Cập nhật tin tức nóng hổi

TP.HCM xử lý hàng loạt cán bộ nhũng nhiễu, chậm cấp sổ đỏ cho dân

Trong giai đoạn 2016 – 2018, TP.HCM đã xử lý hàng loạt trường hợp cán bộ sai phạm, nhũng nhiễu trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó, đã thay đổi 5 giám đốc, 7 phó giám đốc chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, xử lý 4 chuyên viên và chuyển xử lý hình sự đối với 1 trường hợp.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng tại kỳ họp
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng tại kỳ họp – Ảnh: Phan Diệu

Chiều 5.12, kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM khóa IX tiếp tục làm việc tại hội trường để nghe Thường trực HĐND TP.HCM báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị của công dân trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn thành phố”, cũng như thảo luận và thông qua nghị quyết về giám sát chuyên đề này.

Hàng ngàn trường hợp vẫn chưa được cấp sổ đỏ

Báo cáo tại kỳ họp, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết từ năm 2016 đến tháng 6.2018, TP.HCM đã cấp được 1,5 triệu giấy chứng nhận, đạt tỷ lệ 95,8% trên tổng số nhà, đất của toàn thành phố. Hiện nay, còn hơn 17.300 trường hợp chưa cấp giấy chứng nhận.

“Đây là con số lớn mà UBND TP.HCM đặt ra cho các sở, ngành và quận huyện phải chịu trách nhiệm đẩy nhanh hơn nữa việc cấp giấy. Cũng chính từ việc chưa được cấp giấy chứng nhận nên nhiều người dân làm đơn kiến nghị, phản ánh và khiếu nại. Cụ thể, tổng số đơn 24 quận huyện nhận được là gần 10.000 đơn, trong đó 7.800 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của quận huyện”, ông Hải cho hay.

Trong khi đó, báo cáo của Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP.HCM Trương Lâm Danh cho thấy trong tổng số đơn khiếu nại tại 24 quận huyện có 21,4% khiếu nại đúng, 74,8% khiếu nại sai và 3,8% khiếu nại có đúng có sai.

Với con số này, đại biểu Nguyễn Minh Nhựt cho rằng việc có 21,4% đơn khiếu nại thì thành phố cần xem lại đội ngũ cán bộ công chức, thanh lọc sao để phục vụ tốt. Còn khiếu nại sai tới 74,8% cho thấy việc tuyên truyền đến người dân chưa tốt, khiến người dân khiếu nại sai.

“Chúng tôi thấy rằng phần lớn việc chậm trễ trong giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hầu như là do sự phối hợp, trao đổi thông tin, hướng dẫn nghiệp vụ giữa cơ quan chuyên môn là Sở Tài nguyên – Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai và các sở, ngành liên quan với chính quyền địa phương hiện đang gặp nhiều vấn đề”, ông Nhựt nói.

Tương tự, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cũng bày tỏ sự băn khoăn về con số có 74,8% khiếu nại của người dân là sai mà báo cáo nêu ra. Theo ông Quân, với con số trên, có thể có hai trường hợp xảy ra, đó là khiếu nại sai do không biết mà sai và khiếu nại sai do biết mà sai. Từ đó, ông đề xuất với trường hợp khiếu nại sai do không biết mà sai thì thành phố cần xem xét lại để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền để làm sao đến với người dân một cách dễ hiểu. Còn trường hợp biết mà khiếu nại sai thì thành phố nên xem xét lại những quy định.

“Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn TP.HCM là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách. Đây không chỉ là quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân mà còn là việc giải phóng nguồn lực, là nguồn lực tài chính cho phát triển thành phố”, ông Quân nhìn nhận.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng tại kỳ họp
Một góc quang cảnh kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM khóa IX diễn ra ngày 5.12 – Ảnh: Phan Diệu

Phân cấp triệt để cho Văn phòng Đăng ký đất đai quận huyện

Tham gia trả lời chất vấn tại kỳ họp, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Toàn Thắng nói rằng ngành tài nguyên và môi trường chịu trách nhiệm khi để tình trạng đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của người dân xảy ra nhiều. Do vậy, để giải quyết tình trạng này, Sở đã phân loại và có những giải pháp cụ thể để giải quyê't tình trạng khiếu nại từ người dân.

Cụ thể, với tính trạng kiến nghị, phản ảnh tập trung việc cấp giấy chứng nhận lần đầu hoặc cấp đổi, cấp lại có chậm; ngành tài nguyên – môi trường đã tham mưu cho thành phố phân cấp lại cho Văn phòng Đăng ký đất đai để thực hiện việc cấp đổi từ tháng 10.2017 giúp giải quyết hồ sơ cho người dân nhanh hơn.

Cùng với đó, hiện nay Sở Tài nguyên – Môi trường đã tham mưu UBND TP.HCM phân cấp việc cấp giấy chứng nhận nhà đất cho 24 chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận huyện. Như vậy, nếu phân cấp triệt để về cho 24 chi nhánh thì toàn bộ công việc cấp đổi, cấp lại của người dân sẽ hiệu quả hơn; đồng thời giảm đơn khiếu nại, phản ánh đối với lĩnh vực cấp giấy chứng nhận.

Trong khi đó, lý giải về 17.303 trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận, ông Thắng cho biết trong số này có đến 6.921 trường hợp mua bán giấy tay sau ngày 1.1.2008. Theo quy định của pháp luật, nếu mua bán nhà đất sau thời điểm Luật Đất đai 2003 mà không có cơ quan có thẩm quyền công chứng hành vi đó thì không được xem xét cấp giấy chứng nhận, nên dẫn đến việc người dân khiếu nại.

“Vừa rồi, TP.HCM và các tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên – Môi trường, Chính phủ cho phép các trường hợp mua bán giấy tay từ 1.1.2008 đến 1.7.2014 trùng với thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực là được xem xét cấp giấy nhưng chính phủ chưa cho phép mà chỉ cho phép 6.921 trường hợp này chỉ thực hiện thủ tục đăng ký và quản lý để làm cơ sở dữ liệu”, ông Thắng lý giải.

Đối với trường hợp lấn chiếm, chuyển mục đích trái phép sử dụng đất sau thời điểm quy hoạch, ông Thắng nói thành phố có 3.416 trường hợp. Hiện nay, quận huyện phối hợp Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc để tháo gỡ và cấp giấy chứng nhận.

Đối với trường hợp vi phạm xây dựng, cơ quan chức năng sẽ xử lý vi phạm, sau đó cấp giấy chứng nhận. Hiện nay, thành phố còn hơn 1.000 trường hợp vi phạm nên các quận huyện đang phối hợp giải quyết.

Hơn 100 đơn tố cáo cán bộ cấp giấy chứng nhận nhũng nhiễu

Thông tin tại kỳ họp, ông Nguyễn Toàn Thắng cũng cho biết trong số các đơn thư khiếu nại, phản ánh thì có 100 đơn tố cáo cán bộ cấp giấy chứng nhận nhũng nhiễu hoặc năng lực hạn chế.

Chính vì vậy, trong giai đoạn 2016 – 2018, trên cơ sở kiểm tra giám sát, Sở Tài nguyên – Môi trường đã xử lý hàng loạt trường hợp. Trong đó, đã thay đổi 5 giám đốc chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai của các quận 1, Bình Thạnh, Tân Phú và huyện Bình Chánh; thay 7 phó giám đốc chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai ở các quận 6, Tân Phú và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh; xử lý 4 chuyên viên, trong đó chuyển xử lý hình sự đối với 1 trường hợp.

Phan Diệu
,

No comments:

Post a Comment