Cập nhật tin tức nóng hổi

Metro ga Hà Nội - Nhổn được thiết kế 80km/h nhưng chỉ chạy 35km/h

ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định) đặt câu hỏi liên quan tới những thông tin vừa được tiết lộ về đoàn tàu tuyến metro Nhổn – Ga Hà Nội.

Cụ thể, theo thông tin từ Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), đoàn tàu tuyến metro Nhổn – Ga Hà Nội đang được lắp ráp tại Pháp; Dự kiến đoàn tàu đầu tiên sẽ về Việt Nam vào tháng 7/2020 để kịp tiến độ tàu chạy đoạn trên cao vào tháng 4/2021. Đoàn tàu này có thể chuyên chở 850 – 950 người, khai thác tốc độ thương mại 35 km/giờ, tốc độ thiết kế 80 km/giờ.

Về thông tin này, vị đại biểu đặt câu hỏi: “Vì sao dự án thiết kế 80 km/giờ nhưng khai thác thương mại chỉ đặt tốc độ 35 km/giờ?”

Ông Nhường nhấn mạnh, dự án thiết kế tốc độ 80 km/giờ thì mọi khâu từ thiết kế dự án, thiết kế máy móc, thiết bị, cho tới khâu xin vốn đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành khai thác đều phải được xây dựng theo tiêu chí cơ bản để đáp ứng được tốc độ 80 km/giờ. Như vậy, chi phí cũng chênh nhau rất lớn.

Lấy ví dụ từ hai phương án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam đang gây tranh cãi, ông Nhường cho biết, một phương án lựa chọn tốc độ 200 km/giờ với phương án 350 km/h mà đã chênh nhau lên tới 32 tỷ USD.
Metro ga Hà Nội - Nhổn được thiết kế 80km/h nhưng chỉ chạy 35km/h
Tiến độ đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Cầu Giấy vẫn chậm chạp.

“Dự án được thiết kế vận tốc 80 km/giờ thì phải chạy được tốc độ tối thiểu là 80 km/giờ. Có thể, chấp nhận vận hành với tốc độ thấp ở thời gian đầu để làm quen với đường và bảo đảm an toàn, tuy nhiên, khi muốn tăng tốc độ thì có tăng được không?

Rõ ràng đây là vấn đề phải làm rõ vì nếu thiết kế đúng vận tốc 80 km/giờ mà chỉ vận hành 35 km/giờ là lãng phí rất lớn. Ngược lại, thiết kế vận tốc 80 km/giờ nhưng tàu chỉ vận hành được 35 km/giờ thì phải xem lại công tác tư vấn, thiết kế và tổng mức đầu tư.

Ở đây còn cả vấn đề liên quan tới quyền lợi, lợi ích của hành khách sau này nữa. Vì theo dự định tàu chạy với tốc độ nhanh hơn, bây giờ chậm hơn rõ ràng sẽ mất thêm thời gian, tiền bạc của người đi lại.

Rất nhiều vấn đề trong câu chuyện này tôi cho rằng các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần vào cuộc làm rõ”, ông Nhường nêu quan điểm.

Về dự kiến đưa tàu về nước từ năm 2020, chạy trên cao vào tháng 4/2021, trong khi đó, tuyến đường sắt trên cao thiếu vốn, phải lùi tiến độ đến năm 2022, ông Nhường cho rằng đây là nguy cơ lãng phí rất lớn.

Vị đại biểu phân tích, theo nguyên tắc hàng hóa trao tay là tiền phải thanh toán ngay. Như vậy, nhận tàu ở thời điểm nào, Việt Nam sẽ phải trả tiền ở thời điểm đó.

Mức độ lãng phí, thất thoát sẽ được xem xét, tính toán căn cứ dựa trên các điều khoản ký kết của từng loại hợp đồng.

Theo ông Nhường, sẽ có mấy khả năng xảy ra như: hợp đồng ký kết trọn gói, tức là phải vận hành đồng bộ thì mới thanh toán hay thanh toán theo từng hạng mục, từng phần mua về của thiết bị.

Ví dụ, nếu trong hợp đồng ghi rõ, đến năm 2022 dự án sẽ hoàn thiện và vận hành đồng bộ, khi đó, Việt Nam phải trả trước tỉ lệ chi phí là bao nhiêu phần trăm, bao nhiêu phần trăm được giữ lại để bảo hành, bảo trì thì Việt Nam sẽ thanh toán số tiền như trong ký kết. Trong trường hợp này, Việt Nam có thể không bị thiệt.

Ngược lại, nếu hợp đồng ký kết thanh toán theo từng hạng mục, tức là thiết bị mang về tới đâu sẽ phải trả tiền tới đó như vậy, trường hợp này không tính toán thận trọng thì nguy cơ lãng phí, mang nợ là rất cao.

Bởi lẽ, ngoài phần chi phí chi trả cho thiết bị mua về, Việt Nam còn phải chi trả thêm phần công lắp ráp, phần lãi suất vốn vay. Bên cạnh đó, điều kiện môi trường, khí hậu tại Việt Nam cũng khác rất nhiều so với bên Pháp nếu đường chưa xong, tàu đã mang về mà không vận hành được, tức là thiết bị phải đắp chiếu, phải có người trông coi, phải bảo dưỡng thường xuyên, thậm chí còn có thể bị hỏng hóc, không vận hành được, chi phí sẽ đội lên.

Ông Nhường cho rằng, khi thực hiện dự án, tiến độ các hạng mục phải tiến hành đồng bộ, sai số chỉ cho phép xảy ra trong khoảng 1-2 tháng, không thể chênh nhau tới cả năm, vài năm, thậm chí còn chưa chắc chắn hẹn ngày về đích, như vậy là không phù hợp, gây lãng phí.

Việc này đòi hỏi công tác quản lý, giám sát phải thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, chặt chẽ.

“Bài học từ tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn còn đó, càng kéo dài dự án Việt Nam sẽ càng thiệt”, ông Nhường nói.

Lam Nguyễn/ Đất Việt , ,

No comments:

Post a Comment