phổ thông
Xe sedan VinFast dài hơn nhóm xe hạng D phổ thông. 

Theo Carscoop, cả 2 mẫu xe mới của VinFast sử dụng động cơ BMW N20, loại tăng áp 4 xy-lanh, dung tích 1.997 cc. Xe có hộp số tự động 8 cấp của ZF, màn hình trung tâm kích thước 10,5 inch. Cả hai mẫu đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5, trong khi châu Âu đã phổ biến chuẩn Euro 6.

Dù dùng chung, nhưng thông số sức mạnh của những mẫu xe BMW trang bị động cơ mang tên mã ‘N20’ từng bán trên thị trường không giống với xe VinFast. Động cơ trên Lux A2.0 và Lux SA2.0 không sử dụng công nghệ van biến thiên Valvetronic đắt tiền của BMW, mà thay bằng loại chu kỳ Atkinson.

Việc sử dụng động cơ BMW N20 cũng không mang đến cho VinFast khả năng vận hành giống hệt với sản phẩm của hãng xe Đức. Do VinFast không sử dụng các công nghệ điện tử liên quan, mà cần phải liên kết với các đối tác khác để phát triển hệ thống riêng biệt. Đây là lý do vì sao VinFast cần đến rất nhiều chuyên gia nước ngoài làm việc tại nhà máy.

Bên cạnh đó, kể từ ngày VinFast xuất hiện trên truyền thông, những thông tin về công nghệ an toàn vẫn là một ẩn số.

Xe VinFast thuộc phân khúc nào, giá bao nhiêu?

Khi VinFast công bố thông tin về hai mẫu xe, không ít người dùng Việt mơ về chiếc xe hơi giá rẻ. Do đó, giá bán của hai mẫu xe VinFast vừa ra mắt là mối quan tâm hàng đầu của công chúng. Tuy nhiên, VinFast không hề đề cập đến thông tin này tại sự kiện ra mắt ở Paris Moto Show.
Giá xe VinFast vẫn là yếu tố tò mò nhất của người dùng
Giá xe VinFast vẫn là yếu tố tò mò nhất của người dùng.

Khi được hỏi về vấn đề này, các chuyên gia có nhiều năm theo dõi ngành công nghiệp ôtô đều cho rằng rất khó để nói chính xác, nhưng đa phần đều cho rằng giá xe VinFast sẽ nằm dao động trong khoảng 1-2 tỷ đồng.

“Chiếc Lux A2.0 có giá khoảng 1,2-1,5 tỷ đồng, còn mẫu Lux SA2.0 khoảng 1,7-1,9 tỷ đồng” anh Lê Anh, huấn luyện viên của BMW toàn cầu cho hay.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia trong nước cho rằng giá mẫu sedan VinFast sẽ ngang với nhóm Toyota Camry, Mazda6, còn mẫu SUV sẽ ngang với nhóm Honda CR-V, Mazda CX-5.

Xe VinFast sẽ đối đầu với Mazda CX5 và Toyota Camry, dưới cơ xe Đức Đó là nhận định của các chuyên gia ôtô tại Việt Nam sau sự kiện VinFast ra mắt hai mẫu xe Lux S2.0 và Lux SA2.0 tại triễn lãm Paris Motoshow 2018.

Dù khác nhau về mức giá dự đoán, nhưng rất nhiều người đồng quan điểm cho rằng xe VinFast sẽ nằm trong phân khúc cận cao cấp (premium), có nghĩa là cao hơn nhóm xe phổ thông và dưới nhóm xe hạng sang như Mercedes, BMW hay Audi.

Yếu tố Việt chiếm bao nhiêu % trong xe VinFast?

Trong sự kiện ra mắt, VinFast không đề cập đến tỷ lệ nội địa hóa của hai mẫu xe, chỉ nhắc đến việc được sản xuất tại Việt Nam.

Trả lời báo chí quốc tế, CEO James Deluca của VinFast từng cho rằng có đến 45% linh kiện đến từ các công ty Đức. Để làm được xe tại Việt Nam, VinFast cũng cần đến nhiều kỹ sư, chuyên gia nước ngoài làm việc tại nhà máy ở Hải Phòng. Những công nghệ có xuất xứ Đức xuất hiện rất nhiều trên hai mẫu xe mới của VinFast: thiết kế dựa trên BMW 5 Series và BMW X5, động cơ BMW N20, hộp số 8 cấp của ZF.

Trong chuyến đi thực tế đến Việt Nam, phóng viên của Auto Motor und Sport cũng không bỏ qua dòng chữ “Property BMW Muenchen” trên đế của một chiếc máy tại nhà máy VinFast ở Hải Phòng. Bài viết của báo gọi hai chiếc xe là “BMW made in Việt Nam”.

Ông chủ Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên lưu ý, chiếc xe được giới thiệu tại Paris Motor Show chưa thể gọi là xe Việt được.

“Đừng nhầm tưởng đây là thương hiệu Việt Nam. Xe hiện tại mới chỉ mang tính chất triển lãm mẫu thôi, được sản xuất từ studio của Italia. Xe phải được đăng kiểm, được bán và được phép lưu thông trên thị trường. Hơn nữa, xe thương hiệu Việt phải tỷ lệ nội địa hóa 40% ở Việt Nam”, ông Huyên nói.

Xe VinFast có phù hợp với người Việt?

Thiếu thông tin về động cơ, công nghệ, xe của VinFast chưa thể trả lời cho câu hỏi “có phù hợp với người Việt Nam” hay không. Từ nhiều năm nay, người Việt khi mua xe hơi phổ thông thường chuộng xe Nhật, xe Hàn vì yếu tố tiết kiệm nhiên liệu, công nghệ phù hợp và mức giá hợp lý. Trong khi đó, hai mẫu xe mới của VinFast vốn được dự đoán giá trên 1 tỷ, công nghệ và thông số chưa rõ ràng. Khả năng tiết kiệm nhiên liệu không được nhắc đến.

Nhận xét về mẫu xe này, Le Point cho rằng VinFast đang học hỏi Hyundai, xe hướng tới đối tượng người mua trẻ tại châu Á, muốn tìm kiếm mẫu xe hiện đại mà vẫn có giá vừa túi tiền. “Để xem trong vài năm tới, liệu VinFast có nổi lên như cách mà KIA hay Hyundai đã làm?”, tác giả nhận xét.

Trong bài viết nói về hai chiếc xe, tạp chí nổi tiếng Top Gear cho rằng dựa trên thiết kế và phát ngôn của các lãnh đạo VinFast, hãng xe này sẽ không hoạt động giống mô hình sản xuất hàng loạt của nhiều công ty châu Á. Thay vào đó, công ty này tập trung vào “lòng tự hào, tinh thần” của Việt Nam, và đến thiết kế cũng được lấy từ bình chọn của cư dân mạng.

Khả năng thành công đến đâu?

Trao đổi với Zing.vn, Giáo sư Ferdinand Dudenhoffer, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu xe hơi tại Đại học Duisburg Essen, cho rằng ra mắt xe mới là nước cờ phiêu lưu của VinFast và họ cần cải tiến nhiều hơn nữa để cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế.

“Đối với ông Vượng, đây là một nước cờ đầy phiêu lưu. Thế giới không cần thêm hãng xe nào mượn công nghệ từ hãng khác và biến nó thành của mình. Thử nghĩ xem, ngay cả hãng xe hiện đại của Đức nhiều lúc còn không đủ khả năng thỏa mãn nhu cầu người dùng toàn thế giới. Tại sao tôi phải bỏ tiền mua một chiếc xe từ hãng lạ hoắc nào đó ở Việt Nam’, Giáo sư Ferdinand Dudenhoffer nói.
Vinfast tại triễn lãm
Tổ chức sự kiện ra mắt hoành tránh, nhưng khả năng thành công của VinFast vẫn có thể bị hoài nghi.

“Nếu VinFast muốn thành công, phải bắt đầu từ thị trường Việt Nam và dùng nó làm bàn đạp. Tiếp theo, VinFast cần phải cải tiến hơn nữa nếu muốn cạnh tranh với Volvo, BMW, Geely và rất nhiều thương hiệu khác”, Giáo sư Ferdinand Dudenhoffer nói.

“Thật sự thì tôi rất hoài nghi về khả năng thành công của VinFast. Dường như VinFast chỉ bước theo lối mòn của nhiều hãng sản xuất xe khác”, vị chuyên gia cho biết thêm.

Theo ông Dudenhoffer, việc chạy theo xu thế hiện giờ sẽ không thể là nước cờ khôn ngoan đối với những tên tuổi chế tạo xe mới nổi. Nếu VinFast muốn thành công, họ nên học tập câu chuyện và hình mẫu của Li Shufu và Geely Auto ở Trung Quốc.

Nguồn Zing
,

No comments:

Post a Comment