Trước những vấn đề mới phát sinh, mang lại những hệ lụy tiêu cực, cần có phương cách quản lý nhà nước sao cho hạn chế thấp nhất những hệ lụy để đảm bảo lợi ích văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng.
Từ sự kiện hơn 380 người Trung Quốc đánh bạc trực tuyến ở khu đô thị Our City có 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thuộc quận Dương Kinh, Hải Phòng bị công an bắt cuối tháng Bảy vừa qua, phần nào cho thấy những số vụ, quy mô những vụ người nước ngoài vi phạm luật pháp Việt Nam ngày càng tăng, và đặt ra trách nhiệm quản lý nhà nước liên quan.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch UBND phường Hải Thành nói với báo chí, trong số hơn 380 người Trung Quốc đánh bạc ở khu đô thị Our City bị công an bắt chỉ có 27 người Trung Quốc đăng ký tạm trú với chính quyền cơ sở. “Mọi hoạt động của họ đều thông qua thành phố. Chúng tôi chỉ được thông tin là có 27 người Trung Quốc đăng ký tạm trú trong đó”. [1]
Một lãnh đạo UBND quận Dương Kinh cho biết vì dự án khu đô thị Our City là doanh nghiệp 100% vốn FDI, theo phân cấp là do thành phố quản lý. Cho nên “Bình thường thì quận không có thẩm quyền kiểm tra những đơn vị vốn 100% FDI. Trong trường hợp quận muốn xuống làm việc cũng phải có kế hoạch và thông báo trước cho đơn vị này”. [2]
Với cung cách quản lý như thế này, liệu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có phát hiện kịp thời các hoạt động của người nước ngoài vi phạm về an ninh, quốc phòng hay không?
Lực lượng công an chốt chặt tất cả các ngả ra vào khu đô thị Our City
Ông Trần Quốc Vượng Thường trực Ban Bí thư Trung ương đã rất băn khoăn về sự kiện xảy ra ở khu đô thị Our City: “…hàng mấy trăm người nước ngoài vào hoạt động tội phạm một thời gian dài mà chúng ta không phát hiện, thông qua đó thấy rõ yếu kém, sơ hở. Nếu chúng ta cứ để thế này thì rất nguy hiểm, không biết sẽ diễn ra thế nào.” [3]
Người nước ngoài phạm tội hàng loạt, có tổ chức, thậm chí kéo dài như ở khu đô thị Our City là do lực quản lý yếu kém của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hay do “có điều gì đó” khác?
Không riêng gì vụ này, gần đây số vụ vi phạm pháp luật như lừa đảo, trộm cắp, buôn bán ma túy và các hàng cấm, tội phạm sử dụng công nghệ cao,… đang có xu hướng tăng lên.
Ngày 29/3/2019, công an Quảng Nam đã khởi tố, bắt tạm giam Ezechiedo (quốc tịch Nigieria, tạm trú tại quận 12, TP HCM) và bốn người Việt Nam thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 100 tỉ đồng của nhiều phụ nữ người Việt. [4]
Ngày 19/4/2019, tại khách sạn Duy Nhất, đại lộ Nguyễn Tất Thành, TP. Nha Trang, công an đã bắt hàng chục người Trung Quốc lắp đặt thiết bị công nghệ cao để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn mạo danh nhà chức trách, dùng điện thoại khống chế, đe doạ, ép buộc người khác chuyển tiền vào tài khoản của chúng. [5]
Ngày 11/5/2019, tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, công an TP. Hồ Chí Minh bắt Jhu Minh Jyun, người Đài Loan (Trung Quốc) và tịch thu gần 500 kg ma túy đá. [6]
Ngày 12/6/2019, tại nhà số 251 đường Võ Văn Hát, phường Long Trường, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh, công an đã bắt 20 đối tượng người Trung Quốc (trong đó có 8 đối tượng người Đài Loan), cùng một số tang vật giả danh công an Trung Quốc để lừa đảo. Tại trụ sở công an, các đối tượng thừa nhận hành vi sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác. [7]
Đáng kể nhất là thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã bắt giữ hàng loạt vụ buôn bán, vận chuyển ma túy với khối lượng lớn, do người nước ngoài cần đầu.
Trên đây chỉ là một số ví dụ trong số hàng loạt vụ phạm tội của người nước ngoài trong những tháng đầu năm 2019, để nói lên mức độ, quy mô hoạt động, tính chất nghiêm trọng của loại tội phạm này.
Qua đó cũng cho thấy công tác quản lý người nước ngoài ở Việt Nam còn hình thức, chưa đáp ứng được thực tế cuộc sống. Các cơ quan chức năng của ta chỉ nắm được người nước ngoài đến Việt Nam, còn họ đi đâu, ở đâu, làm gì thì chưa quản lý sâu sát, chặt chẽ. Đây chính là sơ hở lớn để các loại tội phạm người nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ nước ta.
Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi người nước ngoài phạm tội.
Với xu thế Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng phát triển chiều rộng và chiều sâu thì số lượng người nước ngoài vào nước ta kinh doanh, lao động, sinh sống, học tâp, du lịch… ngày càng đông.
Theo “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019”, năm 2018 có 16.178 doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên lãnh thổ nước ta và hàng trăm nghìn người nước ngoài đến sinh sống, làm việc ở Việt Nam. Theo Tổng cục Du lịch, năm 2018 gần 15,5 triệu lượt người; 7 tháng đầu năm 2019, gần 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế tới Việt Nam.
Trong tương lai, số doanh nghiệp FDI và số lượng người nước ngoài đến nước ta kinh doanh, làm việc, du lịch… không dừng lại ở những con số trên đây.
Thực tế cho thấy, hầu hết người nước ngoài đến Việt Nam đều vì những động cơ, mục đích tốt đẹp, lành mạnh và họ đã góp phần quan trọng đối với sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta.
Tuy nhiên, bên cạnh đó có một bộ phận nhỏ thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như buôn bán ma túy và các loại hàng cấm; tổ chức và tham gia các tệ nạn cờ bạc, mại dâm, lừa đảo và không loại trừ những hành động xâm phạm an ninh, quốc phòng.
Để ngăn chặn tình trạng đó, các bộ ngành cùng các địa phương cần phải có giải pháp quản lý người nước ngoài đồng bộ, hiệu quả và phải xem đây là công việc cấp bách.
Trước hết cần rà soát, sửa đổi, bổ sung một số luật xem có những lỗ hổng nào không. Cần có các văn bản pháp luật quy định rõ về chức trách, nhiệm vụ của chính quyền địa phương trong quản lý người nước ngoài, trong đó tăng trách nhiệm, tăng thẩm quyền cho cán bộ cấp cơ sở.
Xây dựng hệ thống quản lý thông tin định danh người nước ngoài lưu trú tại Việt Nam đảm bảo tính cập nhật và tự động. Với xu thế toàn cầu hóa, mở cửa và hội nhập người nước ngoài đến Việt Nam kinh doanh, làm việc, du lịch, học tập… là đương nhiên, được chào đón. Họ giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hội nhập.
Tuy nhiên, trước những vấn đề mới phát sinh, mang lại những hệ lụy tiêu cực như đã nêu, chúng ta cũng cần có phương cách quản lý nhà nước sao cho hạn chế thấp nhất những hệ lụy để đảm bảo lợi ích văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng.
Nguồn Vietnamnet Pháp luật , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment