Nếu chỉ nhìn trên góc độ thầy thuốc thấy chết không cứu thì rõ ràng là bác sĩ sai quá rồi. Thầy thuốc được đào tạo ra là để cứu người. Dù có cứu được hay không, nhưng đã là thầy thuốc, thì phải luôn tâm niệm làm điều tốt nhất, cứu được mạng sống, hạn chế sự tàn phế của người bệnh.
Là thầy thuốc, thấy bệnh nhân rơi vào nguy hiểm, thấy nguy cơ bệnh nhân sẽ chết, hoặc tàn phế vĩnh viễn, mà trong tầm khả năng của mình nhưng lại không ra tay cứu, có bị chửi là vô cảm thì cũng đúng. Là thầy thuốc, thấy còn có khả năng cứu người, và trong tầm khả năng của mình, nhưng lại không ra tay, thì có bị chửi là vô lương cũng không oan.
Nhưng nếu chúng ta tỉnh táo hơn, sẽ thấy vấn đề khác đi một chút. Nếu thầy thuốc vì lương tâm của mình ra tay cứu một người. Chưa biết thành công hay thất bại, nhưng nếu nguy cơ thầy thuốc đó phải đi tù vì hành vi cứu người ấy là hiển nhiên, thì rất có thể đó là một hành động dại dột, và có thể được coi là vô lương.
Tại sao vậy? Để thỏa mãn cái gọi là lương tâm của mình, vị thầy thuốc ấy đã lao vào cứu chữa người bệnh kia. Nhưng sau đó, vị thầy thuốc ấy phải vô tù. Cha mẹ, và có thể cả cha mẹ vợ hoặc chồng của vị thầy thuốc ấy, sẽ bị đột quị vì con của họ phải đi tù. Vậy thì người thầy thuốc ấy đã chỉ vì cái tiếng tăm của mình mà giết hại những người thân của mình, phạm tội tày trời, là tội bất hiếu.
Khi vô tù, Người thầy thuốc ấy cũng đã đẩy con mình vào cảnh không cha hoặc không mẹ. Lại còn làm cho con khi đi học bị bạn bè gọi là con của người tù. Nếu người con sinh ra chán nản, rồi lao vào hút xách, nghiện ngập, thì vị thầy thuốc ấy sẽ mang một cái tội rất lớn. Đó là tội bất nhân. Đấy là chưa kể cái tội bất nhân do không biết tự thương mình.
Người thầy thuốc ấy cũng đã đẩy vợ hoặc chồng mình vào cảnh phải một mình gánh vác cho cả gia đình khi bước chân vô tù. Lại còn phải lo thêm cho một gánh nặng, là bản thân người thầy thuốc ấy. Người thầy thuốc ấy còn mắc thêm một cái tội, là đã không quan tâm gìn giữ gia cang của chính mình, tạo cơ hội để cho gia đình tan vỡ. Đó là tội bất nghĩa.
Để được coi là bác sĩ có tâm, mà phải trở thành một kẻ bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa. Vậy thì có đáng để phải gìn giữ cái tiếng là có tâm, có đức hay không?
Vấn đề là xã hội, nếu muốn người thầy thuốc luôn hành động theo y đức, theo lương tâm, không vô cảm, thì xã hội ấy phải chăm lo cho người thầy thuốc ấy, để họ có thể thực hiện thiên chức của mình mà không bị phạm vào những trọng tội trên. Pháp luật phải tạo ra một môi trường an toàn cho các thầy thuốc, để họ có thể thực hiện theo cái tâm, cái đức của mình mà không bị tống vào tù.
Nếu một xã hội mà trong đó pháp luật không bảo vệ các thầy thuốc, các thành viên thì chỉ biết đòi hỏi các thầy thuốc phải hành động thật đạo đức, phải xả thân cứu người, nhưng lại thờ ơ với việc họ bị tống vào tù một cách oan ức, thì đó là một xã hội bất nhân, bất nghĩa, và bất trí. Đó không còn là xã hội loài người. Đó cũng không phải xã hội của loài vật, vì xã hội của loài vật như ong, kiến, mối… đều có các cơ chế để bảo vệ các thành viên của mình.
Đó chỉ có thể là xã hội của ma quỉ. Cái xã hội đó nhất định sẽ bị diệt vong. Những con người trong cái xã hội ấy xứng đáng để được bị bỏ rơi, bị đối xử vô cảm, bị cho chết đúng qui trình.
Theo FB BS Võ Xuân Sơn Tin trong nước , Xã hội , Y tế
No comments:
Post a Comment