Cập nhật tin tức nóng hổi

Cán bộ vô cảm: hãy biết mình ở đâu, mình là ai và mình phải làm gì

Bàn về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân còn chậm trễ dẫn đến việc quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Pha (Nam Định) – Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp đánh giá: “Thực sự nếu chúng ta có ý thức phục vụ nhân dân, bớt vô cảm đi, hãy coi những khó khăn của người dân như khó khăn của người nhà nhà mình thì chắc vụ việc không thể tồn tại lâu như thế”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Pha
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Pha

Chuyện cán bộ thờ ơ, vô cảm với người dân không phải đến khi đại biểu Nguyễn Văn Pha nói người ta mới biết. Trước đó, xã hội đã vô cùng bức xúc và phẫn nộ trước câu chuyện lãnh đạo một phường tại Hà Nội vòi vĩnh tiền của người dân đi làm giấy chứng tử, chuyện nữ Chánh văn phòng tại một cơ quan tại Hải Phòng mạnh miệng tuyên bố mạng người không quan trọng v.v… Nói thẳng, không chỉ riêng trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo như sự đúc kết của đại biểu Nguyễn Văn Pha, ở bất cứ việc gì, ở bất cứ vị trí nào, nếu cán bộ của ta bớt vô cảm khi phục vụ nhân dân thì chắc chắn những khó khăn, vướng mắc của người dân sẽ không còn.

Vì đâu cán bộ vô cảm?

Thực trạng cán bộ vô cảm với người dân thì chúng ta đã được thấy nhiều. Điều này kéo theo vô số hệ quả đáng tiếc. Đó là việc các bức xúc trong xã hội không được giải quyết dẫn đến khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện kéo dài; đó là những sự bất ổn trong xã hội dần dần nảy nở; đó là việc người dân mất niềm tin vào hệ thống chính quyền; đó là rất nhiều, rất nhiều những vấn đề tiêu cực khác. Nói một cách nặng nề hơn, việc cán bộ vô cảm là một trong những nguyên nhân đe doạ trực tiếp đến an ninh quốc gia của đất nước.

Vậy đâu là nguyên nhân của những sự vô cảm? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời Tuy nhiên theo đánh giá của cá nhân tôi, một số lý do chính dẫn đến việc cán bộ trong cơ quan công quyền nói chung và cán bộ lãnh đạo nói riêng thờ ơ, vô cảm với người dân xuất phát từ một số nguyên do chính sau:

Thứ nhất, do cán bộ… không từ dân mà ra! Dù không hay ho gì nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận việc một bộ phận không nhỏ cán bộ làm việc trong cơ quan công quyền không từ dân mà ra. Nói thẳng ra, họ chính là nhóm “con vua thì lại làm vua”. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả những người có xuất thân “con nhà quan” đều hống hách, kiêu ngạo. Vậy nhưng rõ ràng, có rất nhiều người được đặt vào một chiếc ghế trong cơ quan nhà nước không phải do năng lực cá nhân mà là do những sự tác động của các “bàn tay vô hình” từ phía người thân, gia đình. Chính vì vậy nên chuyện họ thờ ơ với dân, vô cảm với dân cũng đâu có gì quá khó hiểu. Bởi họ đâu có biết người dân sống thế nào, người dân làm việc ra sao. Cái họ quan tâm có lẽ chỉ là con đường quan lộ của mình được lập trình như thế nào, lợi ích béo bở nào sẽ được họ thâu tóm.

Thứ hai, do quyền lực làm tha hoá con người. Khi trở thành cán bộ nhà nước cũng đồng nghĩa với việc họ được nhà nước trao cho một số quyền lực nhất định. Đáng buồn thay, không ít người khi có quyền hành trong tay lại thay đổi bản chất. Họ trở hành quan liêu, hách dịch, của quyền. Thậm chí, có không ít người không biết mình là ai, không biết mình ở đâu trong xã hội. Họ tự cho mình cái quyền đứng phía trên so với những người dân bình thường. Họ coi việc thực hiện công việc với nhân dân như một kiểu ban phát ân huệ.

Thứ ba, chung quy cũng tại… đồng tiền. Một lý do mà chúng ta khống thể bỏ qua khi lý giải về nguyên nhân của sự vô cảm của cán bộ trong cơ quan công quyền là bởi ma lực của những lợi ích vật chất. Có không ít người đã quên mất rằng bản chất của việc “làm quan” là để phục vụ cho lợi ích của cộng đồng, lợi ích của nhân dân chứ không phải là làm giàu cho cá nhân.

Dân vẫn là dân, quan vẫn là quan: rất khó để quan bớt vô cảm

Nói thẳng ra, người dân cũng không cần các “quan” nhà ta phải ân cần âu yếm đối với họ. Cái mà người dân cần chỉ là các quan hãy làm việc theo đúng quy định, giải quyết vấn đề theo đúng trình tự, thủ tục được pháp luật quy định. Như vậy là người dân đã mừng và hạnh phúc lắm rồi.

Có lẽ, đã đến lúc người dân phải “xù lông nhím” ra để cho một số vị cán bộ biết họ là ai? Ngược lại, về phía các cấp lãnh đạo cần có biện pháp nghiêm túc để xử lý những cán bộ sai phạm. Nếu quan sai những vẫn là quan, nếu mọi vấn đề chỉ dừng lại ở việc kiểm điểm rút kinh nghiệm thì có lẽ còn lâu cán bộ của ta mới bớt vô cảm.

Cuối cùng, tôi xin nhắc lại một câu nói của Bác Hồ khi răn dạy cán bộ: “Cơm của chúng ta ăn, áo của chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền ơn xứng đáng cho nhân dân. Chớ vác mặt làm quan cách mạng để dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ”.

Nguồn Tổng hợp
, ,

No comments:

Post a Comment