Tại Việt Nam nhiều mạng xã hội đã xuất hiện để cạnh tranh với Facebook, với mục đích tối hậu là một ngày nào đó, có thể hất chân và thay thế luôn anh khổng lồ Facebook của Mỹ, đang thống trị cả thế giới. Nhưng một số nhà bình luận, trong đó có một số chuyên gia, cho rằng mục tiêu mà Việt Nam đã đặt ra, là quá tham vọng, nếu không muốn nói là không tưởng.
Với 60 triệu người sử dụng Facebook (FB) trong dân số 96 triệu người, và một đội ngũ nhân viên hùng hậu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thị trường Việt Nam là một thị trường quan trọng đối với FB. Cậy thế mạnh đó, trong thời gian gần đây, Việt Nam đã đưa ra một loạt đòi hỏi đối với các tập đoàn công nghệ quốc tế, như đòi FB và Google xóa những thông tin ‘xấu độc’, đóng các trang mạng được cho là nói xấu, chỉ trích nhà nước hay các quan chức, hay đòi các công ty công nghệ cung cấp thông tin của người dùng theo yêu cầu của phía Việt Nam, những điều có thể đi ngược lại tộn chỉ hoạt động ban đầu của các công ty này.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói đã tới lúc ngành công nghiệp CNTT của Việt Nam phải tạo ra những mạng xã hội phù hợp với các điều kiện ‘đặc thù Việt Nam’, có khả năng cạnh tranh và thay thế FB, Google.
Các mạng xã hội nội địa
Theo tạp chí Nikkei Review, thì kể từ đầu năm nay, ít nhất ba mạng xã hội đã ra mắt dân mạng. Mạng xã hội du lịch Hahalolo -trụ sở tại tp.HCM, chính thức ra mắt ngày 10 tháng 6. Ngày hôm sau, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), doanh nghiệp kinh tế quốc phòng 100% vốn nhà nước, ra mắt VCNET, được thiết kế để "chống lại thông tin không chính xác và tin tức giả mạo".
Hai mạng xã hội nữa cũng đang đi vào hoạt động.
Nikkei Review trích nguồn tin từ giới quan sát CNTT nhận xét rằng Luật an ninh mạng được áp dụng từ đầu năm 2019 đã tạo điều kiện cho sự phát triển của các mạng xã hội ‘cây nhà lá vườn’.
Luật này đòi hỏi các công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, dịch vụ trực tuyến và nội dung trực tuyến tại Việt Nam phải đặt văn phòng và máy chủ tại Việt Nam và lưu trữ dữ liệu trong nước, được cho là sẽ đẩy các tập đoàn công nghệ rời thị trường Việt Nam, nhường chỗ cho các mạng xã hội địa phương.
Hồi tháng Giêng, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra chỉ thị cho Bộ TTTT hãy làm nhiều hơn để bảo đảm các mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ luật an ninh mạng, đồng thời chỉ thị cho Bộ phải tiếp tục cổ vũ việc thành lập các mạng xã hội thay thế cho FB và Google.
Vào tháng Năm, Bộ TTTT cho biết FB đã đồng ý đóng cửa 208 trương mục, hơn 2000 nối kết quảng cáo các dịch vụ, sản phẩm bất hợp pháp, đóng cửa hơn 200 trang có nội dung chống đối Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam.
Tháng 6 vừa rồi, Bộ TTTT loan báo đã liệt kê khoảng 55.000 video YouTube vi phạm luật pháp Việt Nam, hoặc có nội dung “xấu”. Google và YouTube tại Việt Nam đã xóa 8000 video theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam, theo truyền thông địa phương.
Ý kiến của chuyên gia, người sử dụng
Tạp chí Asia Nikkei Review dẫn lời Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Yusof Ishak ở Singapore (ISEAS), bày tỏ hoài nghi về tham vọng của Việt Nam, có thể cạnh tranh với FB.
“Tôi không tin là Việt Nam có khả năng phát triển các nền tảng truyền thông xã hội khả thi để có thể cạnh tranh với các tay chơi toàn cầu như Facebook và Google”, ông nói.
“Chừng nào mà còn FB và Google, thì các nền tảng truyền thông xã hội nội địa không thể là chọn lựa tối ưu của người sử dụng Việt Nam.”
Các chuyên gia đều cho rằng Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ, sẵn sàng chi những món tiền khủng hàng năm cho nghiên cứu và để nuôi dưỡng óc sáng tạo của đội ngũ chuyên viên hùng hậu của mình.
Từ ngày FB vào thị trường Việt Nam, Hà nội đã cấp hơn 300 giấy phép cho các mạng xã hội trong nước, tính cho tới năm 2017, nhưng số mạng xã hội hoạt động chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Hahalolo, mạng xã hội du lịch đầu tiên của người Việt, cho biết là hiện đã có 500.000 tài khoản sử dụng, và mục tiêu là đến năm 2024 sẽ đạt 2 tỷ người dùng.
Ngoài Hahalolo và VCNET, còn có Gapo, một đơn vị thuộc G-group có trụ sở tại Hà Nội. Đây là một mạng xã hội gia đình với chức năng trò chuyện, đăng bài và các chức năng khác, chính thức ra mắt vào ngày 23/7.
G-Group đã đổ 500 nghìn tỉ đồng (21.55 triệu USD) đầu tư vào Gapo. Gapo đang hợp tác với Sony Music Entertainment nhắm mục tiêu đạt 3 triệu người dùng trong năm 2019.
Sputniknews dẫn lời CEO Hà Trung Kiên của G-Group nói tại buổi ra mắt Gapo: "Chúng tôi tự tin có thể thu hút 50 triệu người dùng vào năm 2021".
Ông Kiên nói người dùng và các công ty Việt Nam quá lệ thuộc vào FB bởi vì họ không có nhiều mạng xã hội để lựa chọn.
Bất chấp sự tự tin của các mạng xã hội nội địa, cho rằng mình “còn đi trước cả Facebook”, và sẽ “vượt mặt, thay thế Facebook”, nhiều người sử dụng than phiền các mạng xã hội địa phương “không thân thiện với người dùng”, và đa phần các chức năng đều được “sao chép” y hệt FB.
Một số chuyên gia nói rằng Hà Nội muốn siết chặt kiểm soát đối với các mạng xã hội như Trung cộng, nơi mà các dịch vụ của Facebook và Google bị chặn. Nhưng ông Trần Hồng Ninh, một nhà phân tích kinh doanh kỹ thuật số, sáng lập viên của công ty tham vấn Performance King, trụ sở đặt ở Saigon, nói điều đó khó xảy ra.
“Hà nội sẽ không đóng cửa internet và tách Việt Nam ra khỏi cộng đồng thế giới, chỉ để xây dựng một nền tảng mới hầu thay thế Facebook và Google.”
Nguồn BM Công Nghệ , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment