Bộ GTVT vừa trả lời kiến nghị của cử tri liên quan viêc lựa chọn nhà thầu tham gia các dự án giao thông, đặc biệt là nhà thầu Trung Quốc.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là một trong những dự án lựa chọn nhà thầu Trung Quốc
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 6937 gửi Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Bình gửi đến trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Bình với nội dung: “Đề nghị thận trọng hơn trong việc lựa chọn nhà thầu tham gia các dự án giao thông, đặc biệt là nhà thầu Trung Quốc”.
Bộ GTVT cho hay, trong thời gian qua, các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đã được Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tổ chức thực hiện, đảm bảo phù hợp các quy định pháp luật có liên quan, trong đó bao gồm công tác lựa chọn nhà thầu tham gia thực hiện các gói thầu thuộc dự án.
Bộ đã có các văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh việc thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu, yêu cầu các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, Bên mời thầu nghiêm túc thực hiện đúng quy định, hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về cơ bản, các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đã thực hiện tốt công tác lựa chọn nhà thầu, từ việc lập Hồ sơ mời thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu, đánh giá Hồ sơ dự thầu, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng…; nhà thầu được lựa chọn đều đáp ứng yêu cầu năng lực, kinh nghiệm thực hiện hợp đồng.
Theo quy định pháp luật Việt Nam, việc tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu chỉ được thực hiện khi: Nhà tài trợ vốn cho gói thầu có yêu cầu tổ chức đấu thầu quốc tế; Gói thầu mua sắm hàng hóa mà hàng hóa đó trong nước không sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, giá; Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp mà nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu. Do vậy, các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông sử dụng vốn trong nước không tổ chức đấu thầu quốc tế, chỉ có nhà thầu trong nước được tham dự thầu.
Đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA, nhà thầu Trung Quốc được tham dự thầu nếu đáp ứng điều kiện của Hiệp định vay, quy định, hướng dẫn về đấu thầu của nhà tài trợ. Đối với các dự án ODA sử dụng vốn vay JICA, EDCF, WB, ADB,… nhà thầu Trung Quốc trúng thầu cơ bản đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng thi công xây dựng.
Tại một số dự án ODA sử dụng vốn vay của Trung Quốc mà Hiệp định vay vốn có quy định phải lựa chọn nhà thầu Trung Quốc thực hiện dự án; trong đó có dự án còn có tồn tại, vướng mắc về việc thực hiện hợp đồng của nhà thầu Trung Quốc, đặc biệt đối với dự án thực hiện theo hình thức họp đồng EPC.
Những tồn tại này một phần do pháp luật trong nước trước đây cũng như hiện nay chưa quy định, hướng dẫn đầy đủ, cụ thể về việc quản lý, thực hiện hợp đồng EPC; đồng thời đây là những dự án có kỹ thuật, công nghệ mới, phức tạp, lần đầu được thực hiện tại Việt Nam dẫn đến còn khó khăn, lúng túng khi giải quyết, xử lý những vấn đề phát sinh, do đó cần được nghiên cứu kỹ khi ký kết Hiệp định vay vốn, đồng thời hoàn thiện quy định pháp luật về EPC làm cơ sở thực hiện.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, khiếm khuyết nếu có nhằm đảm tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng công trình, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn; trong đó sẽ quan tâm hơn nữa đối với các dự án nếu thực hiện theo hình thức họp đồng EPC.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng sẽ nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trong quá trình đàm phán Hiệp định vay vốn với nhà tài trợ nước ngoài, trong đó bao gồm vốn vay của Trung Quốc để công tác lựa chọn nhà thầu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
(Theo Bizlive) Chính trị , Kinh tế , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment