Cập nhật tin tức nóng hổi

Giường bệnh mắc hơn khách sạn: Vì đâu nên nỗi?

Giá giường bệnh cao hơn giá khách sạn, đó là điều hoàn toàn phù hợp. Khách sạn chỉ có dịch vụ ở, sang nữa thì thêm cái hồ bơi. Tiền trả cho khách sạn là trả cho cái phòng nằm, cảnh quan, và có thể là cái hồ bơi. Còn các dịch vụ khác, thì móc tiền ra trả thêm.

Trong khi đó, để xây dựng một bệnh viện, chi phí cao gấp rất nhiều lần so với khách sạn. Lấy một vật dụng rất cơ bản để so sánh, đó là cái giường. Cái giường phổ thông sang nhất trong khách sạn là giường King size, thì cũng chỉ tầm 100 đến 150 triệu đồng là cùng. Nhưng cái giường bệnh loại “xịn” thì trên 1 tỉ đồng. Còn giường đủ chức năng cơ bản, không phải của hãng xịn, thì cũng trên 200 trăm triệu đồng.
Giường bệnh mắc hơn khách sạn: Vì đâu nên nỗi?
Chi phí để xây dựng một khách sạn cũng thấp hơn khá nhiều so với xây dựng một bệnh viện. Đối với các bệnh viện tư được thiết kế theo kiểu “5 sao” hiện nay, chi phí cho một giường bệnh trung bình khoảng trên 20 tỉ đồng. Tôi đã đến thăm một bệnh viện đang xây dựng ở Úc, nơi tính trung bình, chi phí cho việc xây dựng mỗi giường bệnh là hơn 10 triệu AUD, tức là, trên 180 tỉ đồng. Qui chuẩn về thiết kế, xây dựng, vật liệu xây dựng… đối với bệnh viện thường cao hơn, khắt khe hơn nhiều so với khách sạn, và từ đó, giá thành xây dựng cũng cao hơn rất nhiều.

Chi phí nhân viên cho bệnh viện thì cao hơn rất nhiều so với khách sạn. Ngoài đội ngũ vận hành, chăm sóc khách hàng… giống y như khách sạn, thì lực lượng chuyên môn, gồm bác sĩ, dược sĩ, kĩ thuật viên… là một khối lượng nhân sự rất đáng kể.

Tất nhiên, trước giờ, bệnh viện của chúng ta không theo chuẩn mực nào. Giường bệnh thực chất là những chiếc giường rất tệ hại, tệ hại hơn giường ngủ. Phòng bệnh cũng vậy, cứ xây mấy bức tường lên, là thành phòng bệnh. Còn nhân viên y tế, họ là mẹ hiền, nên không cần ăn, không cần uống, mà chỉ phục vụ như nô lệ.

Thậm chí, nhân viên y tế ở Việt nam còn không cần đến danh dự, nhân phẩm, ai muốn đâm, muốn chém, muốn chửi bới, mạt sát, và muốn bỏ tù, thì cứ việc. Không ai trong đất nước này có trách nhiệm phải bảo vệ nhân viên y tế, những kẻ nô lệ trong cái xã hội công bằng, văn minh này.

Trong một xã hội không coi trọng tri thức, thì việc học nhiều, học lâu, đầu vào khó khăn của nhân viên y tế chẳng có ý nghĩa gì với các nhà hoạch định chính sách cả. Mức chi trả cho họ còn thấp hơn những ngành lao động khác, không đòi hỏi chất xám nhiều.

Thế cho nên, cái gì liên quan đến y tế đều rẻ, rẻ hơn bèo. Rẻ từ giá cả, đến cả nhân phẩm con người. Thế cho nên, khi nói đến việc giá giường bệnh cao hơn giá khách sạn, thì mọi người nhao nhao lên phản đối.

Thế tại sao ngành y ở Việt nam lại bị rẻ rúng như vậy? Ngoài khái niệm mẹ hiền, để cho từ trên xuống dưới, để cho cả xã hội này coi nhân viên y tế là nô lệ như nói ở bên trên, thì công đầu thuộc về những nhà quản lí. Thay vì giải thích cụ thể, rằng để đáp ứng những yêu cầu rất khắt khe của y tế, dẫn đến giá thành thực sự của y tế rất cao, thì họ lại diễn giải, là lên giá để bệnh nhân khỏi phải đi ra nước ngoài. Chắc họ nghĩ rằng mấy bệnh nhân đó cần xài tiền quá nên ra nước ngoài xài cho hết?

Ngoài lí do ngành y ở Việt nam bị coi rẻ, thì còn lí do gì để người ta phản đối việc giá bệnh viện đắt không? Có đấy. Có người lí luận rằng, đâu ai bắt người bệnh vào chỗ giá mắc hơn khách sạn cao cấp, không tiền thì cứ chọn chỗ giá thấp mà vô. Nghe hợp lí. Tôi cũng vẫn thường khuyên người bệnh như vậy, khi họ là những người nghèo.

Nhưng việc người bệnh vào những bệnh viện rẻ tiền có giải quyết được vấn đề không?

Trong một xã hội luôn có người giàu kẻ nghèo. Có nhiều lí do để người ta nghèo, nhưng trên thực tế, trong bất cứ xã hội nào, luôn có một nhóm người phải chịu thiệt thòi cho người khác vươn lên, giàu hơn mình. Nhiệm vụ của bất cứ một nhà nước nào cũng đều phải là chăm lo cho những người kém may mắn ấy, bằng nguồn lực công, từ tiền thuế của những người may mắn hơn họ.

Việt nam là một đất nước có rất nhiều người nghèo. Bên cạnh những người phải chịu thiệt thòi do quá trình phát triển như ở bất cứ nước nào khác, thì Việt nam còn có những người là nạn nhân của chiến tranh, nạn nhân của tham nhũng, và nạn nhân của các chính sách kinh tế sai lầm.

Tuy nhiên, mặc dù luôn tự nhận là nhà nước của giai cấp vô sản, luôn đề cao người nghèo, nhưng chính sách y tế của chúng ta lại không chăm lo cho người nghèo. Y tế càng phát triển, người nghèo càng thiệt thòi.

Tại sao không để việc phát triển những bệnh viện 5 sao, 6 sao, phục vụ cho người có tiền, cho tư nhân lo, để dành nguồn lực công cho người nghèo? Tại sao lại dành nguồn lực công, để tạo ra các ốc đảo dành riêng cho người giàu, từ đó làm giảm bớt quyền lợi của người nghèo?

Có phải nhà nước này đang tranh giành với tư nhân để kiếm lời? Hay nhà nước đang dùng nguồn lực công, lẽ ra phải dành cho người nghèo, để làm giàu cho một nhóm tư nhân thân hữu, dưới chiêu bài xã hội hóa y tế?

Theo FB Võ Xuân Sơn ,

No comments:

Post a Comment