Cập nhật tin tức nóng hổi

Xử Nguyễn Khắc Thủy công khai, sao phải xử kín Nguyễn Hữu Linh?

Phiên tòa xét xử Nguyễn Hữu Linh (sinh năm 1958, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND TP. Đà Nẵng) về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” sẽ diễn ra ngày 25/6 tại TAND quận 4, TP.HCM và sẽ xử kín.

Việc TAND quận 4 xử kín đối với Nguyễn Hữu Linh đã gây nên những ý kiến trái chiều, nhất là việc với hành vi tương tự, Nguyễn Khắc Thủy (TP Vũng Tàu) lại bị xét xử công khai hồi tháng 6/2018.
Xử Nguyễn Khắc Thủy công khai, sao phải xử kín Nguyễn Hữu Linh?
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương – Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định tại điểm d Điều 7 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 (thời điểm sau khi xét xử Nguyễn Khắc Thủy – PV), “đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự”.

“Như chúng ta đã biết, người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm sinh lý. Do vậy, khi xét xử các vụ án xâm hại tình dục có người dưới 18 tuổi tham gia thì cũng cần phải chú ý đến các biểu hiện về tâm, sinh lý của họ và không làm họ vị tổn thương. Đặc biệt trong vụ án này bị hại là 1 bé gái cần bảo vệ và không làm tổn thương bé nếu bé tham dự phiên tòa”, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương nói.

Cũng theo nữ luật sư này, trước đây, mỗi khi tham giao bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại trong những vụ án tương tự, bà thường phải yêu cầu xử kín vì bị hại là trẻ vị thành niên. Mặc dù trước đó đã có những quy định về việc này nhưng không được chi tiết như Thông tư 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 của Tòa án Nhân dân Tối cao.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, Điều 25, Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng. Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

“Trong vụ án dâm ô với trẻ em mà bị can Nguyễn Hữu Linh là một trong những vụ án khiến dư luận hết sức bức xúc, thậm chí nhiều người phẫn nộ bởi người gây án lại là người hiểu hiểu biết pháp luật, từng nhiều năm làm công tác bảo vệ pháp luật. Bởi vậy rất nhiều người mong muốn được xét xử công khai, thậm chí xét xử lưu động để nhiều người được biết, để răn đe, phòng ngừa chung. Tuy nhiên, đối với những vụ án xâm hại tình dục trẻ em thì thường tòa án xét xử kín, việc này không phải vì bênh vực cho bị cáo mà vì danh dự, nhân phẩm và uy tín của người bị hại …”, luật sư Đặng Văn Cường nói.

Từng tham gia bảo vệ nạn nhân trong những vụ án tương tự, Luật sư Cường cho biết, khi xét xử, tòa án sẽ yêu cầu đại diện Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng (công khai toàn bộ diễn biến vụ việc, thông tin vụ việc…), công bố công khai và phân tích các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có thể xem xét các hình ảnh, clip, xem xét các vật chứng tại phiên tòa… Bởi vậy, quá trình tranh tụng sẽ làm rõ, phơi bày toàn bộ thông tin nhân thân của người bị hại, hình ảnh của người bị hại và các tình tiết, diễn biến của vụ án khiến người bị hại có thể lo lắng, thông tin của người bị hại có thể được phát tán ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín và sự phát triển của người bị hại là cho em.

“Dù người bị hại có vắng mặt tại phiên tòa thì các thông tin, hình ảnh, các chứng cứ trong hồ sơ cũng được phơi bày, đánh giá, phân tích công khai tại phiên tòa. Trong trường hợp xét xử công khai thì những thông tin đó rất khó kiểm soát, có thể ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý, đời sống của người bị hại. Dù xét xử kín nhưng vẫn tuyên án công khai, xét xử kín không ảnh hưởng đến kết quả xét xử, không ảnh hưởng đến hình phạt, chế tài áp dụng đối với bị cáo”.

Nhận định về vụ án Nguyễn Hữu Linh, luật sư Cường cho rằng đối tượng thực hiện hành vi phạm tội từng là lãnh đạo trong cơ quan bảo vệ pháp luật, bởi vậy mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, cũng như để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội, đảm bảo môi trường an toàn, lành mạnh cho việc phát triển của trẻ em.

(Theo Infonet)
,

No comments:

Post a Comment