Cập nhật tin tức nóng hổi

Nói cao tốc 34.000 tỷ hỏng do xe quá tải và mưa là khó chấp nhận

“Cao tốc là công trình vĩnh cửu nên thiết kế phải đảm bảo tải trọng lớn, tuổi thọ trăm năm. VEC nói tuyến cao tốc bị hỏng do xe quá tải và mưa là khó chấp nhận”, ông Sơn nói.
Cận cảnh cao tốc hơn 34.000 tỷ đầy ‘ổ gà, ổ trâu’ Dù mới thông xe hơn 1 tháng, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã xuất hiện nhiều ‘ổ gà, ổ trâu’.

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, cho biết hôm nay các công nhân tiến hành khắc phục những chỗ hư hỏng trên cao tốc.

Tin liên quan: Cao tốc 34 ngàn tỷ chi chít ổ gà, ổ trâu: Chủ đầu tư lý giải nguyên nhân bất ngờ

Sau khi xem lại nhiều lần những hình ảnh, video do Zing.vn cung cấp, các chuyên gia trong lĩnh vực cầu đường rất bất ngờ vì đoạn cao tốc Túy Loan đi Tam Kỳ mới khai thác được một tháng đã xuất hiện “ổ gà, ổ trâu”.

VEC giải thích không thuyết phục

Sau khi xuất hiện các “ổ gà, ổ trâu” trên tuyến Túy Loan (Đà Nẵng) – Tam Kỳ (Quảng Nam), ông Thành giải thích nguyên nhân là do ôtô quá tải lưu thông, gặp trời mưa nên lớp nhựa đường bị bong tróc.

Giải thích này của chủ đầu tư đã bị những người am hiểu kỹ thuật cầu đường phản ứng gay gắt. Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc trong ngành cầu đường, kỹ sư Mai Công Sơn (Đà Nẵng) phản biện: “Chủ đầu tư giải thích như thế ngay cả người không biết gì về kỹ thuật cũng khó tin”.

Theo kỹ sư Sơn, nguyên tắc quan trọng nhất khi nghiên cứu, thiết kế đường cao tốc (kể cả quốc lộ) là phải dự báo được tải trọng. “Cao tốc là công trình vĩnh cửa nên khi thiết kế, kỹ sư phải tính toán số lượng, tải trọng phương tiện lưu thông hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm. Không ai thiết kế cao tốc mà chỉ sau một năm khai thác đã hỏng do xe quá tải cả”, ông Sơn nói.
Bề mặt cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi xuất hiện nhiều “ổ gà, ổ trâu”
Bề mặt cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi xuất hiện nhiều “ổ gà, ổ trâu”.

Ông Sơn cho rằng việc VEC nói không kiểm soát được tải trọng phương tiện lưu thông trên cao tốc là không đúng. Vì trước khi ôtô vào cao tốc, đều có các trạm thu phí và cân để xác định tải trọng xe. Nếu phương tiện vượt tải trọng thì sẽ không được vào cao tốc.

Với kinh nghiệm gần 25 năm công tác trong ngành thiết kế và thi công các công trình giao thông công chính, kỹ sư Nguyễn Văn Tiến (giám đốc một công ty xây dựng ở Đà Nẵng) nói rằng ngoài yếu tố tải trọng thì cầu và đường phải đảm bảo kỹ thuật để “sống chung với nước”.

“Tức là việc ông Thành nói có thể do trời mưa cùng với tải trọng lớn nên bong tróc lớp nhựa trên bề mặt cao tốc là không đúng. Nếu đường cao tốc thấm nước dẫn đến hư hỏng (như ông Thành nhận định) thì công trình này có vấn đề về kỹ thuật và chất lượng”, ông Tiến thẳng thắn.

Vì sao cao tốc mới khai thác đã hỏng mặt đường?

Theo kỹ sư Sơn và Tiến, để muốn biết chính xác nguyên nhân dẫn đến mặt đường cao tốc hỏng phải qua quá trình thẩm định, kiểm tra kỹ thuật nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, quan sát bằng mắt thường, các chuyên gia đưa ra một số nguyên nhân có khả năng khiến đường cao tốc bị hỏng: Chất lượng thi công nền móng cục bộ chưa đạt (độ chặt lu lèn chưa đảm bảo) và chất lượng vật liệu đầu vào chưa đảm bảo.
Nói cao tốc 34.000 tỷ hỏng do xe quá tải và mưa là khó chấp nhận
“Nếu đường cao tốc thấm nước dẫn đến hư hỏng (như ông Thành nhận định) thì công trình này có vấn đề về kỹ thuật và chất lượng”, ông Tiến nói.

Ông Tiến phân tích thêm, trong quá trình thi công lớp nhựa, nếu chủ đầu tư và nhà thầu dùng vật liệu đầu vào chưa chuẩn, cấp phối trộn chưa hợp lý, lượng nhựa chưa phù hợp, thi công lu lèn cục bộ chưa đủ độ chặt thì sẽ dẫn đến nước thấm vào kết cấu, làm giảm cường độ các lớp từ mặt xuống móng.

Kỹ sư Sơn cũng có chung quan điểm trên và nhận định yếu tố làm nên hư hỏng này là nguồn vật liệu đầu vào không kiểm soát như yêu cầu thiết kế. Việc thi công không đảm bảo yêu cầu theo quy chuẩn.

Theo ông Sơn, lớp bê tông nhựa cục bộ không đủ cường độ chịu lực, không đủ chống thấm nên khi trục bánh xe tác động trùng phục trong một khoảng thời gian sẽ gây ra các vết lún. Ứng suất cắt do tải trọng trục bánh xe gây ra vượt quá ứng suất cắt tới hạn của lớp mặt sẽ dẫn đến xuất hiện vết nứt mặt đường.

“Tiếp theo, khi có nước mưa (kẻ thù số 1 của đường) sẽ thấm xuống các tầng dưới và làm giảm liên kết hạt của các tầng móng dẫn đến giảm cường độ. Theo thời gian sẽ phá hủy tầng móng và gây lún”, kỹ sư Sơn nói.
Những vị trí hỏng mặt đường cao tốc
Những vị trí hỏng mặt đường cao tốc.

Theo hai chuyên gia nói trên, mặt đường bê tông nhựa là mặt đường kín không thấm nước (yêu cầu bắt buộc). Nếu mặt đường đảm bảo chất lượng thì nước chỉ chảy trên bề mặt, không thể thấm xuống móng được.

“Thông thường, đường lún là do nước thấm vào kết cấu công trình. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thấm nước là do thi công không đảm bảo nên mặt đường bị hở”, ông Sơn nhận định.

Khắc phục thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Thành cho biết hôm nay đơn vị sẽ yêu cầu công nhân xử lý các điểm hỏng trên cao tốc. “Những vị trí hư hỏng nhỏ sẽ xử lý ngay, những chỗ hư hỏng lớn chúng tôi sẽ lập dự án sửa chữa dứt điểm”, ông Thành cho hay giải pháp xử lý là các công nhân sẽ cào bỏ khu vực lún rồi thảm nhựa lại.

Kỹ sư Sơn cho biết việc thảm nhựa lại mặt đường chỉ là giải pháp tạm thời. Chủ đầu tư nên đo lại độ chặt của tầng móng. Nếu không đạt thì phải yêu cầu nhà thầu thi công lại. Nếu độ chặt của tầng móng đã đảm bảo thì phải thi công lại mặt bằng bê tông nhựa và lu lèn chặt theo đúng yêu cầu.
Cận cảnh vị trí bị lún
Cận cảnh vị trí bị lún.

Ông Tiến đề nghị các chuyên gia của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng cần sớm vào cuộc xác định nguyên nhân cụ thể của từng chỗ hỏng trên cao tốc để có biện pháp xử lý triệt để.

“Nếu cao tốc không đảm bảo kỹ thuật mà cho lưu thông (trên cao tốc vận tốc của phương tiện luôn trên 100 km/h – PV) thì rất nguy hiểm. Tính mạng con người không thể xem nhẹ”, ông Tiến khuyến cáo.

Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có tổng chiều dài gần 140 km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe lưu thông và hai làn dừng khẩn cấp (giai đoạn 1). Tốc độ thiết kế 120 km/h (đoạn đặc biệt khó khăn 100 km/h). Dự án được chia làm 13 gói thầu xây lắp với tổng mức đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng.
Vị trí cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi
Vị trí cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Nguồn Zing
,

No comments:

Post a Comment