Cập nhật tin tức nóng hổi

Chính phủ sẽ tạo cơ chế để báo chí phát triển

Ngày 19/6, gặp gỡ báo chí nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẽ tạo cơ chế mới cho báo chí phát triển. Cái nào cần đặt hàng báo chí, cần bàn tay hỗ trợ của nhà nước thì sẽ quan tâm hơn và “nhà nước cùng lo với các đồng chí”…
Chính phủ sẽ tạo cơ chế để báo chí phát triển
Dư luận hết mình đồng tình, ủng hộ trước phát biểu của Thủ tướng về phát triển báo chí

Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngay lập tức gây “bão dư luận” và được phủ kín trang nhất các mặt báo. Cũng dễ hiểu, bởi đây là điều mà các cơ quan báo chí trong nước luôn mong đợi. Nhất là trong bối cảnh ngành báo chí đang gặp nhiều khó khăn bởi sự thay đổi tình hình thông tin – truyền thông trong thời đại mới.

Phát biểu của Thủ tướng cũng là một lời khẳng định đanh thép trước những luận điệu xuyên tạc cho rằng Việt Nam “đàn áp tự do báo chí”, “đối xử không công bằng với ngành báo”,…

Khó khăn chồng chất khó khăn của ngành báo

Hiện nay, các cơ quan báo chí đang chịu sự cạnh tranh thị phần gay gắt từ mạng xã hội, các kênh phương tiện truyền thông trên mạng Internet. Lượt người tiếp cận báo chí giảm làm thị phần quảng cáo giảm theo. Doanh thu của các cơ quan báo chí cũng dần dần “lao dốc” khiến khó khăn chồng chất khó khăn.

Trên thực tế, báo chí với mạng xã hội, truyền thông trên Internet là hai nguồn thông tin hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng, do nhận thức, tâm lý xã hội sai lệch, đa phần chưa phân định được rõ thông tin báo chí với thông tin mạng xã hội. Thói quen của cộng đồng dần chuyển từ đọc báo, xem thời sự sang cập nhật tin tức bằng cách lên Facebook, xem Youtube,… Điều này thực sự nguy hiểm bởi thông tin trên báo chí thì được kiểm duyệt, xác thực chặt chẽ trong khi mạng xã hội thì tràn lan đầy đủ cả tin giả, tin thật và những tin thật giả lẫn lộn.

Cùng đó, báo chí khi đăng tải tin, bài viết thì phải trả phí cho người cung cấp tin, người viết bài. Trong khi mạng xã hội lại có thể chia sẻ miễn phí những tin, bài viết trên báo chí để tiếp cận người đọc. Đây tiếp tục là một bất công theo kiểu “ăn cắp sản phẩm” mà không thể có hình thức xử lý.

Trong thời đại công nghệ số, khi báo chí dần chuyển từ báo giấy sang báo điện tử, truyền thanh, truyền hình số thì các cơ quan báo chí tiếp tục gặp khó khăn về hạ tầng kỹ thuật, vốn đầu tư, nguồn nhân lực vận hành. Một số cơ quan báo chí nhanh chóng tiếp cận với điện tử, viễn thông, xây dựng các trang báo điện tử nhưng không thể tạo ra được các hình thức tiếp cận sáng tạo, không có các tính năng kết nối,… nên đa phần đều “thua” các trang mạng xã hội. Thậm chí, một số tờ báo lớn trong quá trình vận hành, sử dụng các trang tin điện tử của mình còn gặp phải các vụ tấn công mạng, bị “hacker” chiếm quyền điều khiển, tự ý thay đổi nội dung đăng tải trên trang tin điện tử,… Những khó khăn về hạ tầng công nghệ và nhân lực sẽ tiếp tục cản trở các cơ quan báo chí trong cuộc chiến giành lại thị phần từ các trang mạng xã hội.

Chờ đợi vào Chính phủ

Có lẽ, Chính phủ đã hiểu hết được những khó khăn, nên đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ đã không ngần ngại khi phát biểu thẳng thắn về việc trợ giúp cho sự phát triển của báo chí trong nước.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2019, Chính phủ sẽ tuyên bố chuyển đổi số quốc gia, trong đó có chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí. Thủ tướng cũng nêu rõ: “Chính phủ sẽ tạo cơ chế mới cho báo chí phát triển. Tự chủ báo chí phải được hiểu theo nghĩa là cái nào tự chủ được thì phải tự chủ hơn, cái nào cần đặt hàng, cần bàn tay hỗ trợ của nhà nước thì nhà nước quan tâm hơn. “Nhà nước cùng lo với các đồng chí”. Chính phủ sẽ quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo báo chí, sẽ tạo điều kiện hình thành một số cơ quan báo chí có quy mô lớn, làm đầu tàu cho báo chí Việt Nam. Về công nghệ cho báo chí, Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ.

Rõ ràng, lời hứa ấy đã bao trùm hết việc giải quyết các khó khăn của báo chí về công nghệ, về nguồn lực, về vật chất,… Đó là những điều kiện trực tiếp mà Chính phủ sẽ mang lại để báo chí có được ưu thế trước mạng xã hội và kênh truyền thông tự phát trên mạng Internet.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh đến vấn đề “báo chí cách mạng”, thực hiện “quy hoạch báo chí”. Trọng tâm là làm sao để báo chí phát huy đúng vai trò, chức năng của mình là cung cấp thông tin đúng sự thật, định hướng xã hội đến những chuẩn mực tốt đẹp, đẩy lùi những thông tin xấu, thông tin sai trái, độc hại. Báo chí phải như “báo chí cách mạng 94 năm về trước”…. Tất nhiên, các cơ quan báo chí hoàn toàn có thể làm, và làm tốt những nhiệm vụ này.

Khi cả Chính phủ và ngành báo chí cùng thực hiện được những nội dung nói trên, khi ấy báo chí Việt Nam mới thực sự đi đúng hướng. Sự trợ giúp của Chính phủ dành cho báo chí nước nhà không chỉ là niềm mong mỏi của riêng các cơ quan báo chí mà còn là mong mỏi của toàn dân. Người dân đang chờ đợi và mong muốn được hưởng một nền báo chí cách mạng phát triển đúng hướng.
, ,

No comments:

Post a Comment