Đề xuất mới đây của đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng thu “phí chia tay” 3-5 USD khi công dân Việt xuất cảnh đang khiến nhiều đại biểu Quốc hội phản ứng, dư luận người dân không đồng tình.
Theo góc nhìn của vị đại biểu nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thì giải pháp này “sẽ giúp Nhà nước trong việc bảo hộ công dân ở nước ngoài, giúp việc xuất nhập cảnh tốt hơn, người làm thủ tục tươi cười hơn”.
Từ phát ngôn nói trên, tôi cảm thấy chất lượng, trình độ của các vị đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của cử tri cả nước mà lại thế thì quả là chưa thật ổn chút nào và rất đáng suy nghĩ.
Tôi rất tôn trọng những đại biểu nêu quan điểm cá nhân mà không sáo mòn, không rập khuôn ý kiến của người khác. Trong quá trình đi đến chân lý hoặc tiệm cận tới chân lý thì những ý kiến đó rất có thể là trái chiều, tôi nghĩ cũng không sao. Chúng ta nên tôn trọng chính kiến của người phản biện. Miễn là điều đó, nếu ai trong chúng ta muốn bắt bẻ này nọ cũng cần suy nghĩ thấu đáo, thận trọng.
Quay trở lại chuyện đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đề xuất thu “phí chia tay” mỗi khi xuất cảnh, cho dù số tiền đó chỉ dăm ba đôla đi nữa thì cũng rất bất hợp lý.
Tại sao chúng ta lại thu phí để dùng cho chuyện bảo hộ công dân khi ở nước ngoài? Đất nước chúng ta nghèo thật đấy nhưng cũng không nên làm thế, vì thuế nhà nước mà dân đã đóng ít nhiều cũng đủ làm chuyện bảo hộ cho công dân mình khi ra nước ngoài gặp chuyện.
Rồi thì chuyện thu phí này có thể “giúp” cho đội ngũ thực thi công vụ hưởng một chút dịch vụ nhờ đây. Và hy vọng họ sẽ giúp công việc xuất nhập cảnh tốt hơn, người làm thủ tục “tươi cười” hơn, âu cũng là điều rất không nên. Có khi chính như thế mới làm mất đi nụ cười vốn là đặc điểm rất đặc trưng trong tính cách của người Việt. Nên nhớ, mỗi năm nước ta có vài trăm ngàn người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Trong số họ, có biết bao người phải vay nặng lãi để hy vọng ra đi “tìm đường cứu nhà”. Họ chẳng khá giả chút nào nếu không nói là rất, rất nghèo. Vì thế, họ làm sao vui lên cho được?
Hơn nữa, nhiệm vụ của các nhà chức trách trong bộ máy nhà nước, ở bất kể khâu nào khi tiếp dân cũng cần có thái độ niềm nở, cớ gì lại phát sinh thu phí ở cửa khẩu sân bay, ở biên giới đất liền hoặc cảng biển quốc tế? Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy người chiến sĩ công an nhân dân rằng: “…Đối với dân phải kính trọng, lễ phép” kia mà!
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng đề xuất thu “phí chia tay” 3-5USD khi công dân Việt xuất cảnh.
Theo tôi được biết, có rất nhiều địa phương trong cả nước đã đặt hộp thư để dân chấm điểm mỗi khi họ đến giao dịch, làm thủ tục ở các cơ quan công quyền với những ký hiệu nhận xét khá ngộ nghĩnh. Nếu thái độ phục vụ khiến dân hài lòng thì sẽ nhấp nút có hình nụ cười, nếu không thì nhấp nút hình người nhíu mày khó chịu… Từ đó, cơ quan quản lý nhân lực trên sẽ có cơ sở chấm điểm nhân viên của họ sau mỗi tuần, mỗi tháng thực hiện nhiệm vụ tiếp dân.
Nhờ cách làm văn minh này, công bộc của dân buộc phải nở nụ cười thường trực với dân nếu họ muốn được chấm điểm tốt. Vậy thì hà cớ gì chúng ta lại đưa ra đề xuất nói trên để thu một thứ phí vô lý với cái cớ lãng xẹt là để trả công cho thái độ phục vụ, cho “nụ cười” của nhà chức trách khi họ đã được tuyển dụng vào bộ máy nhà nước qua thi cử đàng hoàng và họ đã chấp nhận?
Bất giác tôi nhớ lại một câu chuyện vui có đến hai chục năm trước mà tôi được biết về việc một ông chủ nọ phải chi thêm tiền lương mỗi tháng chỉ để “mua nụ cười” của người làm thuê. .
Đó là câu chuyện về ông “Chúa đảo” Đào Hồng Tuyển (Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu) ngoài Quảng Ninh mà ông Tuyển từng kể cho tôi nghe. Đầu những năm 2000, khi khu nghỉ dưỡng cao cấp Tuần Châu, Hạ Long đi vào hoạt động chính thức, ông Tuyển gặp không ít khó khăn trong khâu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho hệ thống resorts mà ông gây dựng.
Tác giả bài viết Quốc Phong
Theo Luật đầu tư trong nước ngày đó, mỗi doanh nghiệp khi xây dựng cơ sở khách sạn, nhà hàng hoặc bất cứ ngành gì cũng buộc phải cam kết sẽ dùng một tỷ lệ nhất định nguồn nhân lực tại chỗ (dân bản địa) mà không được hoàn toàn dùng người nơi khác dù biết là chất lượng hơn.
Tuần Châu vốn dĩ là hòn đảo của cư dân làm nghề chài lưới. Họ nghèo đến mức ngay chiếc xe đạp cũng ít người biết đi vì đâu có đường sá nghiêm chỉnh để mà đi lại, dù khi ấy đã ở cuối thế kỷ 20. Họ lại ít được học cao nên cũng hạn hẹp về kiến thức văn hoá. Hơn nữa, họ lại mặc cảm do không được tiếp xúc nhiều với người đến vùng du lịch.
Vì thế, ông Chúa đảo ngày ấy đã vui vẻ khoe với tôi rằng ngoài mức lương tiền triệu như nhiều khách sạn khác ngày đó trả người làm thuê, ông còn yêu cầu nhân viên khách sạn mỗi khi gặp du khách thì đều phải cúi chào và nở nụ cười đon đả. Ai làm đúng như vậy trong suốt tháng sẽ được trả thêm 300 ngàn đồng. Ông nói vui, đây là tiền ông sẵn sàng bỏ ra để “mua nụ cười của nhân viên”.
Với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thì điều đó là rất cần thiết, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Người được tuyển dụng, một khi đã chấp nhận thì phải thực hiện mà lẽ ra cũng không cần phải chi khoản nói trên. Song có thể đây là biện pháp khích lệ nhân viên hãy ráng thực hiện niềm nở với du khách thật tốt thì được thưởng.
Còn với đơn vị hành chính nhà nước, chúng ta không cần thưởng khoản này thì họ vẫn phải làm. Nếu không nghiêm túc thực hiện thì họ sẽ mất điểm thi đua và sẽ bị sa thải khi không đạt yêu cầu .
Quay trở lại câu chuyện xuất cảnh phải nộp thêm tiền để có kinh phí làm một số việc, tôi nghĩ nếu Nhà nước mà đề ra quy định này thì chỉ khiến người dân bất bình và không thể hài lòng. Ai cười chưa biết nhưng người Việt khi xuất cảnh thì không thể cười.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hoan đã phản ứng khá có lý khi ông cho rằng việc lý giải “phí chia tay” là để trích cho các cơ quan ngoại giao nhằm bảo hộ công dân, để bộ phận an ninh sân bay khi làm thủ tục xuất cảnh tươi cười, ân cần hơn… thì càng không hợp lý, bởi trách nhiệm của cơ quan ngoại giao là bảo hộ công dân, người dân đã phải đóng thuế trả lương cho bộ phận an ninh ở sân bay, thì trách nhiệm của họ là phục vụ người dân, cớ sao lại thu thêm tiền để “mua” nụ cười?
Chúng ta hẳn chưa quên câu chuyện cách nay cũng cả chục năm, khi Hải quan TP.HCM phát động cuộc “cách mạng” không giống ai, là nhân viên khi tiếp khách phải… cười. Thế rồi một chương trình… học cười đã được mở ra. Cách làm này là do họ tự thấy cần phải cải thiện ấn tượng với khách hàng. Nên nhớ, lúc đó người dân không mấy thiện cảm khi đến làm thủ tục hải quan. Họ làm là để cải thiện hình ảnh của chính mình, chứ đâu có chuyện hải quan thành phố này “bán” mà khách thì phải “mua” nụ cười!
Theo tôi, nếu muốn người dân hài lòng hơn, thay vì cách làm này, chúng ta trước mắt có thể giảm dần thủ tục xuất nhập cảnh rườm rà, phải xếp hàng chờ qua cửa khẩu an ninh để kiểm tra hộ chiếu bằng hệ thống xuất nhập cảnh tự động một khi hộ chiếu đã được mã hoá, gắn chip (hộ chiếu điện tử) mà các nước đã làm, rất văn minh và không tốn nhân lực. Như vậy, đội ngũ nhân sự sẽ bớt dần và chúng ta cũng đâu cần phải hiện diện để tươi cười làm thủ tục cho du khách! Thời đại công nghiệp 4.0 ưu thế chính là như vậy.
Hiện nay, mức độ công khai các buổi thảo luận, chất vấn… khi Quốc hội họp có thể nói là khá nhiều. Người dân được nghe đều có những nhận xét của riêng mình về từng vị đại biểu do họ bầu ra. Nên chăng, trong những phát biểu, tranh luận và chất vấn, mỗi vị đại biểu của dân nên hết sức cẩn trọng với những gì mình phát ra. Cổ nhân từng dạy chúng ta, cần “uốn ba tấc lưỡi trước khi nói” có lẽ chính là vậy.
Quốc Phong Chính trị , Kinh tế , Pháp luật , Xã hội
No comments:
Post a Comment