Cập nhật tin tức nóng hổi

Thí điểm giáo dục biến học sinh thành chuột bạch, khi thất bại chỉ “rút kinh nghiệm”!

Hơn 60 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu trong khi phiên thảo luận về dự luật Giáo dục (sửa đổi) chỉ gói gọn trong buổi sáng 15/11. Đại biểu Quốc hội bức xúc khi chương trình giáo dục thí điểm triển khai rộng, tốn kém mà khi không đến đâu, Bộ GD-ĐT chỉ báo cáo một câu “đã nghiêm túc rút kinh nghiệm”…
Thí điểm giáo dục biến học sinh thành chuột bạch, khi thất bại chỉ “rút kinh nghiệm”!
Hơn 60 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu trong khi phiên thảo luận về dự luật Giáo dục (sửa đổi) chỉ gói gọn trong buổi sáng 15/11. Đại biểu Quốc hội bức xúc khi chương trình giáo dục thí điểm triển khai rộng, tốn kém mà khi không đến đâu, Bộ GD-ĐT chỉ báo cáo một câu “đã nghiêm túc rút kinh nghiệm”…

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn góp ý về vấn đề thí điểm, thực nghiệm giáo dục

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa Vũng Tàu) đóng góp với dự luật chỉ một từ “thực nghiệm” với phân tích cho rằng, thực tế việc thực nghiệm, thí nghiệm này thời gian qua nhiều điểm không đạt yêu cầu, lấy học sinh ra làm chuột bạch.

Ông dẫn chứng với chương trình VNEN thí điểm những năm qua tiêu tốn… nhiều tỷ, làm khá rộng rãi xong rồi nói là không phù hợp, nhưng kết luận Bộ GD-ĐT chỉ nói đơn giản một câu “việc này đã được Bộ nghiêm túc rút kinh nghiệm”.

“Vậy thì học sinh đi về đâu sau thí điểm không thành công đó? Bộ GD-ĐT cần nói rõ là thí điểm tốn tiền tỷ như thế, học sinh làm chuột bạch như thế thì cũng phải nêu rõ để đại biểu, Quốc hội và cử tri biết” – ông Tuấn nói.

Đại biểu cho rằng bất cập nằm ở chỗ việc thí điểm, thực nghiệm không cần phải thông qua tại Quốc hội hoặc UB Thường vụ Quốc hội. Thực tế, cơ quan thẩm tra dự luật Giáo dục sửa đổi cũng nhận định, cần có cơ quan kiểm chứng hoặc phê duyệt trước khi triển khai các chương trình thí điểm giáo dục.

Tiếp thu ý kiến đó, cơ quan soạn thảo luật có nêu nội dung này trong tài liệu giải trình nhưng theo ông Tuấn, đọc kỹ thì chỉ thấy sự lòng vòng, không cầu thị. Cụ thể, quy định được tiếp thu là “Chính phủ trình UBThường vụ Quốc hội xem xét trước khi áp dụng đại trà chính sách mới trong giáo dục khi thí điểm thành công”. Viết luật như vậy, theo đại biểu nghĩa là thực hiện thí điểm vẫn không phải báo cáo, chỉ khi đưa kết quả thí điểm đó ra áp dụng đại trà mới báo cáo.

Cỗ máy giáo dục chưa thay đổi tương ứng với gia tốc của xã hội

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đặt vấn đề, ở mỗi trường học hiện không khó bắt gặp rất nhiều khẩu hiệu khác nhau, trường mẫu giáo thì ghi “trường là nhà, cô giáo là mẹ”, trường trung học thì ghi “Học, học nữa, học mãi”… nhưng trong hàng chục khẩu hiệu Bộ GD-ĐT quy định thì chưa có khẩu hiệu nào được gọi là triết lý giáo dục Việt Nam.

Đại biểu so sánh Singapore có một triết lý ngắn gọn “quốc gia học tập”; ở Hà Lan, triết lý này được đúc kết trong câu “học tập vì tương lai”; ở Nhật Bản, khẩu hiệu là “mỗi cá nhân hoàn thiện đạo đức”. Đại biểu nhận xét, soi từ dự luật Giáo dục sửa đổi chưa thấy điểm nào có thể tổng kết thành triết lý giáo dục Việt Nam.

“Soi các mục tiêu, chương trình đề ra thì thấy không khác gì 20 năm trước trong khi bối cảnh hiện tại đang đòi hỏi sự vận hành, đổi mới của triết lý giáo dục vì nhiều vấn đề của giáo dục đang vấp phải sự phản ứng của dư luận. Cỗ máy giáo dục chưa có sự thay đổi tư duy tương xứng với gia tốc ngày càng nhanh của xã hội. Như nguyên Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ luận nói, 50-60 năm hay việc dạy, học cơ bản không có gì thay đổi, thế hệ trước dạy gì, thế hệ sau dạy đúng như vậy” – ông Nhân khái quát.

Vấn đề đổi mới giáo dục đã đặt ra suốt 20 năm qua nhưng thực tế không ít sinh viên ra trường vẫn không viết nổi một văn bản hành chính cho đúng quy cách; các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng thì than dài vì phải đào tạo lại. Ở các cấp học thì việc đến trường cũng chưa phải là niềm vui, trở thành khát khao của mỗi học sinh. Tới nay, điểm trung bình tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh của học sinh vẫn chưa vượt qua được con số 5…

Đại biểu Nhân lập luận: “Giáo dục thiếu triết lý cũng như thiếu hải đăng dẫn đường. Quốc hội đã quyết tâm thay đổi giáo dục lần này một cách căn cơ thì xã hội cũng đã chờ đợi đủ lâu để trông đợi một triết lý giáo dục rõ ràng, thể hiện cách nào thì cũng cần phải hướng thiện, học để thành nhân và kiến quốc”.

Cũng nói về vấn đề triết lý giáo dục, đại biểu Cao Đình Thưởng (Thái Bình) phân tích, chất lượng dạy học hiện chưa cao, rất chậm đổi mới, tư duy giáo dục vẫn nặng về dạy chữ, dạy kiến thức hàn lâm mà coi nhẹ việc dạy – học kỹ năng, học đạo đức, học nghề. Điều đó làm cho việc học tập trở thành áp lực quá lớn khiến một bộ phận trẻ em kinh sợ đến trường. Điều đó cũng dẫn tới sai lầm của nhiều phụ huynh, muốn con mình thành con người ta, phải giỏi, giỏi một cách quá sức…

Thi cử, theo đó, cũng trở thành áp lực quá lớn và bị hiểu một cách sai lệch. Việc học từ mục đích để làm người , để làm việc thành ra học để thi mà thi để làm gì thì không mấy ai xác định được rõ ràng.

Đại biểu Thưởng cho rằng không nên tổ chức thi THPT quốc gia như hiện nay. Việc thi và đánh giá học sinh hết cấp 3 nên để các địa phương tự làm, tự tổ chức. Có chăng chỉ nên tổ chức kỳ thi quốc gia để chọn sinh viên đại học, cao đẳng, làm một cách khoa học, chặt chẽ để mỗi người không dám tiêu cực, không cần tiêu cực và không thể tiêu cực.

Nguồn https://dantri.com.vn/chinh-tri/thi-diem-giao-duc-ton-tien-ty-bien-hoc-sinh-thanh-chuot-bach-khi-that-bai-chi-rut-kinh-nghiem-20181115092132907.htm

No comments:

Post a Comment