Sau vụ xả hơn 1 triệu m3 nước Hồ Tây làm trôi khu thí điểm công nghệ nano-Bioreactor trên sông Tô Lịch khiến dự án phải lùi thêm 2 tháng, chiều 23/7 Thành ủy Hà Nội tổ chức cuộc họp báo.
Tại đây ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thoát nước HN (TNHN) và ông Lê Tự Lực, Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố đã phát biểu những thông tin phân bua như: đã xả nước đúng quy trình, có thông báo trước, đã giúp đỡ hết mình cho phái đoàn Nhật Bản làm công tác, đại diện NB (JVE) đã thừa nhận sai, đồng thời cung cấp các thông số kỹ thuật như lưu lương mưa, cường độ dòng chảy…
Tôi không phải là cư dân gần sông Tô Lịch, cũng không phải chuyên gia thoát nước nên không lạm bàn chuyên môn. Nhưng trong vụ việc này, về phương pháp làm việc, văn hóa ứng xử và một số khía cạnh khác chưa đi đến cùng của sự thật, nên cần góp phần làm rõ để giải tỏa những xầm xì trong dư luận và sự khó hiểu cho các chuyên gia nước ngoài.
Được biết buổi họp báo hôm 23/7 không có phía JVE tham dự. Có thể công ty TNHN có mời nhưng JVE không dự, có thể họ không được mời, hoặc mời nhưng không thiện chí thiếu trân trọng nên JVE không đi. Nguyên nhân gì chăng nữa nhưng để tôn trọng sự khách quan và tính thông tin đa chiều, buổi họp báo hôm đó đáng ra không nên tiến hành, mà đợi cho đến khi đủ ba bên.
Đoạn sông Tô Lịch nơi thử nghiệm công nghệ Nhật Bản chiều 16/7
Nếu vì lý do bất khả kháng phải họp thì công ty TNHN không nên một bề nói về mình, rồi nói thay cho đối tác Nhật: “Công ty JVE cũng thừa nhận đã nóng vội, không nghiên cứu kỹ hệ thống thoát nước nói chung, khu vực đầu mối Hồ Tây và sông Tô Lịch cũng như không tính đến thời điểm mưa, không đánh giá hết những yếu tố rủi ro”, là những căn bản về nguyên tắc họp báo, văn hóa ứng xử và tôn trọng đối tác.
Trang báo mạng Vtc.vn đưa tin về cuộc họp này, nhiều bạn đọc đã phản ứng. Độc giả tên Thế Bình nói: “Khi mà có 1 Công ty đang độc quyền xứ lý ô nhiễm tại Hà Nội bằng công nghệ Red3C thì đố các chuyên gia Nhật thử nghiệm thành công ở sông Tô Lịch”; Nguyễn Khánh thì: “Tôi sống bờ sông Tô hơn 60 năm nay, chưa thấy xả nước hồ Tây qua sông Tô. Nhân dịp người Nhật xử lý gần có kết quả thì mới xả cho trôi”. Còn Nguyễn Xuân thì: “Tại sao bao năm nay Sông Tô Lịch không xả nước bỗng nhiên khi có dự án thí điểm làm sạch thì lao vào xả nước”?…
Ngày 26/7, Tiến sĩ Tadashi Yamanura Chuyên gia Liên hợp Quốc về môi trường trực tiếp tới khu thử nghiệm sông Tô Lịch để kiểm tra tình hình và thông tin một số nội dung.
Theo ông Tadashi thì trong văn bản gởi lên Thủ tướng, phía Nhật không quy trách nhiệm cho ai, đồng nhận trách nhiệm và ông khẳng định an toàn tính mạng của người dân phải là điều kiện tiên quyết trong thực hiện dự án.
Ông cũng cho rằng tại cuộc họp báo Thành ủy Hà Nội hôm 23/7 phía Nhật không được dự và có một số thông tin là một chiều, chưa chính xác: “việc xả nước chỉ được thông báo trước 15 phút, trong khi ở Nhật phải báo trước ít nhất 3-5 ngày”.
Phải chăng ông ngầm ý rằng bên xả nước nêu lý do “vì an toàn tính mạng người dân” nên JVE không thể thương thảo, và thời gian báo trước quá gấp rút làm họ không kịp trở tay?
Lần theo lời bình của các độc giả trên Vtc.vn, tôi tra cứu thuật ngữ “Red3C” (Redoxy-3C) thì được biết đây là chất xử lý ô nhiễm môi trường nước của một công ty ở Đức sản xuất, được công ty Arktic nhập về bán lại cho công ty TNHN với giá chênh lệch khá cao.
Cụ thể trong hai ngày15 và 29/8/2016, Công ty Arktic nhập 19.440kg, tổng cộng năm 2016 nhập 74.440 kg. Giá nhập khẩu là 213.000 đồng/kg, họ báo giá cho Công ty thoát nước Hà Nội là 372.900 đồng/kg (4). Ghi nhận có dư luận khen chế phẩm Redoxy-3C đã mang lại hiệu quả tốc độ xử lý nhanh, mùi hôi thuyên giảm, nhưng đồng thời cũng tồn tại thông tin tiêu cực như dùng tiền ngân sách mua sản phẩm mà không tổ chức đấu thầu công khai…
Với sự cẩn trọng cần thiết, nên chăng công ty TNHN và UBND thành phố Hà Nội làm rõ các thông tin vừa nêu để giải tỏa nghi vấn trong dân. Nếu “sự cố” xả nước là vô tư, trong sáng thì nên kiểm điểm kinh nghiệm về phương pháp làm việc, tinh thần cộng tác của hai bên là công ty TNHN và JVE.
Còn nếu có vi phạm, tiêu cực thì phải truy cho ra cái gốc, quy đến cùng trách nhiệm người đứng đầu. Không để một dự án liên quan đến quốc kế dân sinh ngay giữa thủ đô mà bị ai đó ngang nhiên giở chiêu trò mờ ám, gây sự tổn hại thanh danh của chính quyền, tài sản nhà nước, niềm tin của nhân dân.
Muốn cải thiện môi trường nước sông Tô Lịch cần phải cải thiện nhiều điều, trong đó phương pháp làm việc, văn hóa ứng xử và cả đạo đức của cán bộ… Nếu không nước sông Tô Lịch khó mà được cải thiện; chiêu trò mờ ám sẽ lại tiếp diễn, cuốn trôi kết quả thử nghiệm đồng thời cuốn trôi cả danh dự và lòng tử tế.
(Theo Vietnamnet) Chính trị , Kinh tế , Môi trường , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment