Cập nhật tin tức nóng hổi

Không làm nổi thì từ chức cho dân nhờ, đừng có mơ, lấy đâu ra nhà lầu xe hơi

Tiếp dân, đối thoại với dân là công việc, trách nhiệm, nghĩa vụ của lãnh đạo mà các vị không làm được thì thử hỏi: Các vị còn làm được gì cho dân?

Sáng 14/11 khi trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim đã nhận định một vấn đề rất hay rằng: “Đã là cán bộ lãnh đạo, phải dành thời gian cho dân, gần dân. Không thể nói rằng tôi bận đi làm việc với cơ quan này, cơ quan khác, còn việc dân thì lại bỏ. Đó là do anh không ý thức đúng vấn đề chứ không phải là không sắp xếp được công việc. Công việc của anh là công việc với dân mà anh không làm được thì nên nghỉ”.
Không làm nổi thì từ chức cho dân nhờ, đừng có mơ, lấy đâu ra nhà lầu xe hơi
Đại biểu Vũ Trọng Kim có một phát biểu làm “mát” lòng dân

Chuyện đã thành phổ biến

Thực tế hiện nay bệnh quan liêu, thói quan cách cùng tệ tham nhũng, lãng phí vẫn là điều nhức nhối không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Trong đó, vấn đề quan liêu như Đại biểu Trần Trọng Kim đề cập đang gây “sốt” trên diễn đàn thông tấn lẫn dư luận xã hội.

Mới nhất là câu chuyện vào sáng 15/11, tại trụ sở Ban tiếp công dân tỉnh Hà Tĩnh, hàng chục người dân, chủ yếu là các cụ già, đàn ông và phụ nữ trung niên tay cầm túi bóng đựng nhiều hồ sơ, tài liệu dày cộp, chờ ở bàn làm việc gần sảnh để chờ đến lượt “tiếp dân”.

Có điều, Chủ tịch tỉnh đang bận họp Quốc hội, và các Phó chủ tịch cũng bận “họp quan trọng” khác. Thông báo dán trên cửa kính: “Thời gian trên Chủ tịch UBND tỉnh đang họp Quốc hội, các Phó chủ tịch có một số cuộc họp quan trọng do Trung ương triệu tập. Chủ tịch tỉnh ủy quyền Chánh thanh tra tỉnh thay mặt lãnh đạo tỉnh chủ trù phiên tiếp công dân này”.

Hoặc, trao đổi với báo chí, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha cũng đã nêu một điển hình về sự vô cảm. Đó là năm 2015, ông dẫn đầu một đoàn liên ngành đến một tỉnh của phía Nam xem xét 1 vụ việc cụ thể tồn tại rất dai dẳng, lâu dài về thi hành án dân sự. Khi đó vụ án này đã có hiệu lực 14 năm, tòa án đã xử đến 4 lần và hồ sơ đầy đủ văn bản của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Trường hợp này, người phải thi hành án là một ông cụ năm đó 80 tuổi, lúc nào cũng tử thủ mấy can xăng ở trong nhà và nói nếu cưỡng chế sẽ đốt. Vị Phó Chủ tịch tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thi hành án dân sự có nói “kỳ này đang tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, tiến đến Đại hội Đảng toàn quốc, cho nên xin phép đồng chí để đại hội Đảng xong sẽ cho thi hành”. Tuy nhiên, sau Đại hội, vị Phó Chủ tịch đó cũng đã lên vị trí rất cao ở tỉnh rồi nhưng bản án vẫn không thi hành. Đáng chú ý, sự vụ mà Phó Chủ nhiểm Ủy ban Tư pháp đề cập đó, cấp lãnh đạo có thể “làm tốt hơn”.

Nhưng, điển hình của điển hình vẫn là câu chuyện ở Thủ Thiêm. Năm 1996, khi bắt đầu khởi động dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, các lãnh đạo thành phố thời điểm đó kỳ vọng đây sẽ là trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế. Vậy mà, 20 năm trôi qua, phần lớn người dân Thủ Thiêm sống trong cơ hàn với nhiều khu nhà cũ nát, tạm bợ, ngập nước, sinh hoạt thiếu thốn.

“Đã đau khổ quá lâu”, những người phụ nữ mới học tới lớp 9 phải tự học luật để bảo vệ gia đình, những cựu chiến binh dành cả tuổi thanh xuân chiến đấu giành độc lập để cuối đời chưa thể có tự do cho chính mình, những bậc cha mẹ hàng ngày chứng kiến con cháu mình chen chúc trong căn nhà tái định cư nhếch nhác,…” – một người dân Thử Thiêm nói.

Đây là “bệnh” xa quần chúng, bàn giấy,… dẫn đến lý luận suông, xây dựng kế hoạch thực hiện không sát với thực tế. Dẫn đến việc thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi quyền lợi chính đáng của nhân dân. Thấy những việc có hại đến nhân dân vẫn làm ngơ, không giải quyết, hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Thậm chí, những ý kiến đúng, nêu rõ vấn đề thì họ dìm đi, làm cho dân chúng nghi ngờ, thậm chí bất mãn, không ủng hộ,… dẫn đến thất bại.

Nếu các vị công bộc có ý thức phục vụ nhân dân, bớt vô cảm, quan liêu đi, coi những khó khăn của người dân như khó khăn của người nhà nhà mình thì chắc vụ việc không thể tồn tại lâu như thế. Thế nên, cả bộ máy công quyền phải làm việc theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính, quyết liệt, chủ động giải quyết các vụ việc, “đừng để mất bò mới lo làm chuồng hay nước đến chân mới nhảy”.

Căn bệnh quan liêu của lãnh đạo!

Theo quy định của luật Tiếp công dân, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tiếp dân ít nhất mỗi tháng một lần, Chủ tịch UBND cấp huyện thì 2 tuần/lần, Chủ tịch UBND cấp xã ít nhất mỗi tuần một lần. Các cấp chính quyền cũng phải công khai lịch tiếp công dân. Tuy nhiên, Báo cáo của các cơ quan giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra thực tế, không chỉ lười tiếp dân, UB Tư pháp đã tổng kết thế đó. Có tỉnh, thành phố, 100% các vụ án hành chính, người đứng đầu chính quyền không đối thoại, hoà giải, thương lượng với dân..v..v.

Nhiều lãnh đạo nghiện “nói” nhưng không làm, dẫn đến tệ quan liêu

Tại nghị trường, bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng ban Dân nguyện Quốc Hội cũng nói: “Nhiều Chủ tịch tỉnh tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 48% so với quy định, việc ủy quyền cho cấp phó khá phổ biến. Hà Tĩnh cùng với Bắc Giang, Đồng Nai, Phú Yên… là những tỉnh tỷ lệ tiếp dân của Chủ tịch so với quy định là 0%”.

Những trường hợp điển hình trên, cũng như “nơi chốn” mà Trưởng ban Dân nguyện “điểm mặt chỉ tên” và còn bao nhiêu nỗi bức xúc của người dân còn ở đâu đó, ở địa phương này, địa phương nọ chẳng khác nào kiểu “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ” – Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường căn dặn cán bộ, đảng viên: “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được; dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”. Cho nên, trọng dân, gần dân, sát dân, tin dân, hiểu dân, chia sẻ với dân, giúp đỡ dân là “điểm mấu chốt” để khắc phục “bệnh” quan liêu, xa rời quần chúng của cán bộ, đảng viên hiện nay. Để giữ mối liên hệ mật thiết giữa dân với Đảng, thì việc tự tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, vì nhân dân phục vụ phải trở thành yếu tố quan trọng, thường trực trong nhận thức, tình cảm, ý chí, hành động hàng ngày, hàng giờ, trong từng công việc của mỗi cán bộ, đảng viên; phải “thật lòng, thật tâm, thật tình” với nhân dân.

Chính quyền là của dân, do dân và vì dân, nhưng đâu đó vẫn có không ít những ông quan là người đại diện cho chính quyền lại xa dân và ngại tiếp xúc với người dân, nó dẫn tới bao bất ổn trong xã hội. Nói theo kiểu thi hào Goethe, mọi khẩu hiệu “Vì dân vì nước” đều là lý thuyết xám xịt, cho tới khi các vị có chức có quyền hiện thực hóa bằng hành động cụ thể thiết thực cho dân, thì nó mới trở thành cây lá xanh tươi. Mà một trong những hành động thiết thực nhất là gần dân, đàm thoại với dân và hiểu dân.

Theo đó, cần phải nhanh chóng, triệt để xóa bỏ căn bệnh quan liêu, bỏ thói quan cách. Làm được, sẽ vừa giúp mỗi cá nhân thêm hoàn thiện bản thân, mỗi cán bộ, công chức, viên chức là một “công bộc” tốt. Còn với tổ chức, công việc này còn góp phần tiêu diệt tận gốc tham ô, lãng phí, làm cho bộ máy thật sự trong sạch vững mạnh, bồi đắp thêm niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.

Chứ, tiếp dân, đối thoại với dân là công việc, trách nhiệm, nghĩa vụ của lãnh đạo mà các vị không làm được thì thử hỏi: Các vị còn làm được gì cho dân? Nói như Đại biểu Vũ Trọng Kim “Công việc của anh là công việc với dân mà anh không làm được thì nên nghỉ”. Có vậy dân mới được nhờ!
, ,

No comments:

Post a Comment